Cuốn sách do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Tạp chí Cộng sản, Thông tấn xã Việt Nam… tổ chức biên soạn, xuất bản.
Tại hội nghị, Phó Giám đốc, Phó Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật Phạm Thị Thinh đã giới thiệu về quá trình biên tập cuốn sách.
Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Xuân Dũng, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương giới thiệu một số nội dung cơ bản của cuốn sách.
Cuốn sách gồm 928 trang, tuyển chọn 92 bài viết, bài phát biểu, bài nói, bài lược ghi, trả lời phỏng vấn, thư của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam, trong đó bài viết sớm nhất là từ năm 1968. Nội dung các bài phát biểu, bài viết thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Tổng Bí thư đối với xây dựng, giữ gìn, phát triển nền văn hóa Việt Nam với các yếu tố truyền thống và hiện đại, bản sắc và hội nhập; tạo nguồn lực nội sinh, huy động sức mạnh của văn hóa, con người Việt Nam trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Cuốn sách cũng tuyển chọn hơn 90 bức ảnh tư liệu quý, ghi lại những hình ảnh của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong các hoạt động văn hóa; các chuyến thăm, làm việc với các địa phương, các cơ quan, đơn vị trong ngành văn hóa; các buổi gặp của Tổng Bí thư với văn nghệ sĩ, trí thức trên mọi miền Tổ quốc.
Phát biểu kết luận, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh: Hội nghị nghiên cứu, quán triệt nội dung cuốn sách là đợt sinh hoạt tư tưởng và học thuật, giúp những người làm văn hóa nhận thức sâu sắc hơn về chủ trương, đường lối của Đảng về lĩnh vực văn hóa thông qua những bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; thấy được trách nhiệm của ngành văn hóa trong xây dựng, giữ gìn và phát triển văn hóa con người Việt Nam.
Cuốn sách là cẩm nang cho những người làm văn hóa nhận thức về vị trí, vai trò quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển bền vững của đất nước. Cuốn sách cũng giới thiệu những điển hình, cách làm, kết quả bước đầu sau ba năm thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư tại Hội nghị văn hóa toàn quốc, tháng 11-2021. Đây là những điển hình có thể nhân rộng, phát triển để văn hóa đạt được kỳ vọng đề ra.
Thời gian tới, toàn thể cán bộ ngành văn hóa, công đoàn, đoàn thanh niên sẽ phát động phong trào cán bộ văn hóa yêu sách, quý sách, đọc sách như một nhu cầu tự thân. Ngành thư viện, bằng công nghệ số hóa nội dung cuốn sách để những người làm văn hóa nắm chắc lý luận, luận điểm cơ bản của cuốn sách, nghiên cứu sâu từng nhóm đối tượng để có thể tiếp cận, quán triệt nội dung cuốn sách một cách sâu sắc.