Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, số lượng cây xanh gẫy, đổ trên địa bàn thành phố Hải Dương là rất lớn. Mặc dù trong những ngày qua, các ngành chức năng thành phố và các phường, xã cùng các tầng lớp nhân dân đã tích cực thu dọn. Tuy nhiên, hiện nay khối lượng cây gẫy đổ chưa được thu dọn, chuyển đi còn rất lớn, gây ô nhiễm, mất vệ sinh môi trường.
Lực lượng chức năng dọn dẹp rác thải nguy hiểm như tôn lá, cọc sắt, kính vỡ ở các khu vực ngập úng. |
Để nhanh chóng thu dọn hết số cây gẫy đổ, thành phố đã chỉ đạo các phường xã, từ 7 giờ ngày 16/9, thành phố tiếp tục tổ chức ra quân đến khi thu dọn vận chuyển xong khối lượng cây xanh gẫy đổ, rác thải do bão gây ra trên đường phố. Đông đảo các tầng lớp nhân dân đã cùng tham gia thu gom, quét dọn, vận chuyển cây đổ gẫy về vị trí tập trung.
Lực lượng chức năng thu gom cành cây gãy đổ trên các tuyến phố đưa về nơi xử lý. |
Thành phố yêu cầu Công ty quản lý các công trình đô thị, Công ty cổ phần môi trường đô thị, Xí nghiệp giao thông vận tải thành phố huy động nhân lực, phương tiện để tăng cường năng lực thu dọn, vận chuyển để thành phố phong quang, sạch đẹp.
Qua kiểm tra tại các phường Nhị Châu, Bình Hàn, Việt Hòa… lãnh đạo thành phố Hải Dương đã biểu dương tinh thần chủ động, tích cực tham gia của các lực lượng chung tay khắc phục hậu quả sau bão lũ.
Cán bộ thành phố mang quà hỗ trợ các khu dân cư còn trong diện ngập úng. |
Tuy nhiên, với khối lượng cây gẫy đổ, rác rất lớn, thì công tác vệ sinh môi trường nhằm trả lại cảnh quan đô thị cho thành phố rất cần sự chủ động, tích cực của cộng đồng tại các khu dân cư chung tay. Lãnh đạo thành phố yêu cầu các phường, xã phải tập trung nhân lực, phương tiện, vận động các tầng lớp nhân dân, đơn vị, doanh nghiệp…cùng tham gia, có phương án phối hợp chặt chẽ để nâng cao hiệu quả, để thành phố sớm trở lại xanh, sạch, đẹp.
Theo kế hoạch, thành phố sẽ tiến hành vệ sinh môi trường cho đến khi thu gom hết số cây gẫy đổ, rác thải do bão lũ gây ra trên các tuyến phố, địa bàn khu dân cư. Thành phố cũng yêu cầu các phường, xã có những khu vực bị ngập úng phải tranh thủ nước rút đến đâu thì tiến hành vệ sinh môi trường ngay đến đó, tiến hành khử khuẩn để phòng chống dịch bệnh.