Một số khu đô thị ở Indore cũng khuyến khích cư dân xây dựng nhà tiền chế lắp ghép hoặc ki-ốt bán hàng từ các tấm vật liệu tái chế. Theo Times of India, cùng với các vật liệu tự nhiên như gỗ, tre, nứa…, nhà lắp ghép từ nhựa tái chế đã trở nên phổ biến và rất được ưa chuộng vì chi phí thấp và dễ thực hiện, đồng thời vẫn bảo đảm an toàn chống cháy, nổ. Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng sử dụng nhựa đường từ nhựa tái chế để gia cố mặt đường hoặc làm hàng rào chắn giao thông, dải phân cách từ rác thải nhựa...
Tuy nhiên, ít ai biết được rằng, mới chỉ vài năm trước Indore từng là thành phố ô nhiễm nhất ở bang Madhya Pradesh. Nổi lên như một trung tâm công nghiệp lớn, các ngành công nghiệp chủ yếu ở đây là dệt bông, sắt thép, hóa chất và cơ khí. Hoạt động sản xuất và quá tải rác thải sinh hoạt đã gây ô nhiễm sông Kahn cũng như toàn thành phố. Khắc phục những vấn đề này, kể từ năm 2016, Hội đồng nhân dân thành phố Indore (IMC) đã nỗ lực thay đổi cách tiếp cận và quản lý rác thải, đặt mục tiêu phân loại 100% rác thải hộ gia đình, loại bỏ các bãi rác và chuyển đổi rác thải thành các sản phẩm có thể sử dụng được. IMC cũng kêu gọi hợp tác với các tổ chức phi chính phủ và các công ty tư nhân để khởi động chiến dịch nâng cao nhận thức, qua đó thay đổi hành vi của người dân và điều hành các hoạt động quản lý chất thải.
Những thay đổi tích cực đó đã giúp cải tạo Indore, đưa ra tầm nhìn trở thành một trong những thành phố sạch nhất ở Ấn Độ. Giới chức nước này cũng đánh giá cao mô hình quản lý chất thải nhựa ở Indore để làm hình mẫu cho cả nước. Theo các báo cáo của IMC, khái niệm “quản lý rác sáng tạo” của thành phố không chỉ giảm rác thải nhựa mà còn tái chế cho các dự án xây dựng, thúc đẩy ý tưởng phát triển bền vững cho thành phố hơn hai triệu dân. Báo cáo môi trường năm 2021 của thành phố cho thấy, khoảng 14% trong số rác thải hằng ngày ở Indore là nhựa và gần như toàn bộ lượng rác thải nhựa này đã được tái chế và tái sử dụng ở các nhà máy địa phương để làm vật liệu xây dựng.
Mô hình tuần hoàn rác thải nhựa ở Indore được thực hiện khép kín từ khâu phân loại đến thu gom nhựa, sau đó toàn bộ rác thải nhựa sử dụng một lần được đóng thành những kiện lớn để vận chuyển đến các đơn vị chế biến vật liệu xây dựng hoặc cung cấp cho các dự án đường bộ. Quy trình này còn tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn người thu gom rác thải, tạo cơ hội cho họ nâng cao kinh tế và khả năng tiếp cận giáo dục.
Ngoài ra, thành phố còn tổ chức hội chợ và các chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng, hợp tác với các chuỗi bán lẻ để khuyến khích người dân mang rác thải nhựa đến các cửa hàng để đổi quà. Chính quyền sử dụng xe lưu động có phát các bài hát dân ca giúp lan tỏa thông điệp phân loại rác trong cộng đồng. Đặc biệt, trường học đưa vào chương trình dạy học sinh cách phân loại rác hợp lý từ bậc mầm non, cũng như lắp đặt hàng chục thùng thu gom rác thải nhựa trong khuôn viên trường học để học sinh dễ thực hành.
Còn theo ông K.Rajeswara Rao, chuyên gia của Ban Kiểm soát ô nhiễm trung ương Ấn Độ, các cơ sở thu hồi đóng vai trò quan trọng trong việc tái chế rác thải nhựa và là một bộ phận quan trọng để duy trì nền kinh tế tuần hoàn, giúp giảm áp lực đối với môi trường. “Giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế là cốt lõi của nền kinh tế tuần hoàn. Bài học ở Indore đã cho thấy con đường để quản lý tài nguyên bền vững hơn bằng cách tái chế nhựa và đưa trở lại sử dụng các sản phẩm đó trong nền kinh tế, nhờ vậy không xả thêm rác ra ngoài môi trường tự nhiên. Trong nền kinh tế tuần hoàn, nhựa được luân chuyển theo một vòng khép kín, thay vì chỉ được sử dụng một lần rồi bỏ đi”, ông phân tích.