Đảng viên “đi đầu, bước trước” trong xây dựng nông thôn mới

Sau 13 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay, tất cả xã ở Hà Tĩnh đã được công nhận đạt chuẩn, trong đó có 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và 60 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Kết quả đáng ghi nhận này có được từ nỗ lực không ngơi nghỉ của các tầng lớp nhân dân và vai trò chỉ đạo, điều hành, thực hiện của đội ngũ cán bộ, đảng viên trên địa bàn.
0:00 / 0:00
0:00
Lãnh đạo Đảng ủy xã Thạch Châu và chi bộ thôn Bằng Châu kiểm tra một mô hình sản xuất hữu cơ ở xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà.
Lãnh đạo Đảng ủy xã Thạch Châu và chi bộ thôn Bằng Châu kiểm tra một mô hình sản xuất hữu cơ ở xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà.

Tại thôn Hữu Ninh, xã Thạch Mỹ, huyện Lộc Hà, đơn vị thi công đã hoàn thành việc đào, đắp kết cấu tuyến đường, cống thoát nước và chuẩn bị thảm những mét nhựa các-bon đầu tiên trên trục đường TX 07 nối liền hai xóm Hữu Ninh và Hà Ân (Thạch Mỹ). Đồng chí Phan Anh Tuấn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Thạch Mỹ cho biết: Tuyến đường trục xã TX 07 có chiều dài hơn 2,2 km, đã xuống cấp từ 6, 7 năm nay, ảnh hưởng đến việc đi lại, cuộc sống của bà con nhân dân. Mặc dù chính quyền địa phương nhiều lần xây dựng phương án đầu tư, nâng cấp tuyến đường, song vì nhiều lý do khác nhau, đến giữa năm 2023, tuyến đường này mới có quyết định phê duyệt dự án đầu tư.

Theo đồng chí Phan Thành Chung, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Lộc Hà, trưởng đoàn công tác của Ban Thường vụ Huyện ủy tại xã Thạch Mỹ, nguyện vọng nâng cấp tuyến đường của người dân là chính đáng, trong điều kiện ngân sách xã có hạn, vấn đề xây dựng phương án huy động nguồn lực cần phải có sự chung tay, góp sức của các phòng, ban chức năng, nhất là nguồn lực của cấp huyện. “Với vai trò của một thường vụ huyện ủy, tôi đã mời đại diện lãnh đạo các phòng, ban chức năng của cấp huyện, cùng về khảo sát, nắm bắt tình hình và “hiến kế” để xã Thạch Mỹ tìm ra phương án huy động nguồn lực hiệu quả nhất”, đồng chí Phan Thành Chung kể.

Theo chia sẻ của các đồng chí lãnh đạo địa phương, sau khi xác định được nguồn vốn, dự toán chi phí xây dựng thấy rằng, nguồn vốn được cấp có thẩm quyền phê duyệt triển khai dự án mới bảo đảm được chi phí xây lắp, còn nguồn lực giải phóng mặt bằng chính quyền xã phải tự lo. “Nhận nhiệm vụ giải phóng mặt bằng trong điều kiện nguồn ngân sách xã hạn hẹp, được sự gợi ý của đoàn công tác huyện ủy, Ban Thường vụ Đảng ủy xã đã “lên dây cót” tinh thần, xây dựng phương án vận động người dân hiến đất, hiến tài sản mở đường”, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Thạch Mỹ nhớ lại.

Trưởng thôn Hà Ân, Lê Tiến Sỹ cho biết, qua công tác nắm bắt dư luận, phần lớn hộ dân nằm trong diện ảnh hưởng dự án đều đồng ý tự nguyện hiến đất, di dời tài sản. Tuy vậy, cũng có những hộ dân còn băn khoăn, dùng dằng về việc hiến đất, mở đường. Thấy được tình hình đó, Chi ủy, Ban công tác mặt trận thôn đã thông báo rộng rãi quy mô, phương án thiết kế và phương thức huy động nguồn lực xây dựng tuyến đường để người dân cùng biết và đóng góp ý kiến.

