Tạo việc làm cho người cao tuổi trong bối cảnh già hóa dân số

Hiện Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất trên thế giới. Dự báo, nước ta chỉ mất khoảng 20 năm để tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên tăng từ 7% lên 14% dân số, đến năm 2038, nhóm người cao tuổi ở Việt Nam chiếm khoảng 20% dân số. Ðến năm 2050, Việt Nam sẽ tương đương với các nước có dân số già nhất như Nhật Bản, Hàn Quốc.
0:00 / 0:00
0:00
Một người cao tuổi ở huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh khởi nghiệp từ mô hình trồng rau sạch. (Ảnh CHÍ TÂM)
Một người cao tuổi ở huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh khởi nghiệp từ mô hình trồng rau sạch. (Ảnh CHÍ TÂM)

Vấn đề hướng nghiệp, đào tạo nghề, tạo việc làm cho người cao tuổi trong bối cảnh Việt Nam bước vào giai đoạn già hóa dân số hiện nay đang được đặt ra như một nhiệm vụ cấp bách, để vừa bảo đảm quyền làm việc, đóng góp cho xã hội của người cao tuổi, vừa tận dụng được kinh nghiệm của lực lượng lao động đặc biệt này, góp phần bảo đảm mục tiêu an sinh xã hội của đất nước...

Thách thức trong tạo sinh kế cho người cao tuổi

Theo báo cáo của Diễn đàn sinh kế và khởi nghiệp đối với người cao tuổi năm 2020, phần lớn người cao tuổi nước ta có cuộc sống khó khăn, thu nhập thấp, không ổn định hoặc không có thu nhập, sống phụ thuộc vào con cháu. Trong đó, khoảng 70% người cao tuổi ở Việt Nam sống tại khu vực nông thôn là nông dân và làm nông nghiệp; hơn 70% người cao tuổi không có tích lũy vật chất và chỉ có chưa đầy 30% người cao tuổi sống bằng lương hưu hay trợ cấp…

Việc tạo cơ hội việc làm và cải thiện quyền lợi cho người cao tuổi trong bối cảnh dân số đang ngày càng già hóa đang là thách thức đối Việt Nam, cần có những giải pháp tổng thể từ Chính phủ để chuẩn bị các điều kiện thích ứng với già hóa dân số; sự hợp tác của các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội... tạo môi trường thuận lợi cho người cao tuổi tiếp tục tham gia vào lực lượng lao động.

Hiện nay, khi bước vào giai đoạn tuổi cao, người lao động trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được nghỉ hưu; những người làm việc trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp..., tuy giảm sút về thể lực, nhưng nhiều người còn đủ sức khỏe, trí tuệ, kinh nghiệm, có nhu cầu khởi nghiệp, học nghề để chuyển đổi sang việc làm mới phù hợp hơn.

Tuy nhiên, trong thực tế, với người lao động từ 60 tuổi trở lên, công việc họ tìm được chủ yếu là bảo vệ, giúp việc gia đình, chăm sóc người già..., phần lớn người cao tuổi hiện nay đang tham gia lao động với vị thế của lao động dễ tổn thương, trong đó người cao tuổi phụ nữ và người cao tuổi nông thôn có tỷ lệ cao hơn các nhóm còn lại. Nhiều người cao tuổi có khả năng, kinh nghiệm, muốn đầu tư sản xuất, kinh doanh nhưng lại thiếu vốn...

Hiện nay, nhiều cơ sở đào tạo, cũng như nhiều doanh nghiệp chưa mặn mà với việc đào tạo cũng như tiếp nhận người lao động là người cao tuổi. Việc thiếu các dịch vụ hỗ trợ tư vấn tìm kiếm ngành nghề và nơi tổ chức đào tạo phù hợp cũng gây khó khăn cho người cao tuổi.

Ðào Trọng Ðộ, Vụ trưởng Ðào tạo thường xuyên (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội)

Bên cạnh đó, người cao tuổi cũng phải đối mặt với vấn đề sức khỏe, thiếu kỹ năng, không đáp ứng được yêu cầu công việc cho một số ngành nghề..., đây cũng là những yếu tố gây khó khăn cho người cao tuổi trong công tác đào tạo nghề và làm việc.

