Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội sẽ xem xét để quyết nghị 22 nghị quyết

Sáng 1/7, Kỳ họp thứ 17 (Kỳ họp thường lệ giữa năm) Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa XVI nhiệm kỳ 2021-2026 đã chính thức khai mạc. Tại Kỳ họp này, Hội đồng nhân dân thành phố sẽ quyết định nhiều nội dung quan trọng, các cơ chế chính sách có tác động đến phát triển kinh tế-xã hội, hạ tầng đô thị, các cơ chế, chính sách đặc thù về an sinh xã hội.
0:00 / 0:00
0:00
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 17 của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 17 của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội.

Tham dự phiên khai mạc có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh.

Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn đánh giá, kỳ họp diễn ra ngay sau thành công của Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV với nhiều nội dung rất quan trọng, ý nghĩa đối với thành phố đó là: Cho ý kiến để hoàn chỉnh Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Đặc biệt Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Thủ đô sửa đổi với tỷ lệ thống nhất rất cao (với tỷ lệ tán thành là 95,06%). Đây là các căn cứ pháp lý rất quan trọng để kịp thời thể chế hóa các quan điểm, định hướng phát triển, tạo cơ chế đột phá, huy động tối đa nguồn lực, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh, đưa Thủ đô tiếp tục phát triển nhanh và bền vững.

Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội sẽ xem xét để quyết nghị 22 nghị quyết ảnh 1
Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 17, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa 16, nhiệm kỳ 2021-2026. (Ảnh: Thủy Nguyên)

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng chí Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá, thực hiện phương châm hành động “Đổi mới, sâu sát, khoa học, hiệu quả”, năm 2024 là năm tăng tốc, thời gian qua, thành phố Hà Nội đã vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện, đóng góp rất tích cực vào thành tựu chung của cả nước.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, kinh tế vĩ mô phát triển ổn định, thu ngân sách tăng cao, các cân đối lớn được bảo đảm; tăng trưởng GRDP ước tăng 6,0% - cao hơn bình quân chung cả nước.

Đồng chí Nguyễn Thị Thanh đánh giá cao những đổi mới trong hoạt động của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội trong thời gian qua, kịp thời lan tỏa những đổi mới trong hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai Nghị quyết 594 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hướng dẫn hoạt động giám sát.

Đồng chí Nguyễn Thị Thanh đề nghị Hội đồng nhân dân thành phố tập trung thực hiện tốt một số nội dung trọng tâm: Thứ nhất, tiếp tục quán triệt đầy đủ, triển khai đồng bộ và có hiệu quả các nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ và của Thành phố; Đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế, quan tâm nâng cao chất lượng tăng trưởng, các chỉ số PCI, PAR INDEX, PAPI, SIPAS, HDI, HPI và thực hiện các chỉ tiêu phát triển năm 2024. Thứ hai, khẩn trương quán triệt, triển khai thi hành Luật Thủ đô (sửa đổi) và phối hợp các cơ quan của Chính phủ tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp để hoàn thiện 2 đồ án quy hoạch quan trọng của thủ đô, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành theo thẩm quyền.

Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội sẽ xem xét để quyết nghị 22 nghị quyết ảnh 3

Phiên khai mạc kỳ họp thứ 17 Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa 16 vào sáng 1/7. Ảnh: Thủy Nguyên.

Theo chương trình kỳ họp đã được thông qua, kỳ họp thứ 17 Hội đồng nhân dân thành phố sẽ xem xét 17 báo cáo và thông qua 22 Nghị quyết. Đây là kỳ họp có khối lượng công việc lớn, nhiều nội dung quan trọng gồm:

- Xem xét, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng, thu chi ngân sách 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm.

- Hội đồng nhân dân thành phố xem xét, thông qua các báo cáo, nghị quyết chuyên đề, trong đó có nhiều nội dung rất quan trọng như: cập nhật, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công; Đề án tổng thể xây dựng hệ thống đường sắt đô thị; Đề án nâng cao năng lực và bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ; Quy chế quản lý kiến trúc của Thành phố; Quy định xét tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp xây dựng Thủ đô”.

- Xem xét quyết định các nội dung để kịp thời phục vụ công tác điều hành của các cấp, các ngành; các cơ chế, chính sách đặc thù có tác động sâu rộng nhằm đảm bảo an sinh và quan tâm, hỗ trợ các đối tượng, các lực lượng làm nhiệm vụ ở cơ sở như: mức hỗ trợ đối với người tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, lực lượng Cảnh sát khu vực, Công an xã; mức chi phục vụ hoạt động của Mặt trận tổ quốc các cấp; mức chi, mức hỗ trợ các gia đình chính sách, người có công và các hoạt động kỷ niệm 70 Ngày Giải phóng Thủ đô.