Dấu hiệu tích cực về tăng trưởng kinh tế Việt Nam
Trong tháng 9/2024, nhiều tổ chức kinh tế và chuyên gia quốc tế đã có những nhận định tích cực, lạc quan về tình hình phát triển kinh tế và triển vọng tăng trưởng của Việt Nam. Theo đó, các tổ chức quốc tế có uy tín đã đưa ra dự báo tích cực về tăng trưởng GDP của nước ta.
Cụ thể, tổ chức xếp hạng Fitch Ratings (Mỹ) dự báo, kinh tế Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng từ 6-7% trong trung hạn nhờ dòng vốn FDI tăng mạnh.
Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá, triển vọng kinh tế của Việt Nam là tích cực với rủi ro cân bằng rộng rãi, đồng thời dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng 6,1% năm 2024 và 6,5% vào năm 2025 và 2026, nhờ sự phục hồi của xuất khẩu sản xuất và du lịch, tiêu dùng và đầu tư kinh doanh.
ADB: Kinh tế Việt Nam vẫn vững vàng bất chấp bất ổn của môi trường bên ngoài
Hãng Analytics thuộc tập đoàn Moody (Mỹ) nhận định, Việt Nam sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ nhu cầu hàng hóa toàn cầu tăng, từ đó ghi nhận sự tăng trưởng ổn định về GDP lên mức 6,5% năm 2025 so với mức 5,0% năm 2024.
Ngoài ra, Ngân hàng Phát triển Singapore (DBS), công ty tư vấn Bain&Company (Mỹ) và tổ chức tư vấn Angsana Council (Singapore) dự báo, Việt Nam sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng GDP ở mức 6,6% trong giai đoạn 2024-2034, vượt xa mức trung bình của khu vực.
Tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam được đánh giá vẫn ổn định. Theo đó, tổ chức xếp hạng Fitch Ratings (Mỹ) giữ nguyên Xếp hạng nhà phát hành nợ dài hạn (IDR) bằng ngoại tệ của Việt Nam ở mức “BB+” với triển vọng ổn định.
Quyết định này phản ánh triển vọng tăng trưởng mạnh của Việt Nam nhờ FDI bền vững và tài chính công lành mạnh, đồng thời cũng nêu bật những thách thức như khuôn khổ chính sách chưa hoàn thiện và đòn bẩy kinh tế cao.
Mức nợ công dự kiến sẽ ổn định, chiếm 34% GDP, thấp hơn nhiều so với mức trung bình “BB” là 53%. Ngoài ra, dự trữ ngoại hối đã được cải thiện, đạt 90 tỷ USD vào tháng 1/2024 nhờ thặng dư tài khoản vãng lai và xuất khẩu phục hồi.
McKinsey đánh giá triển vọng kinh tế Việt Nam trong bức tranh Đông Nam Á
Lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam vẫn ổn định bất chấp những thách thức mới đây trên thị trường bất động sản. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã hỗ trợ tích cực cho các ngân hàng chủ chốt nhằm duy trì sự ổn định của lĩnh vực ngân hàng.
Fitch Ratings xếp hạng ESG (chỉ số về môi trường, xã hội và quản trị) của Việt Nam ở mức “5” về ổn định chính trị, pháp quyền, chất lượng thể chế và quy định và kiểm soát tham nhũng.
Ngoài ra, Việt Nam được “4” điểm cho chỉ số ESG về nhân quyền và tự do chính trị và “4+” về quyền của chủ nợ. Đây là thành quả tích cực từ kỷ lục 20 năm không tái cấu trúc nợ công. Nhìn chung, xếp hạng “BB+” của Việt Nam cân bằng giữa triển vọng tăng trưởng mạnh và những thách thức trong quản lý kinh tế và minh bạch chính sách.
Lĩnh vực sản xuất của Việt Nam tiếp tục ghi nhận hiệu suất mạnh. Trong ảnh, sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử tại Công ty TNHH Bujeon Viet Nam Electronics (Khu công nghiệp Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh). (Ảnh: NGỌC TRÂM) |
Trong khi đó, hãng phân tích S&P Global đánh giá, lĩnh vực sản xuất của Việt Nam tiếp tục ghi nhận hiệu suất mạnh trong tháng 8/2024. Đây là tháng thứ 5 liên tiếp các điều kiện hoạt động kinh doanh được cải thiện, theo đó phản ánh sự tăng trưởng bền vững trong lĩnh vực sản xuất.
