Ứng phó với nhiễm mặn và ô nhiễm nguồn nước

Những năm gần đây, tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan, biểu hiện rõ ràng nhất là sự nóng lên toàn cầu, dẫn đến việc mực nước biển đang ngày càng tăng cao. Ðây cũng là nguyên nhân dẫn đến biến động nguồn nước và hiện tượng xâm nhập mặn vào mùa khô hằng năm tại Thành phố Hồ Chí Minh và các vùng lân cận.
0:00 / 0:00
0:00
Khu vực xử lý nước thô tại Nhà máy nước Tân Hiệp (huyện Hóc Môn).
Khu vực xử lý nước thô tại Nhà máy nước Tân Hiệp (huyện Hóc Môn).

Ngành cấp nước thành phố hiện chủ động ứng phó bằng nhiều giải pháp để bảo đảm chất lượng nước sinh hoạt cho hơn 10 triệu dân.

Theo Tổ chức khí tượng thủy văn thế giới, năm 2023 được đánh giá là năm nóng nhất trong lịch sử khoảng 150 năm và nhiệt độ trung bình tăng gần 1,5oC so với thời kỳ tiền công nghiệp. Ðáng lưu ý, mùa khô trong năm 2024 vẫn tiếp tục chịu tác động rất lớn từ hiện tượng El Nino và biến đổi khí hậu.

Nhà máy cấp nước trực chiến, đo độ mặn từng giờ

Liên tục từ đầu tháng 3 đến nay, đơn vị quản lý hồ thủy lợi Dầu Tiếng đã ba lần xả nước để đẩy độ mặn trên sông Sài Gòn, qua đó giúp đẩy mặn tại trạm bơm Hòa Phú, nơi Nhà máy nước Tân Hiệp (huyện Hóc Môn) lấy nguồn nước thô xử lý trước khi bơm vào hệ thống cấp nước của Thành phố Hồ Chí Minh.

Ông Trần Duy Khang, Giám đốc Nhà máy nước Tân Hiệp (thuộc Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn-Sawaco) cho biết: Cụm Nhà máy nước Tân Hiệp gồm ba nhà máy là Tân Hiệp 1, Tân Hiệp 2 và Kênh Ðông có công suất phát nước 650.000 m3/ngày, cung cấp nước sạch cho toàn bộ khu vực phía tây bắc thành phố. Vào những năm thuộc chu kỳ El Nino, tình trạng nhiễm mặn thường xảy ra nên Nhà máy chủ động phối hợp cùng hồ Dầu Tiếng xả tràn đẩy mặn để bảo đảm tiêu chuẩn quy định của nguồn nước mặt trước khi bơm vào nhà máy. Trên thực tế, thời điểm mùa khô năm 2016 đã xảy ra tình trạng thiếu nước và xâm nhập mặn do xảy ra El Nino cho nên Nhà máy nước Tân Hiệp đã phải ngưng lấy nước thô trong khoảng thời gian dài (6 giờ/ngày), ảnh hưởng không nhỏ đến việc cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho người dân. Nhiều năm qua, Sawaco phải phối hợp cùng hồ Dầu Tiếng thực hiện xả tràn, nhất là vào mùa khô.

Cũng theo ông Khang, không chỉ xả tràn từ hồ Dầu Tiếng, nhà máy còn dùng thiết bị đo đếm online liên tục hằng giờ để đo độ mặn nguồn nước thô, trong đó độ mặn qua xả tràn đều đạt khoảng dưới 100 mg/l. Ngoài ra, trong vài tháng tới đây, Nhà máy nước Tân Hiệp sẽ lắp đặt thiết bị phao quan trắc chất lượng nước, đặt giữa sông Sài Gòn nhằm kiểm soát chất lượng nước kịp thời và chặt chẽ hơn.

Ông Trần Kim Thạch, Trưởng phòng Quản lý chất lượng nước Sawaco cho biết, khu vực Thành phố Hồ Chí Minh được đánh giá sẽ chịu ảnh hưởng khá lớn từ hiện tượng El Nino. Cụ thể trong tháng 2/2024, nhiệt độ tại khu vực Nhà Bè được ghi nhận cao nhất so với cùng kỳ của các năm. Ðiều này ảnh hưởng đến tài nguyên nước mặt trên lưu vực hệ thống sông Ðồng Nai, và nó cũng ảnh hưởng đến hoạt động cấp nước trên địa bàn thành phố, với nguồn nước thô được khai thác tại sông Sài Gòn và sông Ðồng Nai. Tại Trạm bơm nước thô Hòa Phú có những thời điểm đã đạt gần 200 mg/l hàm lượng chlorua (theo quy chuẩn cho phép là 250 mg/l), tại Trạm bơm Hóa An (cung cấp nước thô cho Nhà máy nước Thủ Ðức) đã có thời điểm độ mặn đạt khoảng 100 mg/l.

