Phóng viên: Bà có thể cho biết, những vi phạm về an toàn lao động trong sử dụng lò hơi để sản xuất của Công ty Bình Minh?
Bà Nguyễn Thị Thu Hiền: Theo quy định của pháp luật, lò hơi là một trong những thiết bị phải kiểm định an toàn lao động nghiêm ngặt và phải đăng ký với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tại nơi công ty đóng chân. Sau khi được sự chấp thuận của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, doanh nghiệp mới được đưa lò hơi vào vận hành phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, bước đầu, qua kiểm tra tại Công ty Bình Minh, doanh nghiệp này chưa đăng ký sử dụng thiết bị an toàn lao động đối với lò hơi và cũng chưa có các giấy tờ kiểm định lò hơi.
Vụ nổ lò hơi khiến 6 người chết tại Đồng Nai: Tạm cấm xuất cảnh 7 người nước ngoài
Phóng viên: Một trong những giải pháp được lãnh đạo tỉnh Đồng Nai yêu cầu là tăng cường công tác thanh, kiểm tra về an toàn lao động tại các doanh nghiệp sau vụ nổ. Tuy nhiên, ở địa bàn được xem là “thủ phủ” công nghiệp của cả nước, thu hút rất nhiều doanh nghiệp nên sẽ không thể kiểm tra an toàn lao động hết tất cả các công ty. Vậy, để công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về an toàn lao động đạt kết quả cao cần phải làm như thế nào?
Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Đồng Nai Nguyễn Thị Thu Hiền. |
Bà Nguyễn Thị Thu Hiền: Đối với công tác thanh tra, kiểm tra thực sự không có sự phân loại, quản lý thì mình không thể kiểm tra được hết tất cả. Bởi, với số lượng nhân lực của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội và Phòng Lao động Thương binh xã hội các huyện, thành phố trong một năm chỉ kiểm tra được khoảng từ 100 đến 150 doanh nghiệp trong tổng số gần 42.000 doanh nghiệp ở Đồng Nai.
Sự rủi ro sẽ rất cao trong không bảo đảm công tác vệ sinh an toàn lao động cũng như các quyền lợi của người lao động. Do đó, chắc chắn thời gian tới có sự phân loại, phân định. Những năm trước đây, ngành xảy ra tai nạn lao động nhiều là xây dựng nên chúng tôi đã tập trung kiểm tra ngành này.
Tuy nhiên, qua vụ việc xảy ra ở Công ty Bình Minh, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ có sự phân loại nơi nguy cơ cao xảy ra tai nạn lao động nghiêm trọng để tiến hành phối hợp với các cơ quan, đơn vị thanh kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về an toàn lao động.
Phóng viên: Một thực tế đang xảy ra là bản thân ngành lao động địa phương cũng không nắm được số lượng lao động cụ thể ở từng doanh nghiệp, cho đến khi có vụ việc xảy ra hoặc kiểm tra mới biết. Vậy, đâu là nguyên nhân tình trạng này?
Bà Nguyễn Thị Thu Hiền: Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và đầu tư, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai hiện nay có gần 42.000 doanh nghiệp được cấp phép hoạt động. Tuy nhiên, việc sau cấp phép đi vào hoạt động như thế nào chưa có liên thông giữa các ngành. Sở Kế hoạch và Đầu tư đơn vị cấp phép, ngành thuế nơi đầu tiên doanh nghiệp buộc phải đăng ký, tiếp theo là Bảo hiểm xã hội khi tuyển lao động doanh nghiệp đăng ký để tham gia lao động. Thế nhưng, trong thực tế các ngành này và ngành lao động thương binh-xã hội chưa có một sự liên thông.
Vì vậy, xảy ra tình trạng rất nhiều công ty đi vào hoạt động với số lượng công nhân khá lớn nhưng Ủy ban nhân dân các huyện, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội cấp huyện không nắm được. Điều này, dẫn đến Sở Lao động-Thương binh và Xã hội chưa có thông tin, chỉ phát hiện ra lúc đi kiểm tra hoặc xảy ra các vụ việc.
Hiện trường vụ nổ lò hơi tại Công ty Bình Minh khiến 6 người chết. |
Phóng viên: Vậy, giải pháp như thế nào để quản lý chặt chẽ vấn đề này, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Thu Hiền: Sở Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp với các ngành tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai có chỉ đạo trong phối hợp giữa các đơn vị về thông tin doanh nghiệp, cũng như người lao động. Qua đó, bảo đảm hoạt động của các doanh nghiệp, quyền lợi của từng người công nhân và an toàn lao động theo đúng quy định của pháp luật.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn bà!