Các nhà sản xuất tại Việt Nam báo cáo sản lượng và đơn đặt hàng mới tiếp tục tăng vào giữa quý III/2024. Dù tốc độ tăng trưởng chậm lại một chút so với mức gần kỷ lục được ghi nhận vào tháng 7/2024, nhưng nhìn chung vẫn ở mức tăng trưởng cao. Nhu cầu ổn định, thúc đẩy hoạt động mua hàng tăng mạnh, theo đó đánh dấu mức tăng trưởng cao nhất kể từ tháng 5/2022.
Lĩnh vực sản xuất tăng mạnh một phần là nhờ giá cả ổn định, giúp các công ty có được hợp đồng làm ăn mới và nhu cầu toàn cầu tăng. Điều đáng chú ý là các đơn đặt hàng xuất khẩu mới đã tăng trong tháng thứ 5 liên tiếp.
Áp lực lạm phát có dấu hiệu hạ nhiệt. Tốc độ lạm phát tăng chậm lại đáng kể so với tháng 7/2024, mức thấp nhất trong 4 tháng qua.
Việt Nam - nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á
Đáng chú ý, 3 tổ chức trên cũng đưa ra nhận định, Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á trong thập kỷ tới.
Theo đó, tăng trưởng của Việt Nam được thúc đẩy nhờ các yếu tố tích cực, như nền kinh tế định hướng xuất khẩu có vị thế tốt để tận dụng các cơ hội từ chiến lược “Trung Quốc + 1”, nguồn FDI đa dạng, cạnh tranh liên tỉnh hiệu quả và hệ thống giáo dục và lực lượng lao động chất lượng cao.
Kinh tế Việt Nam có thể đạt mức cao nhất khu vực Đông Nam Á
Trang Wilson Center (Mỹ) ghi nhận, Việt Nam tiếp tục có sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ phần lớn nhờ những nỗ lực của chính phủ nhằm theo đuổi hội nhập kinh tế quốc tế và thực hiện các cải cách theo hướng thị trường. Ngoài ra, chi phí lao động tương đối rẻ đã giúp Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn cho sản xuất.
Bài viết đánh giá, nhiều quốc gia hiện coi Việt Nam là nền kinh tế thị trường, điều này đã giúp củng cố mối quan hệ thương mại toàn cầu của Việt Nam.
Chính phủ tiếp tục ban hành các chính sách được thiết kế để thu hút và giữ chân nhiều đầu tư nước ngoài hơn bằng cách đầu tư vào giáo dục, theo đuổi các hiệp định thương mại tự do và cải thiện cơ sở hạ tầng hướng tới mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng hơn nữa.
Công ty tư vấn quản lý và chiến lược McKinsey&Company (Mỹ) nhận định, trong quý II/2024, các nền kinh tế Đông Nam Á vẫn có khả năng chống chịu và ghi nhận hiệu suất kinh tế ổn định. Việt Nam, Malaysia, Philippines và Thái Lan ghi nhận tốc độ tăng trưởng tính theo năm cao nhất trong 4 quý vừa qua.
Cụ thể, Việt Nam là nền kinh tế tăng trưởng hàng đầu của khu vực, với mức tăng trưởng 6,9%, xếp thứ 2 là Philippines với mức tăng 6,3%, trong khi Malaysia đứng thứ 3 với mức tăng trưởng 5,9%.
"Việt Nam đáp ứng tất cả các tiêu chí công nhận nền kinh tế thị trường"
Kinh tế Việt Nam ghi nhận tăng trưởng GDP trong quý II/2024 ở mức 6,9% so với mức 5,6% trong quý I/2024. Các ngành công nghiệp và dịch vụ đóng góp phần lớn vào mức tăng trưởng nhờ sản xuất tăng mạnh.
Tiêu dùng tư nhân tiếp tục được cải thiện và dự kiến sẽ tăng mạnh trong suốt năm 2024, trong khi lĩnh vực xuất khẩu tiếp tục đà tăng trưởng sau khi toàn cầu phục hồi nhờ những lĩnh vực gồm điện thoại thông minh, điện tử và dệt may.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt được mức tăng trưởng cao trong quý II/2024, củng cố vị thế của Việt Nam với tư cách là điểm đến đầu tư đáng tin cậy.