Ðể bảo đảm nguồn nước cấp, Sawaco chủ động xây dựng các kịch bản ứng phó, theo quy định hiện hữu như: Phối hợp vận hành với các hồ chứa đầu nguồn (hồ thủy điện Trị An và hồ thủy lợi Dầu Tiếng); xây dựng các phương án điều tiết mạng lưới cấp nước (trong điều kiện cần thiết) để điều tiết nguồn nước... Ðồng thời, trong năm 2023, Sawaco cũng triển khai diễn tập ứng phó với độ mặn tăng cao tại các nhà máy nước và cung cấp nước khẩn cấp cho khách hàng.

Nguồn xả thải đang "đe dọa" nước mặt

Cùng với nguồn nước bị nhiễm mặn, chất lượng nguồn nước mặt ô nhiễm do xả thải cũng ảnh hưởng đến hiệu quả xử lý và cung cấp nước sạch của thành phố. Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố có 20 khu công nghiệp, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp với lượng nước thải công nghiệp gần 50.000m3/ngày. Bên cạnh đó, hiện thành phố có hơn 30 nghìn cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và hầu hết chưa có hệ thống nước thải thuộc nhiều ngành nghề như: Thực phẩm, dệt may, nhuộm, hóa chất… cho nên dồn áp lực lên hệ thống sông, trong đó có hệ thống sông Sài Gòn, sông Ðồng Nai.

Qua tính toán, trong số các nguồn tiếp nhận nước thải đô thị, sông Sài Gòn tiếp nhận lượng chất thải nhiều nhất với 76,21% tổng lượng nước thải và 66,6% tổng tải lượng BOD5 (lượng ô-xi cần thiết để vi sinh vật ô-xi hóa sinh học các chất hữu cơ). Ðáng quan tâm, các chỉ tiêu ô nhiễm hữu cơ phần lớn đều vượt quy định (COD - nhu cầu ô-xi hóa học, cao hơn bảy lần so với quy định; BOD5 cao hơn hai lần so với quy định), ô-xi hòa tan thường dưới ngưỡng cho phép. Ðặc biệt, sông Sài Gòn hiện đang ô nhiễm nặng hơn so với sông Ðồng Nai (COD gấp 2,4 lần; BOD5 gấp 1,3 lần; TOC - tổng lượng carbon hữu cơ gấp 1,5 lần).

Ông Trần Quang Minh, Tổng Giám đốc Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn cho biết, thách thức mà ngành cấp nước thành phố đang phải đối đầu là biến đổi khí hậu đã gây ra nhiễm mặn ở các dòng sông, điều này không chỉ tác động đến Ðồng bằng sông Cửu Long mà cả Thành phố Hồ Chí Minh. Ðáng báo động là các sông Ðồng Nai và Sài Gòn, khu vực lấy nước thô bị nhiễm mặn trong các tháng cao điểm mùa khô. Do đó, Sawaco đã xây dựng các kịch bản ứng phó khi nguồn nước bị xâm nhập mặn (nhiều khả năng xảy ra là do hệ quả của việc ảnh hưởng từ hiện tượng thời tiết El Nino trong các tháng đầu năm 2024).

Với vấn đề ô nhiễm, ông Minh dẫn chứng, sông Ðồng Nai nằm cạnh thành phố Biên Hòa bị ô nhiễm, điểm lấy nước ở sông Sài Gòn nằm ở ngã ba sông Thị Vải cũng ô nhiễm nặng. Chưa kể nguồn nước thải từ các khu công nghiệp chung quanh cũng tác động đến chất lượng nguồn nước mặt. Ðể giải quyết những vấn đề nan giải này, Sawaco phải bổ sung, thay đổi, sử dụng công nghệ mới, tiên tiến trong xử lý nước nhằm bảo đảm cấp nước an toàn và liên tục cho thành phố.

Tiến sĩ Nguyễn Huy Cương, Trưởng bộ môn Cấp thoát nước - Trường đại học Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Hiện tượng thời tiết El Nino đã tác động rõ rệt vào chất lượng nguồn nước làm thủy lực và động lực dòng nước thượng nguồn giảm, xâm nhập mặn tăng và mặn tiến sâu nội đồng, nguồn nước cho sinh hoạt và nông nghiệp (nước ngọt) đang bị tác động mạnh. Do đó, ngành cấp nước nên quy hoạch và thực hiện mô hình cấp nước liên vùng, liên tỉnh để phối hợp cấp nước. Như vậy Thành phố Hồ Chí Minh có thể dùng nguồn nước sạch từ Ðồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh thay vì dẫn nước thô cách 30, 50 thậm chí 70 km về thành phố. Ðồng thời, thành phố cần có giải pháp làm hồ nhân tạo ở hạ nguồn để tích trữ nước thô; tăng hồ thượng nguồn, phát triển nhanh diện tích rừng, tích trữ nước mưa và tăng bổ cập nước dưới đất hay đầu tư nhà máy, công nghệ xử lý nước lợ...