Chìa khóa "quản trị biến động"
Năm qua, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và các đơn vị thành viên tiếp tục thực hiện thành công, hiệu quả các giải pháp kỹ thuật, duy trì ổn định hoạt động các lô, mỏ; qua đó, giúp tăng trữ lượng dầu khí đạt 13,0 triệu tấn, vượt 8,3%, hoàn thành kế hoạch cả năm trước 1 tháng 10 ngày; sản lượng khai thác dầu đạt 10,41 triệu tấn, vượt 12,1%, hoàn thành kế hoạch trước 1 tháng 9 ngày; sản lượng khai thác khí đạt 7,47 tỷ m3, vượt 25,7% kế hoạch; sản lượng đạm đạt 1,76 triệu tấn, vượt 10,3% kế hoạch; sản lượng điện đạt 23,07 tỷ kW giờ, tăng 31% so năm 2022; sản xuất xăng dầu (không gồm Nghi Sơn) đạt 7,36 triệu tấn, vượt 33,2% kế hoạch, tăng 5,8% so năm 2022, đạt mức kỷ lục cao nhất kể từ khi Nhà máy lọc dầu Dung Quất đi vào vận hành thương mại đến nay, cao hơn 400 nghìn tấn so mức kỷ lục năm 2022; kinh doanh xăng dầu đạt 11,40 triệu tấn, vượt 26% kế hoạch; doanh thu khối đơn vị dịch vụ của Tập đoàn đạt 94,4 nghìn tỷ đồng, tăng 17% so năm 2022,...
Nhờ thực hiện tốt công tác quản trị biến động, nâng cao công suất, hiệu suất hoạt động các nhà máy, mở rộng thị trường, đặc biệt là thị trường quốc tế, cho nên tất cả các chỉ tiêu tài chính hoàn thành kế hoạch cả năm trước từ 2-5 tháng, tiếp tục thiết lập mức kỷ lục mới về doanh thu sau 62 năm lịch sử và hình thành ngành dầu khí Việt Nam.
Cụ thể, tổng doanh thu đạt 942,8 nghìn tỷ đồng, vượt 39% kế hoạch năm, cao hơn 11,6 nghìn tỷ đồng so kỷ lục năm 2022 (931,2 nghìn tỷ đồng), tương đương 9,2% GDP cả nước; nộp ngân sách đạt 151,8 nghìn tỷ đồng, vượt 94% kế hoạch, chiếm khoảng 9,4% tổng thu ngân sách năm 2023.
Lợi nhuận trước thuế đạt 54,5 nghìn tỷ đồng, vượt 57,0%, hoàn thành kế hoạch cả năm trước bốn tháng. Tối đa hiệu quả và tối ưu chi phí, thực hành tiết kiệm toàn Tập đoàn đạt 3.072 tỷ đồng, vượt 37% so kế hoạch.
Quy mô tổng doanh thu năm 2023 tăng 66,6% so năm 2020 (566 nghìn tỷ đồng). Hệ số khả năng thanh toán nhanh tại thời điểm ngày 31/12/2023 là 4,6 lần; hệ số khả năng thanh toán tổng quát là 3,7 lần cho thấy Công ty mẹ - Tập đoàn có đủ khả năng thanh toán các khoản nợ, bảo đảm an toàn cho sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển,...
Theo lãnh đạo PVN, kết quả ấn tượng đạt được thể hiện quá trình PVN miệt mài, tâm huyết triển khai phương châm "Quản trị biến động". Với thành tựu đạt được trong những năm qua, "Quản trị biến động" sẽ tiếp tục đóng vai trò quyết định đến kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của PVN.
Đây cũng là tiền đề quan trọng để đơn vị tiếp tục phát triển ổn định, bền vững, vươn xa, hiện thực hóa khát vọng tăng trưởng, xây dựng và phát triển PVN trở thành Tập đoàn Công nghiệp năng lượng hàng đầu đất nước, giữ vai trò tiên phong, bảo đảm năng lượng cho phát triển.
