Đề xuất tăng thêm mức hỗ trợ đối tượng nghỉ hưu trước năm 1995
Chiều 25/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội thảo luận ở tổ về các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1/7/2024.
Phát biểu thảo luận tại Tổ 8, đại biểu Lê Kim Toàn (Bình Định) cho biết, trong cải cách tiền lương, điểm cốt lõi nhất theo Nghị quyết Trung ương là thực hiện chính sách tiền lương mới, ban hành thực hiện thang bảng lương mới, trong đó thực hiện chi trả tiền lương theo vị trí việc làm.
Do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, chúng ta dời việc thực hiện chính sách cải cách tiền lương mới cho tới thời điểm mới nhất theo Nghị quyết của Quốc hội sau khi điều chỉnh là ngày 1/7/2024.
Đại biểu nêu rõ, cho đến thời điểm này, việc ban hành thang bảng lương mới và thực hiện chi trả lương mới theo vị trí việc làm là khó khả thi.
Đại biểu Lê Kim Toàn (Bình Định) phát biểu. (Ảnh: TRUNG HƯNG) |
Theo báo cáo của Chính phủ, cần tiếp tục nghiên cứu để có phương án khả thi nhất. Do đó, trước mắt thay vì thực hiện thang bảng lương mới trả lương theo vị trí việc làm, Chính phủ có đề xuất tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên 30%, đồng thời tăng lương tối thiểu vùng để làm cơ sở tăng lương cho người lao động 6%, tăng phụ cấp lương hưu 15%, tăng phụ cấp cho các đối tượng bảo trợ xã hội, người có công theo các tỷ lệ tương ứng,…
“Tôi cho rằng khi chưa ban hành bảng lương mới thì việc tăng lương cơ sở là cần thiết. Tuy nhiên, Chính phủ cần đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, chậm nhất là đến hết nhiệm kỳ này phải hình thành được thang bảng lương mới và xác định được các vị trí việc làm để chi trả lương cho công chức, viên chức theo vị trí việc làm theo Nghị quyết của Trung ương, để từ nhiệm kỳ mới có thể triển khai thực hiện”, đại biểu Toàn nêu quan điểm.
Đại biểu cũng kiến nghị cần tính toán có phương án phù hợp để cấp bù phần tăng thêm cho các đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện theo cơ chế tự chủ. Ngoài ra, nếu nguồn ngân sách nhà nước bảo đảm được, cần quan tâm tăng thêm cho đối tượng nghỉ hưu trước năm 1995.
“Cần quan tâm đến đối tượng này vì khi chúng ta chưa thực hiện cải cách tiền lương trước đây thì lương và thu nhập thấp, cũng như có khoảng cách rất xa đối với những người giữ cương vị công tác mà nghỉ hưu trước 1995 với thế hệ các cán bộ nghỉ hưu sau 1995”, đại biểu nêu quan điểm.
Cho rằng cần phải tính toán điểm này, đại biểu Toàn cũng nhận định, đời sống, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức tăng lên là điều đáng mừng, nhưng mỗi lần tăng lương thì cần giảm dần khoảng cách nói trên.
Do đó, đại biểu kiến nghị cần tăng thêm cho đối tượng nghỉ hưu trước năm 1995 với mức tăng cao hơn 15%.
Dành hơn 16.300 tỷ đồng tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng
Đánh giá đề xuất của Chính phủ trong việc thực hiện tăng lương, điều chỉnh lương hưu và trợ cấp từ ngày 1/7 tới đã cơ bản bám sát chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Kết luận số 83-KL/TW, đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) cũng nhận thấy, điều chỉnh lần này đã bảo đảm tương quan cân đối, công bằng, bình đẳng giữa các đối tượng hưởng lương và trợ cấp; giải quyết hài hòa các quan hệ xã hội, kiểm soát phân hóa xã hội, bảo đảm an sinh cho nhân dân trong quá trình phát triển.
Phân tích cụ thể, đại biểu cho rằng, việc thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng hiện nay lên 2,34 triệu đồng/tháng, tăng 30%, là tương đương với tăng 15% lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội.
Lý do bởi cán bộ, công chức được tăng 30% tiền lương cơ sở thì đã phải đóng 8% cho bảo hiểm xã hội nên mức lương thực nhận còn 22%. Trong khi đó, người hưởng lương hưu được tăng 15% không phải đóng bảo hiểm xã hội nên được hưởng nguyên phần tăng thêm này.
“Như vậy, đề xuất điều chỉnh lương cơ bản lần này của Chính phủ là tương đối hợp lý, không có khoảng cách lớn giữa điều chỉnh mức lương cở sở ở khu vực công với tiền lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội. Nếu nói con số tuyệt đối là tương đối lớn nhưng đi vào phân tích chi tiết, cẩn thận thì sẽ thấy hợp lý”, đại biểu nói.
