Ngày 20/2, Lãnh đạo PVN cho biết, trong tháng 1/2024, tổng doanh thu toàn Tập đoàn đạt 68,9 nghìn tỷ đồng, vượt 17% kế hoạch, tăng 14% so với cùng kỳ 2023; nộp ngân sách hơn 9,9 nghìn tỷ đồng, vượt 19% kế hoạch, tăng 13% so với cùng kỳ.
Trong tháng 1, ngoài hai chỉ tiêu không hoàn thành là khai thác khí và sản xuất điện đạt 98% kế hoạch do huy động khí và điện ở mức thấp, các chỉ tiêu sản xuất chủ yếu còn lại của đơn vị đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch tháng từ 2,8% đến 80,5%, trong đó, có 8/9 chỉ tiêu sản xuất tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2023.
Cụ thể, sản lượng dầu thô đạt 865 nghìn tấn, vượt 2,8% kế hoạch, tăng 1,5% so với thực hiện tháng 12/2023; sản lượng khí đạt 552 triệu m3, tăng 8,7% so với tháng 12/2023, tăng 1,4% so với cùng kỳ tháng 1/2023; sản lượng điện đạt 2,23 tỷ kWh, tăng 18,4% so với thực hiện tháng 12/2023, tăng 35% so với cùng kỳ 2023; sản xuất xăng dầu (không bao gồm sản phẩm NSRP) đạt 640,2 nghìn tấn, vượt 43,1% kế hoạch, tăng 2,9% so với tháng 12/2023 và tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2023,…
Cụm khí điện đạm Cà Mau. |
Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng cho biết, tháng 1 và nửa đầu tháng 2 vừa qua, toàn Tập đoàn đã bảo đảm các hoạt động sản xuất an toàn, liên tục, không có sự cố. Kết quả sản xuất kinh doanh tích cực, nhiều chỉ tiêu tốt so với kỳ vọng, tăng trưởng so với cùng kỳ và tháng 12/2023, qua đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô đất nước.Trong thời gian tới, PVN sẽ liên tục cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô, tập trung phân tích, đánh giá, tìm ra cách thức “làm mới động lực cũ, bổ sung động lực mới” cho sự phát triển của Tập đoàn.
Đối với lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí, cần tập trung bảo đảm gia tăng trữ lượng và sản lượng khai thác dầu khí song song với việc đẩy mạnh công tác đầu tư, nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách phù hợp để tạo động lực mới về thể chế. Bên cạnh đó, Tập đoàn và các đơn vị phải duy trì bảo đảm hoạt động các nhà máy ổn định, an toàn, tập trung công tác bảo dưỡng tổng thể Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, chuẩn bị sẵn sàng hệ thống cung ứng xăng dầu, quản lý chặt chẽ hàng tồn kho đối với xăng dầu, đạm. Trong lĩnh vực khí-điện, cần tập trung tháo gỡ cơ chế chính sách, tiếp tục có các giải pháp nâng cao sản lượng khai thác, tiêu thụ khí, nghiên cứu, phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị trong khối,…
“Tập đoàn sẽ tiếp tục cập nhật hệ thống pháp luật thay đổi ảnh hưởng với hoạt động sản xuất kinh doanh, từ đó bổ sung, cập nhật, tạo động lực về cơ chế, thể chế; đánh giá mô hình, có giải pháp căn cơ để thúc đẩy hoạt động đầu tư; xây dựng cơ sở dữ liệu, quản trị mục tiêu, chỉ tiêu hằng tuần, hằng tháng, hằng quý, đồng thời quản trị rủi ro để điều phối, chỉ đạo triển khai thực hiện các mục tiêu, kế hoạch đặt ra; tăng cường củng cố hệ thống kiểm tra, giám sát, quản trị công việc được thực hiện đúng theo các thời hạn, cũng như bảo đảm thực hiện tốt các yêu cầu của các cơ quan quản lý nhà nước, các quy định của pháp luật,…” - ông Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh.