Sẵn sàng triển khai Luật Tài nguyên nước khi có hiệu lực thi hành

NDO - Ngày 21/6, tại thành phố Hải Phòng, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị Phổ biến, tuyên truyền Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15 và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật.
0:00 / 0:00
0:00
Đại diện Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) giới thiệu tổng quan về Luật Tài nguyên nước tại Hội nghị.
Đại diện Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) giới thiệu tổng quan về Luật Tài nguyên nước tại Hội nghị.

Tham dự Hội nghị, có lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường; đại diện các Bộ, ngành, các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường; Sở Tài nguyên và Môi trường 29 tỉnh, thành phố khu vực miền bắc và Bắc Trung Bộ và các tổ chức quốc tế tại Việt Nam.

Phát biểu ý kiến tại Hội nghị, Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết: Ngày 27/11/2023, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội XV đã thông qua Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15 (hiệu lực từ ngày 1/7/2024), đánh dấu một bước tiến rất lớn trong tư duy, cách tiếp cận, thay đổi phương thức quản trị tài nguyên nước, bảo đảm tài nguyên nước được quản lý như tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý theo đúng tinh thần Hiến pháp năm 2013.

Ngày 16/5/2024, Chính phủ đã ban hành các Nghị định số 53/2024/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước; Nghị định số 54/2024/NĐ-CP quy định việc hành nghề khoan nước dưới đất, kê khai, đăng ký, cấp phép, dịch vụ tài nguyên nước và tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.

Đồng thời, ngày 16/5/2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã ban hành các Thông tư số 03/2024/TT-BTNMT quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước; Thông tư số 04/2024/TT-BTNMT quy định việc kiểm tra việc chấp hành pháp luật về tài nguyên nước và thẩm định, nghiệm thu kết quả hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước; Thông tư số 05/2024/TT-BTNMT quy định việc di chuyển, thay đổi vị trí, giải thể trạm quan trắc tài nguyên nước dưới đất.

Sẵn sàng triển khai Luật Tài nguyên nước khi có hiệu lực thi hành ảnh 2

Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành phát biểu tại Hội nghị.

Thứ trưởng Lê Công Thành cho biết thêm, để kịp thời triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật nêu trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Tài nguyên nước; Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã có văn bản đề nghị các tỉnh, thành phố tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tài nguyên nước đến các tổ chức, cá nhân trên địa bàn và sẵn sàng triển khai khi các văn bản nêu trên có hiệu lực thi hành.

Với những cố gắng, nỗ lực rất lớn của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong công tác xây dựng các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Tài nguyên nước, có thể nói đến nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về Tài nguyên nước đã được hoàn thiện đúng tiến độ, chất lượng. Việc xây dựng, hoàn thiện một cách đồng bộ, bảo đảm thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách mới của Đảng, đặc biệt là Luật Tài nguyên nước và các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật, Thông tư được triển khai đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả trong thực tế thời gian tới.

Theo Phó Cục trưởng Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Ngô Mạnh Hà: Luật Tài nguyên nước 2023 gồm 10 Chương và 86 Điều, đã thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước về quản lý, bảo vệ tài nguyên nước thông qua bốn nhóm chính sách, gồm: Bảo đảm an ninh nguồn nước; Xã hội hóa ngành nước; Kinh tế tài nguyên nước; Bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống tác hại do nước gây ra.

Một trong những nguyên tắc cốt lõi của Luật là tài nguyên nước phải được quản lý tổng hợp, thống nhất về số lượng và chất lượng, giữa nước mặt và nước dưới đất, giữa thượng lưu và hạ lưu; phân công, phân cấp rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên nước, nguồn nước với trách nhiệm quản lý Nhà nước về quy hoạch, xây dựng, vận hành công trình thủy lợi, thủy điện, cấp nước đô thị, cấp nước nông thôn; giải quyết những chồng chéo, đan xen, xung đột, có lỗ hổng trong các luật nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước, bảo đảm an ninh tài nguyên nước quốc gia; bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia...

Đáng chú ý, những điểm mới của Luật được xây dựng theo hướng quy định tất cả các nội dung về quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống tác hại do nước gây ra; đồng thời quy định rõ “quản cái gì, quản như thế nào và ai quản”; hiện đại hóa, chuyên nghiệp hóa công tác quản lý tài nguyên nước hướng tới quản trị tài nguyên nước quốc gia trên nền tảng công nghệ số thông qua Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia, hệ thống công cụ hỗ trợ ra quyết định.

Đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực tài nguyên nước; phục hồi, làm sống lại các “dòng sông chết”. Chuyển dần từ quản lý bằng công cụ hành chính sang quản lý bằng công cụ kinh tế là một cách tiếp cận hiện đại, được áp dụng ở rất nhiều các nước tiên tiến trên thế giới như: Pháp, Australia, Hàn Quốc, Mỹ. Nước dưới đất được quản lý hiệu quả, bảo đảm công bằng, hợp lý giữa các tổ chức, cá nhân trong kinh doanh, sử dụng nước.

Ông Ngô Mạnh Hà thông tin thêm: Luật Tài nguyên nước và các văn bản quy định chi tiết được ban hành đã quy định trách nhiệm cụ thể của các cơ quan, ban, ngành ở Trung ương và địa phương, trong đó Luật đã giao cho địa phương thực thi 28 nội dung để tổ chức thi hành Luật (điều tra cơ bản, phương án khai thác trong quy hoạch tỉnh, lập, cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước, hạn chế khai thác nước dưới đất, vùng bảo hộ vệ sinh công trình lấy nước sinh hoạt, lập và ban hành danh mục hồ ao không được san lấp, dòng chảy tối thiểu trên sông, suối nội tỉnh...).

Việc phân cấp, phân quyền, chú trọng đề cao vai trò, trách nhiệm các bên liên quan đã được cụ thể hóa trong hai Nghị định, ba Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Tài nguyên nước (đều có hiệu lực thi hành cùng với Luật Tài nguyên nước ngày 1/7/2024).

Sẵn sàng triển khai Luật Tài nguyên nước khi có hiệu lực thi hành ảnh 3

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị.

Tại Hội nghị, đại diện Cục Quản lý tài nguyên nước giới thiệu Tổng quan về Luật Tài nguyên nước năm 2023 và những điểm mới. Giới thiệu nội dung các Nghị định số 53/2024/NĐ-CP ngày 16/5/2024 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước; Nghị định số 54/2024/NĐ-CP ngày 16/5/2024 của Chính phủ quy định quy định việc hành nghề khoan nước dưới đất, kê khai, đăng ký, cấp phép, dịch vụ tài nguyên nước và tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước và những điểm mới.

Giới thiệu nội dung các Thông tư 03/2024/TT-BTNMT quy định chi tiết thi hành một số điều của luật tài nguyên nước; Thông tư 04/2024/TT-BTNMT quy định kiểm tra chấp hành pháp luật về tài nguyên nước và thẩm định, nghiệm thu kết quả hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước; Thông tư 05/2024/TT-BTNMT quy định về di chuyển, thay đổi vị trí, giải thể trạm quan trắc tài nguyên nước dưới đất và những điểm mới. Công tác Quản lý tài nguyên nước xuyên biên giới.

Ngoài ra, các đại biểu đã cùng nhau trao đổi, chia sẻ những thuận lợi, khó khăn trong công tác quản lý tài nguyên nước tại các địa phương. Đồng thời, giải đáp các quy định mới Nghị định, Thông tư vừa được Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành để các địa phương triển khai đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả trong thực tế khi Luật Tài nguyên nước có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024.