Mở rộng không gian, phạm vi phát triển
Năm 2024 được dự báo tiếp tục đối diện nhiều thách thức khi tình hình địa chính trị diễn biến phức tạp, kinh tế toàn cầu khó khăn, nợ công cao, tác động đến chi phí chu kỳ kinh tế toàn cầu; các vấn đề thị trường dịch vụ, năng lượng khó dự báo,…
Trước bối cảnh đó, PVN phấn đấu gia tăng trữ lượng dầu khí đạt 12-18 triệu tấn quy dầu, cao hơn năm 2023 khoảng 2-4 triệu tấn; khai thác dầu đạt 8,20-8,98 triệu tấn; khai thác khí từ 5,10-7,50 tỷ m3; sản xuất đạm đạt 1,74 triệu tấn; sản xuất điện đạt 27,78 tỷ kW giờ; sản xuất xăng dầu (không gồm Nghi Sơn): 5,79 triệu tấn, cao hơn 266 nghìn tấn so năm 2023.
Tổng doanh thu toàn Tập đoàn đạt 734,2 nghìn tỷ đồng, cao hơn 56,5 nghìn tỷ đồng so năm 2023; nộp ngân sách 94 nghìn tỷ đồng, cao hơn 15,6 nghìn tỷ đồng so năm 2023,…
Đề cập hoạt động của doanh nghiệp, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng cho rằng, đơn vị có những thuận lợi trong năm qua nhờ đẩy mạnh mở rộng quy mô về doanh thu và hạ tầng kinh doanh, các quan hệ ngoại giao giúp mở rộng thị trường, cơ hội cho doanh nghiệp; các thể chế, chính sách từng bước được tháo gỡ,... Với truyền thống hơn 62 năm trưởng thành và phát triển, năm 2024, PVN phấn đấu đạt mục tiêu về tốc độ tăng trưởng từ 3,5-6% theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, doanh thu đạt hơn 970 nghìn tỷ đồng, phấn đấu mục tiêu đạt 1 triệu tỷ đồng, thúc đẩy đầu tư, tạo động lực tăng trưởng cho phát triển dài hạn.
"Muốn hoàn thành mục tiêu, toàn Tập đoàn cần tập trung vào một số nhóm giải pháp, thúc đẩy động lực về văn hóa trên tinh thần kế thừa đà phát triển những năm qua, với tinh thần một đội ngũ, một mục tiêu, tái tạo văn hóa và nâng tầm văn hóa về tăng trưởng, đoàn kết thống nhất, tuân thủ pháp luật, sự phối kết hợp giữa các đơn vị trong hệ thống. Bên cạnh đó, tạo động lực về thể chế trở thành động lực phát triển của Tập đoàn. Đặc biệt, cần cụ thể hóa trong từng lĩnh vực về quản trị doanh nghiệp theo phương châm làm mới động lực cũ để dịch chuyển mô hình kinh doanh, thúc đẩy phát triển" - ông Lê Mạnh Hùng khẳng định.
Cũng theo ông Lê Mạnh Hùng, Tập đoàn sẽ tiếp tục khai thác động lực về việc mở rộng quy mô, nâng cao năng suất, hiệu suất, mở rộng thị trường kinh doanh quốc tế dựa trên các quan hệ song phương, đa phương; quản trị đầu tư, danh mục đầu tư các dự án đầu tư, tối ưu các loại chi phí, cuối cùng tập trung hoàn thiện đề án tái cấu trúc đồng bộ với mô hình và hệ thống quản trị của Tập đoàn. Đồng thời, tổng hợp các ý kiến, xây dựng kế hoạch chi tiết nhằm triển khai hoàn thành xuất sắc các công việc, kế hoạch đề ra. Tập đoàn cũng tiếp tục phối hợp các bộ, ngành liên quan để hoàn thiện thể chế quản lý, cơ chế, chính sách, tạo điều kiện cho PVN mở rộng không gian, phạm vi phát triển, phù hợp cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế. Tập trung quản trị tốt dòng tiền, vốn bằng tiền bảo đảm an toàn và hiệu quả sử dụng vốn, đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư. Thường xuyên cập nhật, dự báo giá dầu thô, giá các mặt hàng chủ lực của PVN, cũng như cung cầu thị trường, nhằm xây dựng các kịch bản kinh doanh, có các giải pháp ứng phó kịp thời, phù hợp; điều hành linh hoạt công tác tiêu thụ, phát triển sản phẩm,…