Tăng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội từ ngày 1/7: Hơn 3,3 triệu người được hưởng lợi
Tăng lương không đem lại hiệu quả nếu không đổi mới về công tác cán bộ
Đánh giá cao về nội dung tăng lương theo tờ trình của Chính phủ, đại biểu Trương Xuân Cừ (Hà Nội) cho biết, việc tăng lương tại thời điểm này là phù hợp và bảo đảm được mức thu nhập ổn định, qua đó động viên cán bộ, viên chức, người lao động làm việc, hoàn thành nhiệm vụ được giao tốt hơn.
Tuy nhiên, đại biểu Cừ cũng nêu một số băn khoăn, bởi qua thực tiễn thời gian qua nhiều đơn vị, nhất là những đơn vị mới thành lập cốt tuyển đủ người thôi chứ không tuyển người theo chuyên môn, theo vị trí việc làm.
“Để cải cách tiền lương thì cần phải tích cực tinh giản biên chế. Có đơn vị thừa đến hàng trăm người nhưng kể từ năm 2020 đến nay cũng không tinh giản biên chế được. Cũng có một số người khi tuyển vào là lái xe, nhưng đến bây giờ họ đã trở thành cử nhân luật. Bây giờ mà xếp họ vào vị trí luật là rất bí và cũng không dám bố trí việc khác hoặc tinh giản biên chế đối với họ”, đại biểu Trương Xuân Cừ nói.
Về thang bảng lương của lãnh đạo quản lý, đại biểu Cừ cũng nêu băn khoăn, nếu tăng lương, xếp lương đúng thì động viên rất kịp thời, nhưng trong công tác cán bộ hiện vẫn theo nhiệm kỳ, vẫn đủ 5 năm.
“Tôi lấy thí dụ một cán bộ vụ phó rất giỏi nhưng chỉ còn thời gian công tác 4 năm, trong khi vụ trưởng đã nghỉ hưu. Vậy thì vụ phó giỏi ấy có được bổ nhiệm không? Hay là một người khác, ở chỗ khác trình độ năng lực kém hơn lại được bổ nhiệm về, được hưởng mức lương cao. Tôi đã chứng kiến một vụ phó 1 tháng giải quyết được đúng 1 văn bản, trong khi đó 1 chuyên viên 1 tháng giải quyết được tới 97 văn bản. Cho nên nếu chúng ta không đổi mới về công tác cán bộ thì sẽ dẫn đến triệt tiêu nhân tài, việc tăng lương không đem lại hiệu quả cao trong công việc”, đại biểu Cừ nói.
Đề nghị điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng tăng 6%
Trong khi đó, đại biểu Lý Anh Thư (Kiên Giang) đề nghị, khi điều chỉnh tăng mức lương cơ bản, lương hưu và trợ cấp thì cần chú ý kiểm soát giá các mặt hàng trên thị trường, tránh lặp lại tình trạng “lương tăng thì giá tăng”, cuối cùng là lương tăng không được bao nhiêu, làm giảm hiệu quả của việc điều chỉnh mức lương cơ sở.
Về các nội dung khác, đại biểu Lý Anh Thư cho biết, khi tiếp xúc cử tri và những đối tượng nhận trợ cấp xã hội thì đã nhận được nhiều ý kiến đồng tình với mức tăng bảo trợ xã hội 500 nghìn đồng.
“Mức tăng bảo trợ xã hội như vậy ở thời điểm này là phù hợp với mặt bằng chung của cuộc sống”, đại biểu nhận định.
Nữ đại biểu kiến nghị, trong thời gian tới, Chính phủ cũng nên có lộ trình từng bước tăng dần trợ cấp xã hội để phù hợp với điều kiện thực tế của đất nước trong từng giai đoạn, từng thời điểm.
Cùng với đó, Chính phủ cũng nên triển khai chính sách hỗ trợ thêm với những đối tượng không có khả năng thoát nghèo.
Xác định rõ nguồn lực để thực hiện chế độ tiền lương mới
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà lý giải vì sao chưa bỏ lương cơ sở và hệ số lương. (Ảnh: TRUNG HƯNG) |
Phát biểu tại phiên thảo luận tổ, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khẳng định, cải cách chính sách tiền lương là một vấn đề lớn, hệ trọng, liên quan trực tiếp đến kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế và ảnh hưởng trực tiếp tới gần 10 triệu cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người có công.
Đồng thời, cũng tác động trực tiếp tới khoảng 10 triệu đối tượng hưởng chính sách xã hội hiện nay và khoảng gần 15 nghìn lao động trong doanh nghiệp (nhà nước và tư nhân).
Do đó, khi triển khai Nghị quyết 27 của Ban Chấp hành Trung ương, Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, Thủ tướng Chính phủ và Thường trực Chính phủ tổ chức 21 cuộc họp thảo luận kỹ lưỡng về các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1/7/2024.
Thường trực Ban Chỉ đạo đã tổ chức lấy ý kiến các ban, bộ, ngành, chuyên gia, nhà quản lý để hoàn thiện dự thảo báo cáo. Song, việc bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương để xây dựng các mức lương cơ bản bằng số tiền cụ thể trong các bảng lương mới có nhiều bất cập, điển hình như tương quan tiền lương mới chưa hợp lý giữa các đối tượng hưởng lương.
