Theo thống kê, đến ngày 30/9, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang có 5 người chết, 10 người bị thương; hơn 20.400 nhà bị ảnh hưởng, trong đó có 82 nhà bị đổ sập hoàn toàn.
Hơn 10.100ha lúa, hoa màu, cây trồng hằng năm, lâu năm, cây ăn quả, rừng trồng bị ảnh hưởng, gãy, đổ; hàng nghìn vật nuôi khác bị chết, cuốn trôi; 499ha diện tích nuôi cá và 527 lồng nuôi cá bị thiệt hại.
Về giao thông, có 315 điểm đường giao thông bị sạt lở, 4 cây cầu bị hư hỏng; 526 cột điện các loại bị gẫy, đổ; 7 trạm điện, 119 trạm viễn thông mất liên lạc và 112 cột viễn thông bị hư hỏng.
Hơn 4.000m kè, 15.437m kênh mương, 38 cống, 62 đập thủy lợi, 1 trạm bơm bị hư hỏng; 6 sự cố về đê, kè, trong đó nguy hiểm nhất là sự cố vỡ đê tại xã Quyết Thắng, huyện Sơn Dương... Ước tính thiệt hại 1.890 tỷ đồng.
Các đại biểu tham dự hội nghị. |
Ngay sau khi xảy ra thiên tai, Bộ Chính trị, Chính phủ, các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương đã thành lập nhiều đoàn kiểm tra công tác chỉ đạo phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.
Đặc biệt, ngày 12/9/2024, Đoàn công tác do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã trực tiếp kiểm tra, công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai tại huyện Sơn Dương; thăm hỏi, động viên nhân dân bị ảnh hưởng do mưa, lũ gây ra trên địa tỉnh.
Đến ngày 3/10, tỉnh Tuyên Quang đã tiếp nhận được hơn 99 tỷ đồng tiền mặt; 470 tấn nhu yếu phẩm từ các nguồn hỗ trợ của Trung ương, các tỉnh thành phố, các tổ chức, cá nhân và kiều bào ở nước ngoài.
Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, trận lũ lịch sử vừa qua đã cho thấy, một số chính quyền địa phương và người dân do còn chủ quan, chưa chủ động trong việc phòng, tránh và khắc phục hậu quả sau thiên tai gây ra, chưa thực hiện hết trách nhiệm.
Tỉnh vẫn còn thiếu trang thiết bị để phục vụ công tác ứng phó, phòng, chống; công tác dự báo khí tượng thủy văn, dự báo đỉnh lũ có thời điểm chưa sát với thực tế dẫn đến việc ứng phó còn lúng túng, bị động làm ảnh hưởng đến việc chỉ đạo, điều hành phòng chống mưa lũ chưa đạt hiệu quả cao.
Thông tin chỉ huy, điều hành gặp khó khăn khi hạ tầng viễn thông bị hư hỏng; giao thông bị chia cắt, nhiều khu vực bị cô lập, công tác báo cáo cung cấp thông tin, số liệu còn có lúc chưa kịp thời.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang ghi nhận nỗ lực của các ngành, địa phương, lực lượng Công an, Quân đội và nhân dân trong công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Cảm ơn sự chung tay giúp đỡ của các tỉnh, thành phố, các tổ chức, doanh nghiệp, mạnh thường quân, kiều bào ở nước ngoài để người dân Tuyên Quang nhanh chóng khôi phục, ổn định cuộc sống và sản xuất, kinh doanh sau lũ.
Đồng chí nhấn mạnh, qua thực tiễn về công tác chỉ đạo và triển khai thực hiện ứng phó, khắc phục hậu quả mưa, lũ do hoàn lưu bão số 3 gây ra cho thấy: thiên tai còn diễn biến rất bất thường, các tình huống thiên tai nguy hiểm có thể xảy ra.
Do đó, cần chủ động xây dựng kịch bản, phương án phòng chống thiên tai phù hợp thực tế; thường xuyên tổ chức diễn tập, cập nhật và hoàn thiện để phù hợp với từng địa bàn cụ thể. Vận dụng linh hoạt phương châm “4 tại chỗ” phù hợp với đặc điểm của các hộ dân cư và địa phương. Trong đó, việc bảo đảm phương tiện, nâng cao tính chuyên nghiệp của lực lượng phòng, chống thiên tai, nhất là ở cơ sở phải được quan tâm.
Để sớm khắc phục hậu quả mưa, lũ, đồng chí Nguyễn Văn Sơn yêu cầu: Các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố khẩn trương tổ chức huy động lực lượng hỗ trợ người dân sửa chữa nhà ở, dọn dẹp vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh. Rà soát các gia đình bị mất nhà để bố trí tái định cư bảo đảm an toàn cho người dân, hoàn thành chậm nhất trước ngày 31/12/2024.
Tập trung khôi phục sản xuất kinh doanh, hỗ trợ kịp thời các loại giống cây trồng, vật nuôi để nhân dân phục hồi sản xuất. Tuyệt đối không để xảy ra thiếu lương thực, thực phẩm trong những tháng cuối năm. Theo dõi sát tình hình, diễn biến nguồn cung, giá cả hàng hóa trên địa bàn, kịp thời bảo đảm nguồn cung, kiểm soát giá cả, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, đẩy giá, lợi dụng thiên tai, bão lũ để trục lợi.
Chủ động huy động nguồn lực của địa phương và các nguồn kinh phí hợp pháp khác để khẩn trương khắc phục, sửa chữa các công trình đê điều, các công trình thuỷ lợi, các tuyến đường giao thông, cơ sở y tế, trường học...
Tiếp nhận, triển khai hiệu quả nguồn lực hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân thông qua Mặt trận Tổ quốc, phân bổ kịp thời nguồn lực hỗ trợ đảm bảo đúng đối tượng thụ hưởng. Tăng cường quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, nâng cao chất lượng rừng, nhất là rừng tự nhiên, phòng hộ, rừng đặc dụng. Quản lý chặt chẽ việc xây dựng nhà ở, cơ sở hạ tầng lấn chiếm lòng sông, suối, bạt sườn dốc làm gia tăng rủi ro thiên tai.
Đài Khí tượng, thủy văn tỉnh, tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết; chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan dự báo, thông báo kịp thời thông tin về thời tiết, mưa lũ trên địa bàn tỉnh trên các phương tiện thông tin đại chúng để các cấp, các ngành, người dân biết, chủ động có biện pháp phòng, chống hiệu quả, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của người dân.
Tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đã tặng bằng khen cho 73 tập thể, 99 cá nhân vì đã có thành tích xuất sắc đột xuất trong công tác phòng, chống bão, lụt năm 2024 trên địa bàn tỉnh.