Báo động làn sóng khủng bố đang gia tăng ở châu Phi

Vượt qua cả Trung Đông, khu vực Sahel và vùng cận Sahara của châu Phi trở thành “điểm nóng” mới, với gần một nửa số người thiệt mạng do tấn công khủng bố trên toàn thế giới là ở khu vực này. Đó là kết luận được đưa ra trong báo cáo mới nhất của Viện Kinh tế và Hòa bình (IEP) và là xu hướng đáng lo ngại, đe dọa sự ổn định và phát triển kinh tế của Lục địa Đen.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa: economicsandpeace.org.
Ảnh minh họa: economicsandpeace.org.

Theo báo cáo của IEP, một số quốc gia Tây Phi đang phải đối mặt tình trạng gia tăng các vụ tấn công khủng bố. Với 1.907 người chết liên quan đến khủng bố trong năm 2023, chiếm tới 25% số người trên toàn cầu, Burkina Faso đứng đầu danh sách các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Các nhóm thánh chiến liên kết với Al-Qaeda và tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) tăng mạnh các cuộc tấn công và chiếm giữ lãnh thổ tại quốc gia này.

Mali và Nigeria cũng bị ảnh hưởng nặng nề của tình trạng bạo lực do các phần tử cực đoan gây ra. Xếp thứ 3 trong danh sách, với 1.012 người chết, Mali đã phải trả giá đắt cho tình trạng xung đột và chia rẽ phe phái, với số nạn nhân tăng 68% vào năm ngoái. Miền bắc Mali, vốn bất ổn kể từ năm 2012, tiếp tục hứng chịu các cuộc đụng độ giữa các nhóm vũ trang và quân đội. Nguy cơ khủng bố đã lan đến miền trung, nạn trộm cắp gia súc và tình trạng bất ổn lan rộng đe dọa sự tồn vong của nhiều cộng đồng nông thôn.

Theo báo cáo của IEP, một số quốc gia Tây Phi đang phải đối mặt tình trạng gia tăng các vụ tấn công khủng bố.

Xung đột vũ trang, nghèo đói, tội phạm có tổ chức, trong đó có nạn buôn bán ma túy, tạo ra mảnh đất màu mỡ để các nhóm khủng bố hoành hành. Vùng Sahel là minh chứng rõ ràng cho nhận định này, với sự gia tăng đáng lo ngại các vụ bắt cóc đòi tiền chuộc và cướp bóc. Không chỉ thiệt hại về người, ảnh hưởng tiêu cực của chủ nghĩa khủng bố còn được đo lường bằng hậu quả kinh tế nặng nề. Bất ổn chính trị, thiếu vốn đầu tư nước ngoài cản trở hoạt động kinh tế địa phương, gây thiệt hại tới hàng tỷ USD mỗi năm cho các quốc gia thuộc nhóm nghèo nhất thế giới. Một vòng luẩn quẩn gây phẫn nộ trong dân chúng, lại tạo cơ hội cho chủ nghĩa cực đoan trỗi dậy.

Tại nhiều quốc gia ở vùng cận Sahara của châu Phi, người dân đang gánh chịu hậu quả của xung đột khiến cuộc sống của họ như trong “địa ngục trần gian”. Tình trạng bất ổn dẫn đến sự gia tăng đáng báo động của các hoạt động khủng bố. Chỉ trong vài năm qua, châu Phi đã trở thành tâm điểm toàn cầu của chủ nghĩa khủng bố, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hàng triệu người dân, nhất là phụ nữ và trẻ em gái, những đối tượng dễ bị tổn thương trước bạo lực. Chủ nghĩa khủng bố, xung đột tàn phá một số quốc gia và làm đảo ngược các mục tiêu phát triển của các nước này. Trong khi đó, làn sóng thay đổi chính phủ theo cách vi hiến thách thức toàn bộ trật tự chính trị và pháp lý của khu vực, gây tổn hại tới phát triển xã hội.

Những thách thức an ninh đáng lo ngại đe dọa chủ quyền, toàn vẹn, an ninh và lợi ích cơ bản của tất cả các nước trong khu vực. Vùng Hồ Lớn của châu Phi đang chống chọi cuộc khủng hoảng an ninh ngày càng tồi tệ. Khu vực Sahel đối mặt với khoảng trống an ninh sau khi phái bộ Liên hợp quốc rút khỏi đây.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi thế giới khẩn trương hành động để ngăn chặn làn sóng khủng bố đang gia tăng ở châu Phi, mối nguy hiểm rõ ràng và hiện hữu không chỉ đối với Lục địa Đen mà với cả thế giới. Ông cho rằng, cách tiếp cận toàn diện và phát triển bền vững đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố.

Lãnh đạo Liên hợp quốc kêu gọi cộng đồng quốc tế sát cánh cùng châu Phi, đưa ra các giải pháp mới để xóa bỏ hoàn toàn chủ nghĩa khủng bố. Trong đó, cách tiếp cận toàn cầu kết hợp nỗ lực bảo đảm an ninh và phát triển kinh tế, tăng cường hợp tác và viện trợ phát triển là chìa khoá để giải quyết tận gốc bài toán an ninh đang đe dọa hòa bình và phát triển của châu Phi.