Quá trình thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, bản thân các đồng chí bí thư chi bộ, thôn trưởng và các đảng viên thuộc diện phải thực hiện giải phóng mặt bằng đã tiên phong, tự nguyện thông báo, thực hiện việc hiến đất, di dời tài sản để mở đường cho người dân biết và làm theo. Nhờ đó, công tác giải phóng mặt bằng được thực hiện nhanh gọn, bảo đảm kịp tiến độ dự án.

Đến xã Thạch Châu (huyện Lộc Hà), địa phương vừa được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, được Phó Bí thư Đảng ủy Lê Thị Tường Vy dẫn đi thăm các khu dân cư thông minh, mô hình sản xuất mới, qua các tuyến đường trục thôn, ngõ thảm nhựa bên hàng cây xanh được cắt tỉa cẩn thận. Đồng chí Lê Thị Tường Vy cho biết, nếu không có sự chỉ đạo quyết liệt, liên tục thì diện mạo nông thôn mới Thạch Châu sẽ không được bề thế như ngày hôm nay.

“Do xã đạt chuẩn từ sớm, cho nên có những thời điểm, một bộ phận cán bộ, người dân tỏ ra thỏa mãn, bằng lòng với kết quả đạt được cho nên phong trào xây dựng nông thôn mới có khi bị chùng xuống. Nhận diện được tình hình đó, ngoài việc ban hành nghị quyết, xây dựng chiến lược, lộ trình tổng thể của giai đoạn, hằng năm, Ban Chấp hành Đảng bộ xã còn xây dựng riêng một nghị quyết chuyên đề về xây dựng nông thôn mới.

Bám sát nghị quyết, Ủy ban nhân dân xã cùng Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị, xã hội đã xây dựng đề án, kế hoạch cho từng phần việc, tiêu chí cụ thể của mỗi tháng, mỗi quý, từ đó phân công cán bộ phụ trách, tập trung lãnh đạo, thực hiện theo đường găng tiến độ đã đề ra. Với cách làm này, 12 năm qua, địa phương đã huy động được gần 300 tỷ đồng từ các “kênh” khác nhau để xây dựng nông thôn mới. Chỉ tính riêng hai năm xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu (2021-2023), xã đã huy động khoảng 90 tỷ đồng “nâng chất” các tiêu chí; trong đó, ngân sách xã và người dân đóng góp chiếm 82%.

Bí thư Huyện ủy Lộc Hà Nguyễn Thế Hoàn cho biết, xây dựng nông thôn mới là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, gắn với vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Quá trình thực hiện phải có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên sâu sát, quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền, sự tham gia tích cực và phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể; tăng cường kỷ luật, kỷ cương và trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên trong tổ chức thực hiện. Từ đó, lựa chọn những nội dung trọng tâm, trọng điểm gắn với lợi ích thiết thực của người dân, cộng đồng để thực hiện chương trình; ngân sách nhà nước chủ yếu mang tính hỗ trợ, kích hoạt để dẫn dắt cơ sở, người dân thực hiện; phân cấp, trao quyền chủ động cho cơ sở, người dân và cộng đồng trong quá trình thực hiện...

Phó Chánh Văn phòng điều phối Nông thôn mới Hà Tĩnh Ngô Đình Long cho biết thêm, quá trình thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới ở Hà Tĩnh luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm, chỉ đạo sát sao. Đội ngũ cán bộ, đảng viên trên địa bàn đã thực hiện tốt vai trò “đi đầu, bước trước”, ngoài việc tiên phong, gương mẫu thực hiện nghĩa vụ với địa phương, cộng đồng dân cư, các đồng chí cán bộ, đảng viên thường xuyên đôn đốc, tuyên truyền, hướng dẫn người dân tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Đi kèm với đó là những kế hoạch được xây dựng cụ thể, sát thực tiễn, có lộ trình phù hợp, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm nhiệm vụ đề ra.