Khắc phục ô nhiễm trên các dòng sông

Hiện nay, môi trường nước tại các lưu vực sông lớn nước ta vẫn duy trì ở mức từ trung bình đến tốt. Tuy nhiên, tại một số đoạn sông chảy qua các khu vực có hoạt động sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, nguồn nước bị ô nhiễm, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống và sức khỏe người dân trên địa bàn.
0:00 / 0:00
0:00
Xả thải bừa bãi khiến nguồn nước bị ô nhiễm.
Xả thải bừa bãi khiến nguồn nước bị ô nhiễm.

Việt Nam có 697 sông, suối, kênh, rạch và 38 hồ là nguồn nước liên tỉnh, thuộc 16 lưu vực sông chính và 3.045 sông, suối thuộc các lưu vực sông nội tỉnh. Theo Báo cáo Hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2016-2020, với sự nỗ lực quản lý và kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường, chất lượng nước trên các lưu vực sông lớn như: sông Hồng-Thái Bình, sông Mã, sông Vu Gia-Thu Bồn) sông Mê Công duy trì ở mức tốt và nhiều sông, đoạn sông nước sử dụng tốt cho mục đích cấp nước sinh hoạt. Tuy nhiên, vẫn tồn tại một số khu vực chất lượng nước ở mức kém.

Đáng lo ngại, các điểm nóng về môi trường nước trên lưu vực sông vẫn chưa được cải thiện rõ rệt, điển hình như ô nhiễm trên các sông nội thành Hà Nội (sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu, sông Sét) thuộc lưu vực sông Nhuệ; sông Ngũ Huyện Khuê, cầu Bóng Tối thuộc lưu vực sông Cầu; kênh Tân Hóa-Lò Gốm, kênh Tàu Hũ-Bến Nghé, kênh Tham Lương-Bến Cát-Vàm Thuật… thuộc lưu vực sông Đồng Nai. Ô nhiễm môi trường trên các lưu vực sông chủ yếu là ô nhiễm hữu cơ và dinh dưỡng, phần lớn các điểm quan trắc chưa ghi nhận ô nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật. Vấn đề ô nhiễm dầu mỡ, kim loại nặng chỉ xảy ra cục bộ tại các khu vực chịu ảnh hưởng bởi hoạt động giao thông thủy hoặc sản xuất công nghiệp khai thác khoáng sản.

Đáng chú ý, hầu hết các lưu vực sông trên lãnh thổ Việt Nam đều có giá trị TSS (Tổng chất rắn lơ lửng) và độ đục trong nước khá cao, vượt ngưỡng A2 của QCVN 08-MT:2015/BTNMT (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt), nhiều khu vực vượt ngưỡng B1, nhất là vào mùa mưa lũ.

Đáng chú ý, hầu hết các lưu vực sông trên lãnh thổ Việt Nam đều có giá trị TSS (Tổng chất rắn lơ lửng) và độ đục trong nước khá cao, vượt ngưỡng A2 của QCVN 08-MT:2015/BTNMT (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt), nhiều khu vực vượt ngưỡng B1, nhất là vào mùa mưa lũ. Mặc dù đây là đặc điểm tự nhiên của sông nhưng vẫn có những ảnh hưởng nhất định đối với sử dụng nước sông làm nguồn nước cấp cho sinh hoạt.

Cụ thể, tại lưu vực sông Hồng-Thái Bình, những năm gần đây, các hoạt động khai thác khoáng sản và khai thác cát sỏi phát triển mạnh mẽ đã làm gia tăng hàm lượng TSS và làm tăng độ đục trong nước. Thống kê tỷ lệ các thông số vượt ngưỡng trên lưu vực sông này cho thấy, thông số TSS và Fe có tỷ lệ vượt ngưỡng cao nhất, tương ứng là 70,9% và 52,0%. Hiện nay, một trong những điểm nóng nhất về ô nhiễm môi trường trên lưu vực sông Hồng-Thái Bình là hệ thống thủy nông Bắc Hưng Hải (hệ thống thủy nông của các địa phương: Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương có chiều dài 200 km).

