Chủ động phòng chống tai nạn đuối nước cho trẻ em

Tuy chưa đến dịp hè, nhưng tại nhiều địa phương trên cả nước liên tiếp xảy ra các vụ trẻ emđuối nước thương tâm, để lại những nỗi đau, mất mát cho gia đình và xã hội, nhất là vùng nông thôn, những nơi gần sông, suối. Mặc dù những hồi chuông cảnh báo đã gióng lên, nhưng dường như tai nạn đuối nước vẫn luôn chực chờ.
0:00 / 0:00
0:00
Một lớp dạy bơi, phòng chống đuối nước cho trẻ em tại Trung tâm Thể thao Olympia Hà Nội. (Ảnh TUỆ NGHI)
Một lớp dạy bơi, phòng chống đuối nước cho trẻ em tại Trung tâm Thể thao Olympia Hà Nội. (Ảnh TUỆ NGHI)

Ngày 7/4 vừa qua, một học sinh lớp 10 ở huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên cùng nhóm bạn ở xã Hòa Mỹ Tây (huyện Tây Hòa) rủ nhau đến Vực Phun để tắm, khi đang tắm, học sinh này bị đuối nước dẫn đến tử vong. Chiều 8/4, anh em sinh đôi (sinh năm 2019) là K.V và K.T đến chơi tại hồ nước dùng để tưới cà-phê trên địa bàn xã Ninh Gia, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng; đến tối cùng ngày, gia đình không thấy hai con về nhà nên đã cùng người dân trong xóm tỏa đi tìm.

Khoảng 22 giờ, người dân phát hiện hai cháu tử vong dưới hồ nước. Ngày 10/4, một nhóm học sinh Trường trung học cơ sở Đồng Hóa (huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình) rủ nhau ra tắm ở sông Gianh, đoạn chảy qua địa phận thôn Đại Sơn, xã Đồng Hóa. Khi đang tắm thì hai nữ sinh T.T.T.M và L.B.Tr (cùng sinh năm 2011), trú tại các thôn Đại Sơn và Đồng Phú, xã Đồng Hóa bất ngờ bị đuối nước. Phát hiện sự việc, một số bạn trong nhóm đã gọi người lớn đến cứu giúp, nhưng khi mọi người đến nơi thì hai nữ sinh này đã tử vong.

Đuối nước là kẻ giết người thầm lặng, mỗi năm cướp đi sinh mạng của hơn 2.000 trẻ em tại Việt Nam.

Nguyên nhân chủ yếu là do các em không biết bơi và chưa được trang bị đầy đủ các kỹ năng an toàn trong môi trường nước. Trong khi hiện nay, số lượng bể bơi chưa đáp ứng nhu cầu của trẻ, môn bơi lội chưa được đưa vào môn học chính thức trong nhà trường.

Theo chuyên gia Phòng Chăm sóc trẻ em (Cục Trẻ em, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), một trong những nguyên nhân xảy ra đuối nước là do trẻ em thiếu kiến thức, kỹ năng về phòng chống đuối nước; trẻ em thiếu sự giám sát của cha, mẹ và người chăm sóc; môi trường sống tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây đuối nước cho trẻ em; nhiều nơi nguy hiểm dễ gây đuối nước, nhưng không có biển cảnh báo, không có chỉ dẫn, không có người cảnh giới; người dân còn thiếu ý thức chấp hành các quy định an toàn về phòng chống đuối nước cho trẻ em; nhiều địa phương chưa quan tâm cũng như chưa bố trí kinh phí thực hiện công tác này.

Theo Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đặng Hoa Nam, tại Việt Nam, trung bình mỗi ngày có từ sáu đến bảy trẻ em dưới 15 tuổi tử vong do đuối nước.

