Hiệp định có 14 chương, bao gồm thương mại hàng hóa, quy tắc xuất xứ, quyền sở hữu trí tuệ (IPR), thương mại dịch vụ, xúc tiến đầu tư và hợp tác, mua sắm chính phủ, rào cản kỹ thuật đối với thương mại và tạo thuận lợi thương mại. Thỏa thuận mất khoảng một năm để có hiệu lực sau khi được Quốc hội tất cả các nước này phê chuẩn. Theo thỏa thuận, New Delhi sẽ được đầu tư 100 tỷ USD trong 15 năm. Các ngành sản xuất như sữa, đậu nành, than đá và một số sản phẩm nông nghiệp vẫn được đưa vào danh sách loại trừ. Lợi ích của Ấn Ðộ khi sản xuất thuốc gốc và lo ngại liên quan việc mở rộng thời gian bảo hộ đối với bằng sáng chế đã được giải quyết.
Thủ tướng Ấn Ðộ Narendra Modi tin tưởng TEPA tượng trưng cho cam kết của hai bên ủng hộ thương mại rộng mở, công bằng và hợp lý. Thủ tướng Modi nhấn mạnh, vai trò dẫn dắt của các nước EFTA về đổi mới, nghiên cứu và phát triển (R&D) trong nhiều lĩnh vực sẽ mở ra những cánh cửa hợp tác mới. Ông cũng chỉ ra cơ hội đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cho EFTA trong các lĩnh vực đang phát triển của Ấn Ðộ, như thương mại kỹ thuật số, ngân hàng, dịch vụ tài chính, vận tải, hậu cần, máy công nghiệp, công nghệ sinh học, dược phẩm, hóa chất, chế biến thực phẩm và năng lượng sạch.
Trong khi đó, Bộ trưởng Kinh tế Thụy Sĩ Guy Parmelin đánh giá, hiệp định cho phép hai bên tận dụng tốt hơn những tiềm năng kinh tế và tạo thêm nhiều cơ hội cho cả Ấn Ðộ và các nước châu Âu. EFTA có thể tiếp cận thị trường Ấn Ðộ đang tăng trưởng nhanh; ngược lại, Ấn Ðộ cũng thu hút thêm nhiều khoản đầu tư từ các nước EFTA, từ đó tạo thêm nhiều việc làm tốt.
Việc ký kết TEPA là bước tiến lớn trong quan hệ đối tác, hợp tác thương mại giữa Ấn Ðộ với bốn quốc gia châu Âu, mở ra nhiều cơ hội để quốc gia Nam Á thúc đẩy xuất khẩu, đầu tư, tạo việc làm, nhằm củng cố vị thế của nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới.
Với TEPA, cam kết ràng buộc được đưa ra về đầu tư là 100 tỷ USD và tạo ra một triệu việc làm trực tiếp trong 15 năm tới. Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Ấn Ðộ Piyush Goyal cho biết, thỏa thuận thể hiện "một Ấn Ðộ tràn đầy tự tin". Thỏa thuận sẽ thúc đẩy sáng kiến "Sản xuất tại Ấn Ðộ" và tạo cơ hội cho các nhà xuất khẩu Ấn Ðộ tiếp cận các thị trường lớn ở châu Âu và toàn cầu.
Ðược thành lập năm 1960, EFTA giúp thúc đẩy thương mại tự do và hội nhập kinh tế giữa bốn nước thành viên. Năm 2021, EFTA là khối thương mại lớn thứ 10 thế giới về buôn bán hàng hóa và đứng thứ 8 về trao đổi dịch vụ. Ấn Ðộ và EFTA bắt đầu đàm phán TEPA từ tháng 1/2008 và trải qua 13 vòng thương lượng cho đến tháng 11/2013 trước khi tạm dừng. Sau đó, hai bên nối lại đàm phán vào tháng 10/2023 và nhanh chóng ký kết thỏa thuận.
Các mặt hàng nhập khẩu chính của Ấn Ðộ từ 4 thành viên EFTA là vàng, bạc, than đá, dầu thực vật, máy móc làm sữa, vật phẩm y tế, dầu thô và thiết bị khoa học. Ấn Ðộ xuất sang 4 quốc gia này các sản phẩm hóa chất, sắt thép, vàng, đá quý, sợi, đồ thể thao, đồ thủy tinh và thuốc số lượng lớn... Theo thống kê, trong tài khóa 2022-2023, thương mại hai chiều giữa Ấn Ðộ và 4 nước EFTA đạt 18,65 tỷ USD. Thụy Sĩ là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Ðộ trong EFTA.
Những năm gần đây, Ấn Ðộ đã ký thỏa thuận thương mại với Australia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và đang đàm phán về hiệp định thương mại tự do toàn diện với EU. Tiến trình đàm phán thỏa thuận thương mại giữa Ấn Ðộ với Anh cũng đã bước vào giai đoạn cuối.
Việc ký kết TEPA là bước tiến lớn trong quan hệ đối tác, hợp tác thương mại giữa Ấn Ðộ với bốn quốc gia châu Âu, mở ra nhiều cơ hội để quốc gia Nam Á thúc đẩy xuất khẩu, đầu tư, tạo việc làm, nhằm củng cố vị thế của nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới.