Hiện, vẫn còn 4 tỉnh thuộc khu vực miền núi phía bắc, có tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới dưới 30%; 5 tỉnh chưa có đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Để các địa phương này sớm đạt chuẩn nông thôn mới rất cần sự hỗ trợ cả về chính sách lẫn kinh phí từ Nhà nước và sự đồng lòng từ phía người dân.
Bài 1: Nông thôn mới nơi vùng quê nghèo
Xây dựng nông thôn mới theo các tiêu chí, nội dung trong Chương trình mục tiêu quốc gia đối với những địa phương có điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất, hạ tầng, kinh tế... đã khó; đối với vùng sâu, vùng xa-những nơi được xem là có xuất phát điểm thấp, việc xây dựng nông thôn mới lại càng gian nan hơn.
Cuộc sống khó khăn, cơ sở vật chất lạc hậu khiến nhiều bà con không dám nghĩ tới xây dựng nông thôn mới. Đối với nhiều người dân, việc mưu sinh được họ quan tâm hơn việc xây dựng làng, xã.
Xuất phát điểm thấp
Bảo Lâm là một trong những huyện gặp nhiều khó khăn trong xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Cao Bằng. Mặc dù có nhiều nỗ lực và có sự đồng thuận tham gia của người dân, nhưng đến nay, huyện Bảo Lâm chưa có xã, chưa có xóm đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân số tiêu chí nông thôn mới tại huyện đạt 6,75 tiêu chí/xã, trong đó, cao nhất có xã Yên Thổ đạt 9/19 tiêu chí.
Lý giải nguyên nhân huyện còn khó khăn trong xây dựng nông thôn mới, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đặng Văn Bận chia sẻ, huyện Bảo Lâm có diện tích rộng, địa hình hiểm trở, giao thông khó khăn, nhu cầu nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng lớn.
Những năm gần đây, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước cho huyện khá lớn, nhưng chưa tương xứng với nhu cầu và thực tiễn nên nhiều xã, nhiều xóm chưa đạt tiêu chí về hạ tầng cơ sở.
Tại tỉnh Yên Bái, nhiều huyện, xã trong tỉnh có điều kiện kinh tế khó khăn, kết cấu cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, thu nhập của người dân còn thấp, dẫn đến việc kết hợp các nguồn lực, trong đó có xã hội hóa xây dựng nông thôn mới không thể triển khai.
Đặc biệt, tại các huyện vùng cao như Trạm Tấu, Mù Cang Chải, địa bàn rộng, dân cư thưa thớt, thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai và biến đổi khí hậu gây thiệt hại lớn về người, tài sản nên việc thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới vốn đã khó lại càng khó hơn.
Hiện, vẫn còn 4 tỉnh thuộc khu vực miền núi phía bắc, có tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới dưới 30%; 5 tỉnh chưa có đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Để các địa phương này sớm đạt chuẩn nông thôn mới rất cần sự hỗ trợ cả về chính sách lẫn kinh phí từ Nhà nước và sự đồng lòng từ phía người dân.
Thực tế cho thấy, nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới đang là bài toán khó của nhiều địa phương khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa của cả nước.
Tuy nhiên, ở mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ, lại có những nút thắt riêng cần được tháo gỡ. Các địa phương tại tỉnh Cao Bằng, Yên Bái xoay xở với bài toán về vốn, thì tại tỉnh Sơn La, những khó khăn về cơ chế lồng ghép các nguồn vốn, bộ tiêu chí đánh giá và bộ máy giúp việc từ cấp tỉnh đến cơ sở cũng được xem là “kỳ đà cản mũi” nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Tỉnh Sơn La có 188 xã thì 126 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 861/QĐ-TTg. Tuy nhiên, việc áp dụng Bộ tiêu chí gần như giống nhau (về tiêu chí thu nhập, hộ nghèo, văn hóa, môi trường) đã khiến cho các xã vùng III (vùng đặc biệt khó khăn) khó triển khai và khó đạt chuẩn nông thôn mới.
Theo ghi nhận của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, đứng trước những yêu cầu ngày càng cao về chất lượng đạt chuẩn của xã nông thôn mới, những xã đặc biệt khó khăn vốn đã gặp nhiều bất lợi về điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội, có xuất phát điểm rất thấp, sẽ tiếp tục gặp nhiều thách thức trong mục tiêu phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới trong giai đoạn 2021-2025.
Nỗ lực vươn lên
Trước thực tế khó khăn đó, bằng nhiều cách làm khác nhau, các địa phương từ chỗ không có tiêu chí nào đến nay đạt một số tiêu chí.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh cho biết, địa phương đã yêu cầu các cấp, ngành đồng bộ thực hiện các giải pháp đẩy mạnh tiến độ thực hiện xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Trong đó, các đơn vị cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, xác định rõ xây dựng nông thôn mới là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và nhân dân.
Các ngành, địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; phối hợp xây dựng, phát triển các mô hình sản xuất, phát triển sản phẩm OCOP gắn với thị trường tiêu thụ, từng bước cải thiện và nâng cao thu nhập của người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo nhanh và bền vững.
Nhờ tập trung rà soát hiện trạng xây dựng nông thôn mới ở từng xã, từng xóm, đồng thời xây dựng kế hoạch chi tiết củng cố, hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới theo hướng hiệu quả, thực chất, vì lợi ích của người dân, từ năm 2021 đến nay, từ nguồn xã hội hóa của huyện, của xã đã huy động được hơn 2 tỷ đồng mua xi-măng, bột đá để đổ bê-tông được hơn 20km đường liên xóm rộng hơn 1m, tạo thuận lợi cho người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa, vật tư phát triển sản xuất, từng bước đạt tiêu chí về đường giao thông nông thôn.
Đi từ những tiêu chí dễ làm, dễ triển khai, lồng ghép các nguồn lực cho mục tiêu cao nhất là hoàn thành nông thôn mới cũng là cách làm hay được tỉnh Cao Bằng thực hiện.
Để mở rộng đường giao thông nông thôn và giải bài toán về hạ tầng cơ sở, từ năm 2021 đến nay, người dân đã hiến gần 221.000 m2 đất, đóng góp gần 74 nghìn ngày công lao động xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng qua các nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ và phát huy nội lực.
Đến nay, tại địa phương không còn gia đình ở trong nhà tạm, nhà dột nát; 91% gia đình được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; thông qua thực hiện các mô hình phát triển sản xuất, thu nhập bình quân đạt 35 triệu đồng/người/năm...
Ông Phùng Văn Hén, xóm Nà Ảng, xã Vân Trình, huyện Thạch An chia sẻ: Được cán bộ xã, cán bộ xóm tuyên truyền, vận động, gia đình tôi đã hiến 700 m2 đất để mở rộng đường liên xóm, giúp mọi người đi lại thuận tiện, dễ dàng.
Bức tranh xây dựng nông thôn mới ở những địa phương vùng sâu, vùng xa đã có một số “điểm sáng”, cho thấy nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đã đi đúng hướng và cần có những giải pháp cụ thể cho chặng đường tiếp theo xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.
Lãnh đạo các địa phương tại ba tỉnh Cao Bằng, Yên Bái và Sơn La cho biết, việc tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người dân và thay đổi bộ mặt nông thôn theo hướng khang trang, sạch đẹp, hiện đại… chính là nhiệm vụ cần phải thực nghiêm túc và nhanh nhất có thể, nhằm đem lại kết quả cao nhất.
( Còn nữa)