Khoa học và công nghệ - nền tảng cho phát triển bền vững

NDO - Ngày 6/12, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (UEH) tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Đóng góp đường lối phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam giai đoạn 2025-2030”.
0:00 / 0:00
0:00
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đông Phong, Chủ tịch Hội đồng Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại hội thảo.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đông Phong, Chủ tịch Hội đồng Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại hội thảo.

Hội thảo có sự tham gia của các nhà khoa học, chuyên gia, các đại biểu đến từ các ban ngành trung ương, các đơn vị nghiên cứu hoạch định chính sách, đại diện các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long, vùng Đông Nam Bộ,…

Phát biểu khai mạc, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đông Phong, Chủ tịch Hội đồng Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết, qua các bài tham luận, hội thảo tập trung thảo luận, phân tích các trụ cột về: Lý luận về đường lối, chính sách và thể chế phát triển kinh tế-xã hội; Mô hình tăng trưởng kinh tế dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững; Phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy các mối liên kết vùng và hợp tác quốc tế.

Đồng thời cho rằng, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh với định hướng trở thành đại học đa ngành và chiến lược phát triển bền vững, luôn đặt mục tiêu đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước. Và tin rằng những nghiên cứu, giải pháp và ý kiến đóng góp từ hội thảo sẽ không chỉ hỗ trợ cho việc định hình chính sách mà còn góp phần thúc đẩy sự đổi mới và bền vững trong mọi lĩnh vực kinh tế-xã hội của Việt Nam.

Đề cập đến chính sách thúc đẩy tăng trưởng từ kết quả ứng dụng khoa học công nghệ - đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của các doanh nghiệp Việt Nam, theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Bảo Quốc, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, có thể thấy, thế giới hậu Covid-19 đang phải đối mặt với các thách thức và xu hướng toàn cầu quan trọng, những biến động đa chiều từ địa chính trị, kinh tế và xã hội đan xen nhau, tạo ra một thế giới ngày càng trở nên bất ổn hơn.

Khoa học và công nghệ - nền tảng cho phát triển bền vững ảnh 2

Quang cảnh hội thảo.

Trong xu thế đó, khoa học công nghệ - đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số được xem là chiến lược thích ứng của các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Chiến lược này mang đến những cơ hội đột phá, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, và nâng cao năng lực cạnh tranh cho trụ cột của nền kinh tế là các doanh nghiệp.

Trong phần trình bày về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Sự phát triển trong lý luận của Đảng, kết quả thực tiễn qua 40 năm đổi mới và những vấn đề đặt ra, Tiến sĩ Nguyễn Hải Minh, Ban Kinh tế Trung ương cho biết, qua 40 năm đổi mới, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được duy trì ở mức khá cao, tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2016-2023 đạt khoảng 6%/năm.

Quy mô và tiềm lực nền kinh tế tăng lên với GDP đạt 430 tỷ USD năm 2023, nằm trong nhóm 35 nền kinh tế lớn nhất thế giới. GDP bình quân đầu người tiếp tục tăng nhanh, đạt hơn 4.200 USD năm 2023. Qua đó, Việt Nam từ một nước nghèo đã ra khỏi nhóm nước đang phát triển có thu nhập thấp để gia nhập nhóm nước đang phát triển có thu nhập trung bình.

Khoa học và công nghệ - nền tảng cho phát triển bền vững ảnh 3
Tiến sĩ Nguyễn Hải Minh, Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại hội thảo.

Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Hải Minh, việc đổi mới, phát triển kinh tế thị trường gắn với chuyển đổi số, chuyển đổi xanh đang được nhiều quốc gia cùng triển khai, đầu tư mạnh mẽ.

Lợi thế cạnh tranh nằm ở tốc độ chuyển đổi, phạm vi chuyển đổi, khả năng thích ứng của các chủ thể liên quan (nhà nước, doanh nghiệp, người dân). “Việt Nam muốn thành công cần thúc đẩy tất cả những yếu tố trên, trước mắt quan trọng nhất là tốc độ”, Tiến sĩ Nguyễn Hải Minh cho hay.

Đối với vấn đề phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy các mối liên kết vùng và hợp tác quốc tế, qua các bài tham luận, các chuyên gia, nhà khoa học đề xuất các giải pháp xây dựng các cơ chế liên kết vùng, tận dụng tối đa tiềm năng và lợi thế của các vùng, tạo động lực thúc đẩy phát triển bền vững.

Đồng thời cho rằng, việc đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động, được coi là chìa khóa nâng cao năng lực cạnh tranh của các vùng và quốc gia.

Cùng với đó, việc mở rộng hợp tác quốc tế không chỉ giúp tiếp cận công nghệ tiên tiến và tri thức toàn cầu mà còn tạo nền tảng vững chắc cho hội nhập quốc tế sâu rộng trong thời kỳ mới.