Ngay từ khi mở cửa, giá hai mặt hàng này đã gặp áp lực bởi giới đầu tư tỏ ra thận trọng khi thị trường đón nhận loạt dữ liệu vĩ mô quan trọng trong tuần này, bao gồm chỉ số quản lý thu mua (PMI) sản xuất, Biên bản cuộc họp lãi suất tháng 6 và báo cáo bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ.
Sự suy yếu của giá bạc và giá bạch kim tiếp tục kéo dài đến phiên tối do bị chi phối bởi sự mạnh lên của đồng USD. Bất chấp dữ liệu kinh tế yếu, thể hiện qua chỉ số PMI sản xuất của Mỹ thu hẹp tháng thứ ba liên tiếp, đồng dollar Mỹ vẫn tăng mạnh trong phiên tối do tín hiệu lạc quan từ vụ án của cựu Tổng thống Donald Trump.
Cụ thể, Tòa án Tối cao Mỹ đã ra phán quyết rằng ông sẽ có một số quyền miễn trừ khỏi việc bị truy tố hình sự. Động thái này được coi là có lợi cho ông Trump. Trong khi đó, giới đầu tư hiện đang kỳ vọng rằng nếu ông Trump thắng cử trong cuộc bầu cử vào tháng 11, nền kinh tế Mỹ sẽ được hưởng lợi. Do vậy, thông tin này đã tác động “bullish” lên đồng USD, kéo chỉ số Dollar Index tăng mạnh từ 105,6 lên 105,9 điểm. Giá kim loại quý vì thế cũng phải chịu sức ép.
Đối với kim loại cơ bản, giá đồng COMEX tăng 0,6% lên 9.740,01 USD/tấn sau loạt dự báo lạc quan của giới phân tích.
Cụ thể, các chuyên gia trong ngành cho rằng, kim loại đồng có tiềm năng tăng giá mạnh trong nửa cuối năm nay, do nguồn cung tiếp tục thắt chặt, trong khi nhu cầu cải thiện tại Trung Quốc. Theo dự báo, thị trường tinh quặng đồng có thể thâm hụt khoảng 500.000 tấn vào năm 2025, tăng so mức thâm hụt dự kiến là 200.000 tấn trong năm nay.
Theo đó, Citi Research dự báo, giá đồng sẽ ổn định ở mức 9.500 USD trong quý III và tăng lên 12.000 USD vào cuối năm nay đến quý I năm sau.
Cùng chung diễn biến, giá quặng sắt tăng hơn 3% lên 110,08 USD/tấn, mức cao nhất hai tuần gần đây. Quặng sắt vốn là mặt hàng nhạy cảm với các kích thích kinh tế của Trung Quốc. Do vậy, kỳ vọng Trung Quốc tiếp tục tung ra các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế vào Hội nghị Trung ương (15-18/7) đã giúp giá sắt đón nhận lực mua mạnh mẽ trong phiên hôm qua.