Phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trong năm 2024

Sau hơn ba năm triển khai Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025, thành phố Hà Nội đã hoàn thành 13 chỉ tiêu.
0:00 / 0:00
0:00
Huyện Đan Phượng đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn.
Huyện Đan Phượng đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn.

Năm 2024, Hà Nội đặt mục tiêu hoàn thành xây dựng nông thôn mới.

Theo Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, từ năm 2021 đến nay, tổng kinh phí huy động thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới là 75.755 tỷ đồng; trong đó, ngân sách thành phố chi hơn 27.710 tỷ đồng, ngân sách huyện chi gần 40.700 tỷ đồng, ngân sách xã chi gần 2.780 tỷ đồng và vốn huy động ngoài ngân sách hơn 4.560 tỷ đồng.

Ngoài ra, tám quận đã hỗ trợ các huyện hơn 830 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới… Nhờ nguồn lực đầu tư rất lớn này, đến nay, toàn bộ 18 huyện, thị xã trên địa bàn thành phố đạt chuẩn huyện nông thôn mới. Bốn huyện Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì và Hoài Đức đã được Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia thành phố đồng ý đề nghị Trung ương xét, công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023. Toàn bộ 382 xã trên địa bàn thành phố đạt chuẩn nông thôn mới, 172 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 65 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Thành phố đã đánh giá được 1.657 sản phẩm OCOP; phát triển gần 1.500 hợp tác xã nông nghiệp, gần 1.640 trang trại; công nhận 327 làng nghề, làng nghề truyền thống. Thành phố hoàn thành 13 chỉ tiêu của cả giai đoạn đến năm 2025, trong đó có nhiều chỉ tiêu khó thực hiện như 100% số xã, 100% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới; tăng trưởng sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản từ 2,5-3%…

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai Chương trình số 04 vẫn còn một số hạn chế về công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch; quản lý xây dựng, đất đai, vệ sinh môi trường. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, thực hiện Chương trình số 04, năm 2024 thành phố phấn đấu có thêm sáu chỉ tiêu hoàn thành. Cụ thể, về xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, thành phố đặt mục tiêu đến hết năm 2025 có 80 xã, thì đến hết năm 2023 đã đạt 68 xã. Năm 2024, các huyện đăng ký 39 xã nông thôn mới kiểu mẫu, nếu 39 xã này hoàn thành các tiêu chí, thì thành phố sẽ vượt mục tiêu đề ra.

Về huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, mục tiêu đặt ra đến năm 2025 có năm huyện đạt chuẩn, thì đến hết năm 2024 dự kiến có bảy huyện, trong đó có bốn huyện đã được Hội đồng thành phố thông qua, trình Trung ương. Đáng chú ý, thành phố Hà Nội cũng sẽ phấn đấu hoàn thiện hồ sơ để được Chính phủ công nhận thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2024.

Phát biểu tại Hội nghị giao ban về kết quả thực hiện chương trình quý I/2024 Ban Chỉ đạo Chương trình số 04, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến nhấn mạnh, Chương trình số 04 là một trong 10 chương trình công tác trọng tâm của Thành ủy (khóa 17). Các địa phương, đơn vị cần nỗ lực để hoàn thành sớm các mục tiêu của chương trình ngay trong năm 2024, góp phần hoàn thành những mục tiêu, nhiệm vụ của Thủ đô năm 2024 và cả nhiệm kỳ.

Để hoàn thành mục tiêu năm 2024, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp các sở, ngành của thành phố và bốn huyện Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức phấn đấu trong tháng 5/2024 được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Về việc phát triển ngành nghề trong khu vực nông thôn, đồng chí Nguyễn Thị Tuyến đề nghị các sở, ngành, địa phương tiếp tục triển khai các chương trình đầu tư phát triển hạ tầng, phát triển các làng nghề để khai thác được lợi thế của 327 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được thành phố công nhận.

Các cấp, các ngành và địa phương tiếp tục hỗ trợ giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, trong đó có hỗ trợ nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, các quỹ của các đoàn thể để giúp người dân đầu tư mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.