Hậu quả do đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột ở Ukraine khiến chính phủ các nước phương Tây, trong đó có Mỹ, phải nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng từ bất kỳ một quốc gia nào.
Theo ông Adeyemo, Mỹ không muốn phụ thuộc quá nhiều vào quốc gia hay công ty nào trong chuỗi cung ứng toàn cầu đối với các khoáng sản quan trọng. Mặc dù Chính phủ Mỹ đã đưa ra một loạt biện pháp nhằm khuyến khích tăng cường sản xuất các khoáng sản chiến lược và quan trọng trong nước, song ông Adeyemo thừa nhận rằng các nguồn tài nguyên ở nước ngoài cũng rất quan trọng. Ông nêu rõ: "Châu Phi sẽ đóng một vai trò to lớn. Ở đó có rất nhiều khoáng sản quan trọng".
Sự phát triển của công nghệ, nền kinh tế và vũ khí hiện đại phụ thuộc vào các khoáng sản quan trọng như magie, coban, lithium hoặc thậm chí là đồng. Là nơi sở hữu tới 30% khoáng sản quan trọng được biết đến trên thế giới, châu Phi luôn là "điểm đến" đầu tư hàng đầu được các cường quốc nhắm tới.
Tại hội nghị Mining Indaba năm nay, các nguyên thủ quốc gia, bộ trưởng và hàng nghìn nhà lãnh đạo, chuyên gia ngành khai thác mỏ đã đến Cape Town, Nam Phi để vạch ra một tương lai mới cho ngành khai thác mỏ ở châu Phi.
Mining Indaba năm nay gây chú ý với phái đoàn hùng hậu do Mỹ cử đến, thể hiện mức độ quan tâm của Washington đối với lĩnh vực khoáng sản quan trọng của châu Phi. Nền tảng đầu tư công của Mỹ vào lĩnh vực khai thác mỏ ở châu Phi hiện nay là dự án Hành lang Lobito, với dự kiến xây dựng tuyến đường sắt giúp vận chuyển các khoáng sản quan trọng từ Zambia và CHDC Congo tới một cảng ở Angola.
Sau khi dự Mining Indaba, các đại biểu Mỹ đã thực hiện chuyến đi từ Nam Phi đến Zambia để tham dự Diễn đàn nhà đầu tư khu vực tư nhân Hành lang Lobito thuộc Ðối tác vì Cơ sở hạ tầng và Ðầu tư toàn cầu (PGI). Tại diễn đàn này, Tập đoàn Tài chính Phát triển quốc tế Mỹ đã công bố khoản vay mới trị giá 250 triệu USD dành cho Tập đoàn Tài chính châu Phi để hỗ trợ các dự án cơ sở hạ tầng trên khắp lục địa.
Châu Phi là nơi có nhiều trữ lượng khoáng sản quan trọng, nhưng không phải là nơi có ngành công nghiệp làm tăng giá trị cho khoáng sản, chẳng hạn như công nghiệp chế biến và tinh chế. Mặc dù châu Phi có năng lực chế biến và tinh chế đối với một số khoáng sản nhất định nhưng vẫn "vắng bóng" các công đoạn sản xuất có thể làm gia tăng giá trị đáng kể trong toàn ngành này.
Liên minh châu Phi (AU) và nhiều quốc gia trong châu lục từ lâu đã nhận thức được lợi ích từ việc gia tăng giá trị cho nguồn tài nguyên khoáng sản dồi dào, thay vì cung cấp khoáng sản cho phần còn lại của thế giới để các nước khác chế biến.
Năm 2009, AU đã công bố Tầm nhìn khai thác châu Phi, trong đó tập trung vào tầm quan trọng của ngành công nghiệp giá trị gia tăng.
Năm 2019, AU công bố Chiến lược hàng hóa châu Phi, kêu gọi chuyển đổi châu Phi từ một lục địa chỉ đơn thuần là nhà cung cấp nguyên liệu thô thành một lục địa tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
AU thành lập Trung tâm phát triển khoáng sản châu Phi để điều phối và giám sát việc thực hiện Tầm nhìn khai thác châu Phi. Nhưng kể từ khi được thành lập vào năm 2016, trung tâm vẫn chưa được đủ quốc gia thành viên phê chuẩn, nghĩa là chưa được đưa vào hoạt động đầy đủ.
Trước thực tế nêu trên, các cường quốc trên thế giới tiếp tục cuộc đua đổ xô tới châu Phi để đẩy mạnh đầu tư vào các dự án khai thác mỏ. Nguồn tài nguyên khoáng sản tự nhiên của châu Phi khiến lục địa này đóng vai trò chiến lược đối với Mỹ. Mỹ đang hợp tác với Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) để đầu tư vào các dự án khai thác khoáng sản tại châu Phi trong nỗ lực tiếp cận nguồn cung kim loại như coban, lithium và các kim loại khác được sử dụng để sản xuất pin cho xe ô-tô điện, máy tính xách tay và điện thoại thông minh.