Kịch bản của FED và xu hướng giá kim loại quý

NDO - Trước thềm cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tháng 6, giá kim loại quý như: vàng, bạc và bạch kim có xu hướng hạ nhiệt nhẹ. Tuy nhiên, xu hướng trung hạn vẫn được giới chuyên gia kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng cao trong nửa cuối 2024, với niềm tin FED sắp xoay trục chính sách, rủi ro không chắc chắn từ yếu tố địa chính trị cùng sự thúc đẩy từ phía cung cầu.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Kỳ vọng FED hạ lãi suất là động lực chính đẩy giá kim loại quý

Nửa đầu năm 2024 đã chứng kiến một giai đoạn bùng nổ trên thị trường kim loại quý khi các nhà đầu tư hướng sự chú ý vào những bước đi của FED, đặc biệt trong bối cảnh lạm phát tại Mỹ đang có dấu hiệu hạ nhiệt. Theo dữ liệu từ Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), vượt qua tốc độ tăng của giá vàng, giá bạc đã tăng hơn 25% kể từ đầu năm.

Bên cạnh nhu cầu đầu tư trú ẩn dưới tác động từ các cuộc xung đột địa chính trị, một trong những nguyên nhân chính hỗ trợ cho đà tăng của giá bạc đến từ kỳ vọng FED sẽ hạ lãi suất trong năm nay. Quay trở lại đầu tháng 3, thời điểm giá bạc bắt đầu bứt phá mạnh mẽ, thị trường kỳ vọng FED sẽ có từ 3 đến 4 lần cắt giảm lãi suất bắt đầu từ tháng 6. Điều này đã khiến đà tăng của đồng USD chững lại, thậm chí có thời điểm lao dốc và gián tiếp thúc đẩy đà tăng của giá kim loại quý, mặt hàng nhạy cảm với lãi suất và biến động tiền tệ.

Kịch bản của FED và xu hướng giá kim loại quý ảnh 1

Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), vào ngày 6/6 đã trở thành một trong những ngân hàng đầu tiên mở đường cho chu kỳ nới lỏng tiền tệ với việc hạ lãi suất cơ bản xuống 3,75% từ 4%, đánh dấu lần đầu tiên hạ lãi suất kể từ tháng 9/2019. Giá bạc và giá bạch kim ngay sau đó cũng tăng mạnh trong phiên, chủ yếu là do thị trường kỳ vọng rằng FED cũng sẽ sớm có những động thái tương tự ECB.

Tuy nhiên, phiên giao dịch cuối tuần trước lại chứng kiến đà giảm mạnh của giá kim loại quý, với dữ liệu bảng lương tăng vượt dự báo đã làm xói mòn sự tự tin của các nhà đầu tư trên thị trường, đồng thời đưa FED vào thế khó.

FED trong thế tiến thoái lưỡng nan

Theo dữ liệu được Bộ Lao động Mỹ công bố trong ngày 7/6, bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ có thêm 272.000 việc làm trong tháng 5, tăng mạnh so mức điều chỉnh 165.000 việc làm trong tháng 4 cũng như vượt xa so với con số dự báo 190.000 việc làm từ các nhà kinh tế.

Tốc độ tăng trưởng tiền lương theo giờ cũng vượt dự báo khi đạt lần lượt 0,4% so với tháng trước và 4,1% so cùng kỳ 2023. Trong khi đó tỷ lệ thất nghiệp mặc dù tăng lên 4%, mức cao nhất kể từ tháng 2/2022, nhưng vẫn được cho là mức thấp so với giai đoạn sau của các cuộc khủng hoảng đã diễn ra trong các năm 2000 và 2008.

Kịch bản của FED và xu hướng giá kim loại quý ảnh 2

Thị trường lao động ổn định trong khi thu nhập tiếp tục tăng là một thông điệp không mấy vui trong công cuộc hạ nhiệt lạm phát của FED và khiến cho sự lạc quan trên thị trường đảo chiều. Theo công cụ theo dõi lãi suất FedWatch, tỷ lệ đặt cược vào khả năng FED hạ lãi suất trong tháng 9, kịch bản được đa số các nhà giao dịch kỳ vọng sẽ xảy ra, đã giảm xuống còn khoảng 50% từ mức hơn 60% trong 1 tuần trước đó.