Hệ thống này bị ô nhiễm nghiêm trọng về chất hữu cơ, chất dinh dưỡng và vi sinh. Kết quả quan trắc cho thấy, có đến 90% các vị trí quan trắc trên hệ thống có các thông số ô nhiễm hữu cơ, chất dinh dưỡng, vi sinh vật vượt ngưỡng B1 của QCVN 08-MT:2015/BTNMT. Mức độ ô nhiễm đặc biệt gia tăng vào mùa khô (tháng 10 đến tháng 12) do hệ thống thủy nông đóng để trữ nước cho tưới tiêu, gây tình trạng nước bị ứ đọng.

Nguyên nhân ô nhiễm được xác định là do phải tiếp nhận một lượng quá lớn nước thải sinh hoạt, công nghiệp, làng nghề… chưa được xử lý, xả trực tiếp từ các địa phương trong khu vực vào hệ thống. Ngoài ra, hệ thống phải tiếp nhận nguồn nước từ các sông khác trong khu vực hiện đang rất ô nhiễm chảy vào như: sông Cầu Bây thuộc Hà Nội; các nhánh sông Bần-Vũ Xá, sông Đình Dù và kênh Trần Thành Ngọ của tỉnh Hưng Yên… dẫn đến ô nhiễm môi trường nước ngày thêm trầm trọng.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Luật Tài nguyên nước năm 2023 có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, trong đó luật đặc biệt quan tâm đến giải quyết ô nhiễm ở các đoạn sông, dòng sông bị ô nhiễm nặng. Để giảm thiểu, khắc phục tình trạng ô nhiễm nguồn nước trên các dòng sông, lưu vực sông, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp các bộ, ngành có liên quan xây dựng dự thảo Chỉ thị về các giải pháp cấp bách tăng cường kiểm soát ô nhiễm và xử lý ô nhiễm môi trường nước một số lưu vực sông; đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện rà soát toàn bộ hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, tiến hành sửa đổi các quy chuẩn bảo đảm tiệm cận với quy chuẩn của các nước tiên tiến, trên cơ sở đó xem xét ban hành quy chuẩn kỹ thuật địa phương về môi trường, bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật của địa phương phải cao hơn quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

Mặt khác, chính quyền các địa phương tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với toàn bộ khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề trong việc xả thải nước ra các lưu vực sông và các sông nhánh; xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Với các đoạn sông đã và đang bị ô nhiễm, sớm nghiên cứu, áp dụng công nghệ cải tạo phù hợp để phục hồi, khơi thông, tạo dòng chảy; tiếp tục đầu tư xây dựng các trạm xử lý nước thải công nghiệp, sinh hoạt tập trung trên địa bàn.

Mới đây, tại hội nghị đánh giá kết quả thực hiện các nhiệm vụ xử lý ô nhiễm môi trường hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho rằng: Các địa phương, bộ, ngành đã có quyết tâm trong việc xử lý các nguồn gây ô nhiễm nhưng hiệu quả chưa cao.

Vì vậy, đề nghị các đơn vị chuyên môn của Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ ra đúng nguyên nhân, trách nhiệm cụ thể gắn với các bộ, ngành, nhất là địa phương để xử lý ô nhiễm môi trường hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải nói riêng, và các dòng sông bị ô nhiễm nói chung; nghiên cứu, đề xuất cơ chế giám sát, nếu cần thiết sẽ thành lập các tổ chức quản lý lưu vực sông theo quy định của Luật Tài nguyên nước năm 2023, trong đó có hệ thống Bắc Hưng Hải; thực hiện việc trao quyền, gắn trách nhiệm đối với lãnh đạo ủy ban nhân dân tỉnh rõ ràng, để từ đó có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa và phối hợp, gắn kết tốt giữa các địa phương nhằm hạn chế, xử lý ô nhiễm và cải thiện chất lượng môi trường các lưu vực sông hiệu quả.