Phát biểu khai mạc, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Phước, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, tăng trưởng xanh là một chiến lược tìm kiếm tối đa hóa sản lượng kinh tế trong khi giảm thiểu gánh nặng về sinh thái.
Cách tiếp cận này tìm kiếm sự hài hòa về tăng trưởng kinh tế và bền vững môi trường bằng cách thúc đẩy những thay đổi cơ bản trong sản xuất và tiêu thụ của xã hội. Cho nên, phát triển bền vững cần kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa kinh tế, xã hội và môi trường.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Phước, để bảo đảm phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, Chính phủ xác định đẩy mạnh áp dụng rộng rãi sản xuất sạch hơn, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu phát thải và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm, bảo vệ chất lượng môi trường, sức khỏe con người.
Đồng thời, xây dựng văn hóa tiêu dùng văn minh, hài hòa và thân thiện với thiên nhiên; từng bước thực hiện dán nhãn sinh thái, mua sắm xanh; phát triển thị trường sản phẩm sinh thái và sáng kiến cộng đồng về sản xuất và tiêu dùng bền vững...
Đại biểu phát biểu tại hội thảo. |
Đề cập đến công nghiệp xanh, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Phượng, Viện trưởng Viện Công nghiệp môi trường cho biết, cả nước hiện có khoảng 560 khu công nghiệp theo quy hoạch, nhưng chỉ 7 khu công nghiệp được xây dựng theo mô hình sinh thái.
Từ đó, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Phượng chỉ ra rằng, nhiều nơi quy hoạch phát triển khu công nghiệp chưa sát với nhu cầu thực tế và khả năng thu hút đầu tư chất lượng và hiệu quả thu hút đầu tư chưa cao.
Cũng tại hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Quyên, Trường đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ về nội dung chuyển đổi xanh trong ngành dệt may. Thực trạng chuyển đổi xanh hiện nay cho thấy 80% doanh nghiệp đã bắt đầu áp dụng các biện pháp xanh trong hoạt động sản xuất và kinh doanh.
Xây dựng hệ sinh thái phù hợp
Tuy nhiên, 60% trong số đó gặp khó khăn trong việc tiếp cận công nghệ mới, khiến quá trình chuyển đổi trở nên phức tạp, đặc biệt có 75% doanh nghiệp đánh giá rằng chi phí đầu tư ban đầu là rào cản lớn nhất, cản trở việc thực hiện các giải pháp xanh một cách hiệu quả và toàn diện.
Trong khi đó, theo thống kê, diện tích cây xanh trên đầu người ở đô thị Việt Nam hiện chỉ đạt 2-3 m2/người, thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn tối thiểu của Liên hợp quốc là 10 m2/người, và tiêu chuẩn của các thành phố hiện đại trên thế giới là 20-25 m2/người.
Trước những thách thức trên, các chuyên gia đã đưa ra nhiều giải pháp toàn diện, bao gồm việc hoàn thiện khung pháp lý, thúc đẩy cộng sinh công nghiệp và nông nghiệp, xây dựng khu công nghiệp sinh thái, phát triển năng lượng tái tạo và kinh tế tuần hoàn.
Đồng thời, các đề xuất tập trung vào việc tăng cường nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, giảm tiêu hao tài nguyên, nâng cao chất lượng và kéo dài vòng đời sản phẩm; cần có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là về tài chính và kỹ thuật, cũng như tổ chức các chương trình đào tạo chuyên sâu về công nghệ xanh và quản lý môi trường.