Thời gian qua, một số địa phương, điểm đến của Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để “xanh hóa” các sản phẩm, dịch vụ du lịch. Một số cơ sở lưu trú tại Quảng Ninh, Ninh Bình, Đà Nẵng, Huế, Quảng Nam, Phú Quốc… đã đầu tư hệ thống năng lượng mặt trời để cung cấp điện cho hoạt động của cơ sở, áp dụng phân loại, tái chế rác thải, loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng nhựa dùng một lần, đưa xe điện vào khai thác vận chuyển khách… Bên cạnh đó, nhiều tour xanh đã ra đời như: Net Zero tours Bến Tre, tour khám phá hang động tại Phong Nha-Kẻ Bàng (Quảng Bình), tour xem rùa đẻ trứng ở Hòn Bảy Cạnh (Côn Đảo), tour tắm rừng tại Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai, hay tour du lịch canh nông ở Trà Vinh… Tuy nhiên, có một thực tế là, các doanh nghiệp du lịch Việt Nam chủ yếu chỉ hoạt động ở quy mô vừa và nhỏ, thiếu tính liên kết, trong khi quá trình chuyển đổi sang Net Zero đòi hỏi phải có sự đầu tư lớn vào năng lượng tái tạo, công nghệ xanh, cơ sở hạ tầng… cùng sự kết nối chặt chẽ. Chưa kể, tư duy và triết lý kinh doanh của nhiều doanh nghiệp du lịch vẫn chưa kịp chuyển đổi, việc thay đổi nhận thức, thói quen của du khách hướng đến mục tiêu Net Zero cũng là thách thức…
Vì vậy, để tích hợp vấn đề khử carbon vào tất cả các khâu trong hoạt động du lịch, các chuyên gia cho rằng phải xây dựng được một hệ sinh thái du lịch Net Zero với sự chung tay của tất cả các bên, từ chính phủ, doanh nghiệp tới du khách. Theo ông Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Nghiên cứu Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, thúc đẩy chuyển đổi xanh hướng tới du lịch Net Zero cần có hành động tập thể và lộ trình cho các mục tiêu trung, dài hạn, tùy thuộc vào bối cảnh để từng bước chuyển đổi và hạn chế các “cú sốc” về kinh tế-xã hội. Các giải pháp chi tiết phải đi kèm kế hoạch hành động, phân bổ nguồn lực, đánh giá tác động và lộ trình triển khai thực hiện, và đặc biệt không thể thiếu những yếu tố đòn bẩy đến từ chính sách hỗ trợ của nhà nước. Bên cạnh nỗ lực của cơ quan quản lý du lịch với chính sách hỗ trợ phát triển các dịch vụ phụ trợ du lịch, hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho các cơ sở lưu trú có giải pháp chuyển đổi xanh, rất cần sự vào cuộc của các bộ, ngành khác, chẳng hạn như Bộ Ngoại giao với chính sách hỗ trợ về visa và cư trú đối với khách du lịch quốc tế đăng ký các chương trình du lịch xanh tại Việt Nam; Bộ Giao thông vận tải với chính sách về giao thông vận tải phát thải thấp; Bộ Công thương với cơ chế, chính sách thúc đẩy tiêu dùng xanh; Bộ Xây dựng với chính sách lồng ghép các yêu cầu kỹ thuật về mảng xanh đô thị; Bộ Kế hoạch và Đầu tư với chính sách ưu đãi thu hút đầu tư các dự án phát triển hạ tầng xanh, huy động nguồn lực tài chính xanh…
Đứng ở góc độ của một chuyên gia về môi trường và tài chính xanh, Thạc sĩ Trần Hương Giang, Giám đốc chuyên môn Viện Nghiên cứu và Đào tạo Tâm Việt nhấn mạnh, để thúc đẩy sự chuyển đổi từ kinh tế tuyến tính đến kinh tế tuần hoàn, các địa phương cần tạo điều kiện khuyến khích sự hình thành các cụm ngành hỗ trợ chuyển đổi xanh như các hoạt động kiểm toán, truy xuất carbon, chứng nhận phát thải, tư vấn và nghiên cứu về trung hòa phát thải; bên cạnh đó, tạo môi trường thân thiện để các nguồn vốn đầu tư xanh chảy vào. Các tổ chức, doanh nghiệp du lịch trong quá trình thực hiện các dự án chuyển đổi hoạt động sản xuất, kinh doanh theo hướng giảm phát thải có thể huy động nguồn lực tài chính quốc tế thông qua tạo tín chỉ bù đắp carbon. Bên cạnh đó, đòi hỏi về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có thể từng bước cải thiện thông qua tích hợp nội dung phát triển bền vững vào các chương trình đào tạo chuyên ngành ở các trường, tổ chức giáo dục…
Góp giải pháp nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của du khách trong thực hành du lịch Net Zero, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, cần có những biện pháp kích thích du khách quan tâm và hào hứng hơn với hành trình du lịch Net Zero, như: cấp chứng chỉ tham gia giảm thải carbon, có ưu đãi với các du khách tham gia nhiều Net Zero Tours… Nhìn sang Thái Lan, có thể thấy quốc gia này đang có những bước đi rất nhanh trong thực hiện định hướng du lịch Net Zero. Thay vì chỉ hô hào khuyến khích, quốc gia này đã xây dựng cả hệ thống xác định dấu chân carbon thông qua ứng dụng Zero Carbon và sự vào cuộc của các bên kiểm toán; cùng với đó là một lộ trình Net Zero cụ thể với các công cụ, sách hướng dẫn chi tiết. Tại Hội chợ Du lịch quốc tế ITB Berlin 2024, Thái Lan đã giới thiệu 125 gói du lịch trung hòa carbon, thu hút sự chú ý của nhiều đối tác quốc tế. Cách làm của nước bạn chính là gợi ý hữu ích để Việt Nam có thể tham khảo trên hành trình hiện thực hóa du lịch Net Zero. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch học, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho hay, nước ta cũng đã có một số bộ tiêu chí về du lịch xanh, điểm đến xanh được công bố, nhưng hầu hết mới chỉ dừng ở mức khuyến nghị, các tiêu chí không đi kèm với các con số định lượng và hướng dẫn cụ thể nên dẫn đến khó triển khai. Vì thế, Việt Nam cần nhanh chóng có chiến lược tổng thể cũng như những bộ tiêu chí và hướng dẫn chi tiết để áp dụng rộng rãi ở các địa phương, điểm đến. Bên cạnh đó, cũng cần xây dựng các chứng nhận liên quan du lịch Net Zero để cấp cho các đơn vị đạt tiêu chuẩn. Cách làm này không những kích thích tốc độ chuyển đổi của doanh nghiệp, mà còn có nhiều ý nghĩa trong việc quảng bá, định hình thương hiệu du lịch có trách nhiệm, góp phần nâng cao nhận thức của người dân và du khách về du lịch Net Zero, từng bước đưa Việt Nam trở thành điểm đến hàng đầu khu vực và thế giới về du lịch xanh, du lịch bền vững.
Quá trình chuyển đổi có thể cần 10-20 năm để tạo không gian cho các bên liên quan triển khai đối thoại, thử nghiệm, học hỏi, tranh luận và điều chỉnh chính sách.