Có thể thấy, tại Việt Nam, mặc dù các trung tâm giới thiệu việc làm có ở khắp các tỉnh, thành phố, nhưng những trung tâm việc làm dành riêng cho người cao tuổi lại chưa có. Việc thiếu các thông tin tuyển dụng, thiếu các thông tin về việc làm cũng như thiếu các chính sách cụ thể nhằm khuyến khích việc làm cho người cao tuổi cũng là một thách thức trong quá trình tạo việc làm, ổn định cuộc sống và tăng thu nhập cho người cao tuổi.

Ngoài ra, Việt Nam cũng chưa có các quy định cụ thể hay các chương trình khuyến khích, cho phép người cao tuổi tham gia vào các công việc có trả lương phù hợp với nhu cầu, như giờ làm việc linh hoạt hoặc rút ngắn thời gian làm việc trong ngày. Người cao tuổi thường làm việc trong khu vực phi chính thức, các công việc lao động tự do hoặc làm các công việc gia đình không được trả lương... Việc thiếu các quy định đã làm hạn chế cơ hội tham gia vào khu vực chính thức của người cao tuổi, đồng nghĩa với việc hạn chế cơ hội tạo việc làm, bảo đảm sinh kế và nâng cao thu nhập cho người cao tuổi.

Cần các giải pháp về đào tạo nghề, tạo việc làm cho người cao tuổi

Trưởng phòng Người cao tuổi (Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) Phạm Ðại Ðồng cho rằng: Không phải tất cả người cao tuổi đều cần chính sách hỗ trợ về sinh kế, nhất là những người cao tuổi làm chủ doanh nghiệp, có nguồn thu nhập cao, ổn định; nhưng đối với nhóm người cao tuổi còn khả năng tham gia hoạt động kinh tế, cần có thu nhập để bảo đảm cuộc sống và thực hiện quyền sống độc lập, như: người cao tuổi có thu nhập thấp, người cao tuổi thuộc diện nghèo, đơn thân, người cao tuổi ở các xã đặc biệt khó khăn..., thì Nhà nước cần phải có chính sách hỗ trợ về sinh kế cụ thể cho họ.

Theo đó, cần có các chính sách vay vốn với lãi suất ưu đãi, không phải thế chấp tài sản và có sự bảo lãnh của Hội Người cao tuổi cấp xã để sản xuất, kinh doanh quy mô vừa và nhỏ; có chính sách miễn giảm phí học nghề để chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp tình hình thực tế của địa phương nơi người cao tuổi cư trú; chính sách miễn giảm phí chuyển giao công nghệ, khuyến khích hỗ trợ ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ mới trong sản xuất, kinh doanh.

Nhà nước cũng cần cung cấp cơ hội đào tạo lại cho người cao tuổi để họ được nâng cao tay nghề và kỹ năng mới giúp họ có khả năng cạnh tranh trong tìm việc làm ở thị trường lao động mới; đồng thời, thiết lập các trung tâm giới thiệu việc làm cho lao động cao tuổi để họ tiếp cận và nhận được sự hỗ trợ tìm việc làm; bảo đảm môi trường làm việc thuận lợi và bình đẳng cho người cao tuổi.

Bên cạnh đó, cần tổ chức hiệu quả các chương trình, dự án, hoạt động hỗ trợ tạo việc làm thông qua Quỹ quốc gia về việc làm và các nguồn ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội lồng ghép chính sách việc làm cho người cao tuổi trong các chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội; đa dạng hóa các hoạt động giao dịch việc làm, hướng tới tổ chức các hoạt động giao dịch việc làm phù hợp cho người cao tuổi ở cơ sở...

Theo thống kê, tính đến cuối năm 2023, cả nước có khoảng 2,7 triệu người cao tuổi hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, chiếm hơn 20% trong tổng số người cao tuổi. Trong đó 60% người cao tuổi trong độ tuổi 60-69 đang tiếp tục làm việc; khoảng 40-45% người cao tuổi (trong đó có người lao động sau nghỉ hưu) tham gia hoạt động kinh tế, có khoảng 3-4% là chủ các doanh nghiệp, các trang trại trồng trọt, chăn nuôi đã và đang tạo ra hàng triệu việc làm cho người lao động ở khắp vùng, miền trong cả nước. Bên cạnh đó, còn hàng chục nghìn người cao tuổi (trong đó có người lao động sau nghỉ hưu) tham gia các hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, giảng dạy, hoạt động văn hóa, nghệ thuật...