Định hướng chính sách đào tạo lao động cho ngành nghề mũi nhọn

Những năm qua, mặc dù chỉ số Ðào tạo lao động-chỉ số thành phần của Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Hà Nội, được các doanh nghiệp đánh giá cao, nhưng hiện nay, nhiều ngành nghề có nhu cầu lao động cao, số lao động tuyển dụng được lại thấp. Vì vậy, trong thời gian tới, thành phố cần có chính sách đào tạo đối với các ngành nghề mới, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội.
0:00 / 0:00
0:00
Nguồn nhân lực chất lượng cao góp phần gia tăng năng lực cạnh tranh của Hà Nội. Trong ảnh: Giờ học của sinh viên Chương trình đào tạo công nghệ sản xuất 4.0, Trường cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội. (Ảnh THANH XUÂN)
Nguồn nhân lực chất lượng cao góp phần gia tăng năng lực cạnh tranh của Hà Nội. Trong ảnh: Giờ học của sinh viên Chương trình đào tạo công nghệ sản xuất 4.0, Trường cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội. (Ảnh THANH XUÂN)

Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Tây Nam cho biết, kết quả tuyển sinh đào tạo nghề giai đoạn 2020-2023 của Hà Nội vượt 6,14% so với kế hoạch; tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng liên tục qua các năm, góp phần quan trọng cung cấp nguồn lao động cho thị trường lao động của Thủ đô và các tỉnh lân cận. Sáu tháng đầu năm 2024, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố đã tuyển sinh 107.850 người. Tỷ lệ học sinh, sinh viên, học viên có việc làm sau tốt nghiệp đạt 70-80%. Nhiều ngành nghề khi học sinh, sinh viên ra trường được doanh nghiệp tuyển dụng 100% như: Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, công nghệ kỹ thuật điện, điện tử, công nghệ sơn ô-tô, công nghệ ô-tô, tự động hóa... Kết quả tuyển sinh, tốt nghiệp và giải quyết việc làm đã góp phần đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo của Hà Nội tăng liên tục, từ 70,25% năm 2020 lên 73,23% năm 2023, tăng 2,98%. Trong đó, tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ tăng từ 48,5% năm 2020 lên 52,5% năm 2023, tăng 4,0%.

Những năm qua, chỉ số Ðào tạo lao động-chỉ số thành phần của Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Hà Nội, được các doanh nghiệp đánh giá cao. Giai đoạn 2020 - 2023, thành phố có hai lần đứng thứ nhất toàn quốc về chỉ số Ðào tạo lao động. Ðiều này cho thấy công tác đào tạo nghề của Hà Nội đã có những bước phát triển tốt, khẳng định được chất lượng giáo dục nghề nghiệp.

Bên cạnh đó, công tác đào tạo gắn với doanh nghiệp luôn được thành phố quan tâm chú trọng, coi là giải pháp thúc đẩy kết quả tuyển sinh, nâng cao chất lượng đào tạo nghề. Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai, lồng ghép trong các chương trình, kế hoạch, đề án phát triển kinh tế-xã hội, hoạt động thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp và công tác đào tạo nguồn nhân lực.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà cho biết, thời gian tới, thành phố xác định sẽ tập trung đào tạo ngành nghề mũi nhọn đáp ứng xu thế phát triển của Thủ đô, xây dựng lộ trình phát triển các trường nghề, trang bị cơ sở vật chất cho các trường nghề công lập... Sau khi Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua, Ủy ban nhân dân thành phố sẽ chỉ đạo các sở, ngành tham mưu các dự thảo nghị quyết trình Hội đồng nhân dân thành phố để thực hiện các danh mục chính sách đặc thù liên quan lĩnh vực này.

Cử tri các huyện Thường Tín, Gia Lâm, Thạch Thất, Phú Xuyên đề nghị, thành phố tăng kinh phí đào tạo, tập huấn an toàn lao động, nhất là ở các làng nghề truyền thống; đổi mới chương trình đào tạo nghề gắn với vị trí việc làm trong các doanh nghiệp. Cử tri bày tỏ mong muốn thành phố có những chính sách phù hợp từng đối tượng, ngành nghề.

Ðại diện cho một số trường đào tạo nghề và tổ chức chính trị-xã hội của thành phố chỉ ra thực tế, hiện nay nhiều ngành nghề có nhu cầu lao động cao nhưng tỷ lệ tuyển dụng lại thấp. Trong đó các ngành nghề về năng lượng thông minh, tái tạo, robot… không đạt tỷ lệ tuyển dụng tại Hà Nội, phải tìm nguồn nhân lực từ các tỉnh. Hà Nội cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, có chính sách đối với các ngành nghề mới, phân luồng tốt để bảo đảm chất lượng học sinh đáp ứng được các ngành nghề chất lượng cao. Bên cạnh đó, cần thu hút, xây dựng đội ngũ giáo viên, hệ thống trường chất lượng.

Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh, thành phố cần có giải pháp căn cơ, bảo đảm cung - cầu lao động hợp lý; đánh giá lĩnh vực nào cần để đào tạo, đáp ứng nhu cầu thực tiễn phát triển, đời sống; chú trọng đưa các nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố, chương trình cho vay đào tạo nghề, giải quyết việc làm vào đời sống. Vấn đề mà thành phố cần có lời giải cụ thể trong thời gian tới đó là nhân lực cho định hướng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và ngành trí tuệ nhân tạo. Nhu cầu của thị trường lao động sẽ có những thay đổi lớn, Hà Nội cần có sự chuẩn bị để đáp ứng nhu cầu, nâng cao năng lực cạnh tranh của Thủ đô.