Đuối nước là kẻ giết người thầm lặng, mỗi năm cướp đi sinh mạng của hơn 2.000 trẻ em tại Việt Nam. Thông thường, các vụ đuối nước trẻ em xảy ra tập trung vào những tháng hè, nhất là khi học sinh bước vào kỳ nghỉ hè. Do đó, trước mỗi dịp nghỉ hè, Cục Trẻ em đã có nhiều chương trình thông tin, khuyến nghị cha mẹ, những người chăm sóc trẻ tại gia đình và cơ sở nuôi dưỡng trẻ em nắm được các nguy cơ gây đuối nước và các biện pháp phòng chống đuối nước ở trẻ em.

Nhiều hoạt động về phòng chống đuối nước trẻ em đã được triển khai: Truyền thông, phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng chống tai nạn thương tích trẻ em; phát triển kỹ năng an toàn cho trẻ em: phối hợp các bộ, ngành chuẩn hóa bốn bộ tài liệu dạy bơi an toàn, dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước; triển khai dạy bơi, dạy kỹ năng an toàn tại các tỉnh có tỷ lệ tử vong do đuối nước cao; kiện toàn mạng lưới hướng dẫn viên dạy bơi, dạy kỹ năng an toàn; xây dựng môi trường sống an toàn tại gia đình, trường học và cộng đồng; nâng cao năng lực hỗ trợ cho cán bộ địa phương; tăng cường công tác liên ngành, kiểm tra, giám sát và hình thành mạng lưới phòng chống đuối nước trẻ em; tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế...

Để phòng chống tai nạn thương tích nói chung và đuối nước nói riêng, việc tăng cường quản lý học sinh dịp hè từ gia đình, nhà trường, xã hội là hết sức cần thiết. Một số mô hình phổ cập bơi từ thành thị cho đến nông thôn đang được các cấp, các ngành quan tâm triển khai. Từ các mô hình phổ cập bơi đã được triển khai cho thấy, cần có sự quan tâm, vào cuộc của các cấp, ngành, chính quyền địa phương và toàn thể người dân.

Để giảm đến mức thấp nhất số lượng trẻ em tử vong do đuối nước, nhất là trong dịp hè, các bộ, ngành, địa phương cần triển khai quyết liệt và hiệu quả các Chương trình của Chính phủ như: Chương trình Hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021-2030; Chương trình Phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030; các công điện, công văn của Ủy ban Quốc gia về trẻ em có nội dung về công tác phòng chống đuối nước trẻ em.

Bên cạnh đó, các ngành, địa phương cần thực hiện tốt các giải pháp: Tăng cường truyền thông, giáo dục, phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng chống đuối nước cho cha mẹ, trẻ em, học sinh và cộng đồng dân cư; phổ biến các tài liệu hướng dẫn, sản phẩm truyền thông đến từng người dân, hộ gia đình; rà soát các khu vực nước sâu, nguy hiểm có nguy cơ gây đuối nước để có biện pháp chủ động khắc phục, phòng ngừa, cảnh báo, cảnh giới; các địa phương cần quan tâm đầu tư nguồn lực để tăng độ bao phủ số trẻ em được dạy kỹ năng an toàn phòng chống đuối nước trẻ em, dạy bơi an toàn; huy động sự tham gia của cộng đồng trong công tác phòng chống đuối nước trẻ em bằng việc áp dụng các quy định, quy trình, các tiêu chuẩn, tiêu chí an toàn phòng chống tai nạn, thương tích trẻ em tại gia đình, trường học, cộng đồng, hướng dẫn về kỹ năng an toàn trong môi trường nước, dạy bơi an toàn cho trẻ em do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành; tạo các điểm vui chơi lành mạnh tại cộng đồng dân cư để thu hút, quản lý trẻ em với sự tham gia của ngành giáo dục, văn hóa, Đoàn thanh niên; tăng cường công tác phòng chống xâm hại trẻ em trong dạy bơi cho trẻ em; duy trì hệ thống thu thập thông tin, số liệu về tình hình đuối nước trẻ em, về số trẻ em bị tử vong do đuối nước tại địa phương. Báo cáo, phân tích kịp thời nguyên nhân các vụ việc trẻ em bị tử vong do đuối nước, kịp thời có các can thiệp, hỗ trợ, giải pháp khắc phục.