Hội thảo nhằm nâng cao nhận thức các tầng lớp nhân dân cũng như góp phần nâng cao hiệu quả thực thi Luật Đất đai 2024; nghiên cứu, làm rõ chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất công trong Luật đất đai 2024 và các văn bản pháp luật liên quan; làm rõ những vướng mắc, bất cập và đề xuất các giải pháp tháo gỡ góp phần giúp các cơ quan có thẩm quyền có đầy đủ cơ sở để tham khảo, thực thi chính sách, pháp luật.
Phát biểu ý kiến tại Hội thảo, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Văn Quyền cho biết: Nghị quyết 18-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XIII) về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa đất nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”, trong đó định hướng nâng cao vai trò đại diện chủ sở hữu và năng lực quản lý của Nhà nước về đất đai; kiên quyết phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực đất đai; bảo đảm hài hoà lợi ích giữa người dân, nhà đầu tư và Nhà nước, trong đó người dân là trung tâm.
Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Văn Quyền phát biểu tại Hội thảo. |
Nghị quyết cũng định hướng mở rộng quyền tiếp cận đất đai đối với người dân và doanh nghiệp... Những định hướng trên sẽ giúp cho thị trường quyền sử dụng đất trở nên linh hoạt hơn; tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong tiếp cận đất đai; tăng tính công khai, minh bạch và hạn chế tình trạng lạm dụng, tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng đất.
Mặt khác, Nghị quyết yêu cầu có chế tài đồng bộ, cụ thể để xử lý những trường hợp đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng không đưa đất và sử dụng hoặc chậm đưa đất vào sử dụng; kiên quyết thu hồi đất của tổ chức, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp sử dụng không đúng mục đích, nhất là tại các vị trí có lợi thế, có khả năng sinh lời cao, ngăn chặn thất thoát vốn tài sản nhà nước.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Quyền cho biết thêm, Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội khóa XV, kỳ họp bất thường lần thứ năm thông qua ngày 18/1/2024 là đạo luật quan trọng, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế- xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước; giữ vai trò trung tâm trong hệ thống pháp luật về đất đai, có mối quan hệ với nhiều quy định khác của pháp luật.
Chia sẻ thông tin tại Hội thảo, Phó Chủ tịch thường trực, Tổng Thư ký Hội Luật gia Việt Nam, đại biểu Quốc hội khóa XV, Tiến sĩ Trần Công Phàn cho biết: Theo Báo cáo số 330/BC-ĐGS ngày 11/10/2022 của Đoàn giám sát chuyên đề Quốc hội khóa XV “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021” trích dẫn Báo cáo số 1557/BC-TTCP ngày 12/9/2022 của Thanh tra Chính phủ cho thấy: Giai đoạn 2016-2021 đã phát hiện vi phạm 63.200 ha đất, kiến nghị thu hồi 31.287 ha đất.
Kết quả thực hiện kết luận thanh tra đã thu hồi về cho nhà nước 3.931 ha trên tổng số 7.727 ha phải thu hồi, trong đó có đất công của các đơn vị sự nghiệp công lập, đặc biệt là việc sử dụng đất tại các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư còn nhiều bất cập, sai phạm. Cụ thể:
Một là, diện tích, số lượng cơ sở đất mà các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư được giao rất lớn, nhưng chưa được doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý chặt chẽ. Nhiều diện tích đất chưa sử dụng, hoặc sử dụng không hiệu quả, sử dụng không đúng mục đích, bị lấn chiếm, tranh chấp, chưa được ký hợp đồng thuê đất hoặc có đầy đủ hồ sơ pháp lý.
Hai là, nhiều đơn vị có hoạt động chuyển đổi mục đích sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư của một số tập đoàn, tổng công ty không tự triển khai dự án gắn với quyền sử dụng đất mà góp vốn với các đối tác bên ngoài, sau đó thoái vốn hoặc cam kết thoái vốn để chuyển giao đất cho đối tác không thông qua đấu giá nên dễ dẫn đến thất thoát tài sản nhà nước.
Ba là, một số đơn vị hợp tác, liên doanh, góp vốn thành lập pháp nhân mới, sau đó chuyển mục đích sử dụng đất cho các đối tượng không thuộc doanh nghiệp nhà nước nhưng không thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai. Góp vốn hoặc chậm thoái vốn trong lĩnh vực bất động sản, bàn giao đất cho pháp nhân mới, chuyển đổi chủ đầu tư dự án cho nhà đầu tư khác trái quy định hoặc khi chưa được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận theo quy định pháp luật.
Các đại biểu trao đổi, thảo luận tại Hội thảo. |
Bốn là, việc quản lý, sử dụng đất trong và sau quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn nhiều tồn tại như: Trước khi cổ phần hóa còn nhiều trường hợp không xây dựng phương án sử dụng đất; xây dựng, phê duyệt phương án không phù hợp với phương án sắp xếp xử lý nhà, đất và quy hoạch sử dụng đất; chưa công khai minh bạch thông tin liên quan đến đất đai; để hoang hóa, bị tranh chấp, lấn chiếm; giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất không qua đấu giá; chuyển đổi mục đích không phù hợp quy hoạch.
Ngoài ra, nhiều công trình, dự án thuộc diện điều tra, thanh tra, kiểm tra đã qua nhiều năm nhưng đất đai, công trình chưa được đưa vào khai thác sử dụng, gây lãng phí lớn cho doanh nghiệp nói riêng và cho địa phương nơi có công trình, dự án nói chung. Đặc biệt, việc phát hiện và xử lý các sai phạm chưa nghiêm, gây thất thoát, lãng phí rất lớn nguồn lực nhà nước.
Tại Hội thảo, các đại biểu đề nghị để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, sử dụng đất khu vực công trong thi hành Luật Đất đai 2024, Quốc hội cần tiếp tục tăng cường công tác giám sát các nội dung liên quan đến việc thực thi chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng các dự án treo, vi phạm các quy định về pháp luật đất đai, nhất là khu vực đất công.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cơ quan hữu quan hoàn thành việc rà soát, thống kê, tổng hợp đầy đủ các thông tin, số liệu, danh mục dự án vi phạm pháp luật về đất đai từ đó có các giải pháp xử lý, khắc phục thất thoát, lãng phí trong quản lý, sử dụng đất đai; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực đất đai; xử lý nghiêm trách nhiệm các tổ chức, cá nhân để xảy ra các vi phạm, sai phạm về đất đai. Đồng thời, có chế tài xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ, công chức để xảy ra sai phạm trong quản lý, sử dụng đất.