Mở rộng hợp tác giữa Bắc Âu và châu Phi

Ðại diện của năm nước Bắc Âu và hơn 20 quốc gia châu Phi vừa tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Bắc Âu-châu Phi (NAFM) tại thủ đô Copenhagen của Ðan Mạch nhằm thúc đẩy đối thoại và hợp tác giữa hai khu vực. Những bước đi làm sâu sắc thêm quan hệ và bảo đảm sự phát triển thịnh vượng của hai khu vực là nội dung được các bên đi sâu thảo luận tại NAFM lần này.
0:00 / 0:00
0:00
Nguồn Ảnh: Đại sứ quán Đan Mạch tại châu Phi
Nguồn Ảnh: Đại sứ quán Đan Mạch tại châu Phi

Bộ trưởng Ngoại giao Ðan Mạch Lars Lokke Rasmussen nhận định, các quốc gia châu Phi chiếm gần một phần ba tổng số thành viên của Liên hợp quốc, do đó không khó để thấy tầm ảnh hưởng của khu vực này trên trường quốc tế đang ngày càng được mở rộng.

Cũng nhấn mạnh tầm quan trọng cả về chính trị và kinh tế của các quốc gia châu Phi trong bối cảnh hiện nay, Bộ trưởng Ngoại giao Phần Lan Elina Valtonen cho rằng, các nước Bắc Âu cần tăng cường quan hệ đối tác với các quốc gia châu Phi ở mọi cấp độ.

Theo Bộ trưởng Ngoại giao nước chủ nhà NAFM lần này, thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư là một trong những chìa khóa để xây dựng mối quan hệ đối tác bình đẳng. Một số nền kinh tế châu Phi đang có tốc độ phát triển nhanh chính là cơ hội tốt để hai bên đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực này. Ðây cũng là lý do mà lần đầu đoàn các nước tham dự NAFM có đại diện của cộng đồng doanh nghiệp.

Tại NAFM, Bộ trưởng Ngoại giao và Thương mại quốc tế Zimbabwe Frederick Shava khẳng định, nền tảng quan hệ giữa các nước châu Phi và Bắc Âu góp phần duy trì hợp tác giữa hai bên trong nhiều lĩnh vực, như bảo đảm hòa bình và an ninh, thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG)... Theo ông Shava, trong những năm tới, hợp tác kinh tế và thương mại nên được hai bên đẩy mạnh hơn so với viện trợ và hỗ trợ phát triển. Ông Shava nhận định, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang phát triển nhanh là thời điểm “chín muồi” để nền kinh tế châu Phi nhận được các gói tài chính phù hợp, dễ tiếp cận và đây là cơ hội cho các nước Bắc Âu.

Việc giúp doanh nghiệp Bắc Âu hiểu rõ hơn về môi trường đầu tư tại châu Phi cũng cần được chú trọng nhằm loại bỏ những định kiến về rủi ro khi đầu tư vào khu vực này. Bên cạnh đó, các quốc gia châu Phi cũng kêu gọi các nước Bắc Âu tận dụng cơ hội để đầu tư vào nguồn nhân lực trẻ của Lục địa già. Bộ trưởng Ngoại giao Tanzania January Makamba cho rằng, việc bảo đảm thế hệ trẻ châu Phi có được những kiến thức và kỹ năng cần thiết sẽ đóng góp vào sự phát triển của châu lục và cả những quốc gia hỗ trợ nỗ lực này.

Không chỉ góp phần tăng cường quan hệ giữa hai khu vực, NAFM còn là cơ hội để các quốc gia Bắc Âu và châu Phi đẩy mạnh hợp tác song phương. Nhân dịp tham dự hội nghị, đại diện của Thụy Ðiển và Kenya ký biên bản ghi nhớ về tham vấn chính trị giữa hai nước.

Theo đó, hai bên khẳng định coi trọng các giá trị chung, cam kết thúc đẩy chủ nghĩa đa phương và tôn trọng luật pháp quốc tế; nhất trí phối hợp bảo đảm hòa bình ở khu vực và trên thế giới.

Ngoài ra, Thụy Ðiển bày tỏ mong muốn hỗ trợ Kenya phát triển thị trường xe điện, bao gồm cả việc xây dựng cơ sở hạ tầng.

Tại cuộc gặp ở Copenhagen, đại diện Liberia nêu rõ các mục tiêu tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững của nước này, đồng thời thể hiện mong muốn đẩy mạnh hợp tác với Ðan Mạch trong các lĩnh vực như thương mại, đầu tư, năng lượng, cơ sở hạ tầng, nông nghiệp và du lịch.

Vị trí chiến lược và nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào là những lợi thế mà Liberia có thể đem lại khi hợp tác với Ðan Mạch. Phía Ðan Mạch khẳng định hỗ trợ các mục tiêu phát triển của Liberia và sẵn sàng đối thoại thực chất nhằm tăng cường hợp tác giữa hai nước.

Như nhận định mà Bộ trưởng Ngoại giao nước chủ nhà và đại diện các quốc gia châu Phi đưa ra tại NAFM, tình hình quốc tế diễn biến phức tạp gây ra những mối lo ngại nghiêm trọng, song điều này cũng có thể mở ra các mối quan hệ đối tác mới.

Ngày càng có nhiều nước châu Phi quan tâm và tham gia NAFM cũng phần nào cho thấy điều này. Trong bối cảnh chủ nghĩa đa phương đang đứng trước thách thức, giới chức ngoại giao các nước Bắc Âu và châu Phi nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ đối tác giữa hai bên, đồng thời kêu gọi thực hiện các nỗ lực vì những mục tiêu chung và giải quyết các thách thức toàn cầu.