Tuy nhiên, sức nóng trên thị trường việc làm đang cho thấy bức tranh trái ngược lại với một số dữ liệu gần đây, phản ánh sự giảm tốc của nền kinh tế Mỹ. Đặc biệt, dữ liệu trong lần điều chỉnh thứ hai của Cục Phân tích Kinh tế Mỹ cho thấy, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội của Mỹ trong quý I/2024 chỉ đạt mức tăng 1,3% so quý trước đó, thay vì tăng 1,6% như trong lần công bố sơ bộ.

Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Tin tức hàng hóa Việt Nam cho biết: “Mục tiêu “hạ cánh mềm” sẽ khiến FED phải lưu ý hơn trong chính sách tiền tệ của mình. Do đó, khả năng FED xoay trục chính sách trong tháng 9 vẫn hoàn toàn có thể xảy ra”.

Kịch bản của FED và xu hướng giá kim loại quý ảnh 3

Giám đốc Trung tâm Tin tức hàng hóa Việt Nam Phạm Quang Anh.

Xu hướng giá kim loại quý phụ thuộc vào các kịch bản của FED

Trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ hiện tại, sẽ không bất ngờ nếu FED không có động tĩnh gì mới trong cuộc họp Ủy Ban Thị Trường Mở Liên Bang (FOMC) rạng sáng ngày 13/6 và cũng sẽ không quá ngạc nhiên nếu các quan chức FED tiếp tục nhất quán chủ trương duy trì lãi suất lâu hơn nữa, cho tới khi lạm phát giảm về mục tiêu 2% một cách bền vững.

Những áp lực từ chính sách tiền tệ của FED có thể khiến giá bạc chịu sức ép điều chỉnh trong ngắn hạn khi thị trường tỏ ra thận trọng hơn, điều này cũng được thể hiện trong ước tính từ một loạt các ngân hàng.

Trong dự báo mới nhất của mình, ngân hàng Citi Bank cho biết FED sẽ giảm 75 điểm lãi suất cơ bản trong năm nay, lần lượt trong 3 tháng cuối năm, thay vì 4 lần cắt giảm bắt đầu từ tháng 7. Ngân hàng JPMorgan thậm chí đã thay đổi dự báo từ 3 lần cắt giảm trong năm nay xuống chỉ còn 1 lần khi cho biết FED sẽ không có động tĩnh gì ít nhất cho tới tháng 11.

Kịch bản của FED và xu hướng giá kim loại quý ảnh 4

Theo ông Quang Anh, đây cũng là 2 kịch bản khả dĩ nhất có thể xảy ra ở thời điểm hiện tại. Nếu FED hạ lãi suất đúng như dự báo, đồng USD có thể suy yếu, tạo động lực thúc đẩy giá kim loại quý. Trong kịch bản đầu tiên, thời điểm tháng 8 được kỳ vọng đánh dấu giai đoạn bùng nổ thứ hai trên thị trường, giá bạc có thể sẽ chinh phục lại mốc 35 USD/ ounce.

Bên cạnh đó, sẽ không thể bỏ qua cán cân cung cầu và rủi ro địa chính trị khi đây cũng được kỳ vọng sẽ là hai nhân tố thúc đẩy thị trường kim loại quý trong nửa cuối 2024. Theo Viện nghiên cứu bạc quốc tế, thị trường bạc đang hướng tới năm thâm hụt thứ 4 liên tiếp, với mức thiếu hụt trong 2024 được dự báo lớn thứ 2 trong lịch sử. Trong khi đó, căng thẳng tại Gaza giữa Israel và Hamas vẫn tiếp diễn, và xung đột giữa Israel và Lebanon đang ngày một nóng lên, khiến vai trò đầu tư trú ẩn của các tài sản như vàng hay bạc tiếp tục được củng cố.