Lương chưa tăng mà giá cả đã tăng, đâu là giải pháp?
“Đối tượng thì được tăng cao hơn 30%, đối tượng thì tăng dưới 5-7-15% nhưng rất nhiều đối tượng tăng thấp hơn so với lương hiện hưởng, đặc biệt bảng lương đối với chức vụ và chức danh lãnh đạo”, Bộ trưởng Nội vụ nói và nhấn mạnh đây là phát sinh lớn nhất.
Một vấn đề phát sinh khác là khi thay đổi cơ cấu quỹ phụ cấp (sẽ giảm 24% so với hiện nay) và bỏ phụ cấp thâm niên nghề đối với cán bộ, công chức, viên chức một số chuyên ngành (chỉ quy định đối với lực lượng vũ trang), phải sắp xếp lại nhiều chế độ phụ cấp hiện nay thành một chế độ phụ cấp mới nên kéo theo nhiều khó khăn.
“Những đối tượng chúng ta muốn quan tâm để bảo đảm tiền lương như giáo viên, y tế thì rất khó thực hiện, vì lương hiện hưởng của những đối tượng này đang được hưởng phụ cấp rất cao. Nếu công tác ở vùng đặc biệt khó khăn thì phụ cấp còn cao hơn. Nhưng khi thực hiện theo cải cách tiền lương mới thì phải sắp xếp lại tất cả phụ cấp”, Bộ trưởng nói.
Một bất cập nữa Bộ trưởng chỉ ra là việc xây dựng vị trí việc làm. Dù đã triển khai xây dựng vị trí việc làm từ năm 2012 nhưng cũng còn nhiều khó khăn. Vừa qua, cả hệ thống chính trị đều gấp rút hoàn thiện và phê duyệt xong đề án vị trí việc làm nhưng nhìn chung chưa bảo đảm yêu cầu, chất lượng.
Hơn nữa, Bộ Chính trị cũng chưa ban hành được danh mục vị trí việc làm trong hệ thống chính trị nên việc thiết kế và xây dựng vị trí việc làm, gắn với mô tả, khung năng lực của vị trí việc làm còn vướng mắc.
Trước những khó khăn trên, cuối cùng Chính phủ đã trình phương án đó là thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo lộ trình hợp lý, từng bước, thận trọng, chắc chắn, khả thi và hiệu quả.
“Rõ đến đâu chúng ta làm đến đấy, những gì khó khăn, vướng mắc bất cập tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, không cầu toàn, không nóng vội để bảo đảm được ổn định, không xáo trộn”, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho hay.
Tới đây, sẽ thực hiện cải cách tiền lương đối với khối doanh nghiệp, thực hiện đồng bộ, đầy đủ theo đúng tinh thần Nghị quyết 27. Ngay sau đây sẽ điều chỉnh tăng lương 6% cho doanh nghiệp từ 1/7/2024. Thêm nữa, sẽ phải hướng dẫn rất cụ thể để thực hiện cơ chế tiền lương trong doanh nghiệp nhà nước.
Đối với khu vực công, chúng ta thực hiện 4/6 nội dung cơ bản như bổ sung chế độ tiền thưởng từ ngày 1/7/2024 (quỹ tiền thưởng bằng 10% quỹ lương cơ bản)… Đồng bộ với việc này, Chính phủ đã xác định rất rõ các nguồn để thực hiện cho chế độ tiền lương mới.
Với việc tăng 30% mức lương cơ sở - mức tăng cao nhất từ khi thực hiện cải cách tiền lương đến nay, theo tính toán của Bộ Tài chính, tổng nhu cầu kinh phí để điều chỉnh lương cơ sở tăng 30%, thực hiện tiền thưởng 10% quỹ lương cơ bản, điều chỉnh lương hưu và trợ cấp lũy kế 3 năm từ 2024-2026 tăng thêm là 913.300 tỷ đồng.
Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, ban đầu, Chính phủ tính toán bình quân tổng nguồn thực hiện theo Nghị quyết 27 của cả 3 năm khoảng 786 nghìn tỷ đồng, bình quân tăng khoảng 23% khi thực hiện cải cách tiền lương.
Nhưng khi thực hiện việc điều chỉnh mức lương cơ sở 30% và thực hiện tiền thưởng 10% quỹ lương cơ bản và các chính sách có liên quan, tổng mức lên 913.300 tỷ đồng, đồng nghĩa tăng thêm 127 nghìn tỷ đồng.
“Kỳ họp này sẽ đề xuất để bổ sung vào nguồn thực hiện cải cách tiền lương và các chính sách có liên quan của năm 2024 và sang năm sẽ tiếp tục điều chỉnh bổ sung”, Bộ trưởng Nội vụ thông tin và khẳng định Chính phủ bảo đảm đủ nguồn để thực hiện.