Phát triển hạ tầng khu công nghiệp để thúc đẩy tăng trưởng

NDO -

Để thu hút các nguồn lực cho giai đoạn phát triển mới của đất nước, Việt Nam cần chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để đón nhận dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chất lượng cao cũng như tranh thủ được các nguồn đầu tư trong nước. Tiến sĩ Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Đầu tư nước ngoài, Chủ tịch Ban chấp hành lâm thời Liên Chi hội Tài chính Khu công nghiệp đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân về vấn đề này.

0:00 / 0:00
0:00
Tiến sĩ Phan Hữu Thắng
Tiến sĩ Phan Hữu Thắng

Vẫn thiếu vắng khu công nghiệp sinh thái

Phóng viên: Nhu cầu mặt bằng sạch cho phát triển các dự án đầu tư trong thời gian tới rất lớn, nhất là đối với các ngành công nghiệp mới, các dự án sản xuất xanh. Ông đánh giá thế nào về hiện trạng khu công nghiệp, khu chế xuất tại Việt Nam hiện nay?

Tiến sĩ Phan Hữu Thắng: Kể từ khi khu chế xuất đầu tiên được thí điểm thành lập tại Việt Nam (khu chế xuất Tân Thuận) năm 1991, đến nay hệ thống khu kinh tế, khu công nghiệp đã phát triển rộng trên khắp 61 địa phương trong cả nước.

Tính đến năm 2023, các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn cả nước đã tạo việc làm cho khoảng 4,15 triệu lao động trực tiếp, trong đó tập trung chủ yếu tại các vùng Đông Nam Bộ và vùng đồng bằng sông Hồng, chiếm lần lượt 41,3% và 30,3% số lao động làm việc trong khu công nghiệp trên cả nước.

Tiến sĩ Phan Hữu Thắng

Hệ thống khu kinh tế, khu công nghiệp (gọi chung là khu công nghiệp) đã đóng góp tích cực cho quá trình phát triển của đất nước.

Các khu công nghiệp thu hút khoảng 40% trong tổng vốn FDI tăng thêm mỗi năm, khơi dậy và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực trong nước, bổ sung nguồn vốn quan trọng cho đầu tư phát triển.

Bên cạnh đó, hệ thống khu công nghiệp có đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước, tạo việc cho người lao động...

Qua đó góp phần đẩy mạnh các ngành công nghiệp phát triển, gia tăng kim ngạch xuất khẩu, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế, mở rộng thị trường quốc tế và chuyển đổi không gian phát triển.

Tính đến năm 2023, các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn cả nước đã tạo việc làm cho khoảng 4,15 triệu lao động trực tiếp, trong đó tập trung chủ yếu tại các vùng Đông Nam Bộ và vùng đồng bằng sông Hồng, chiếm lần lượt 41,3% và 30,3% số lao động làm việc trong khu công nghiệp trên cả nước.

Trung bình 1 ha đất đã cho thuê trong khu công nghiệp tạo việc làm cho khoảng 82 lao động. Hệ thống khu công nghiệp còn góp phần thúc đẩy mối quan hệ ngoại giao, kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam, thu hút được sự quan tâm của nhiều đối tác kinh tế...

Phóng viên: Bên cạnh những đóng góp quan trọng đó, sự phát triển của khu công nghiệp cũng đang bộc lộ những hạn chế, bất cập gì, thưa ông?

Tiến sĩ Phan Hữu Thắng: Những bất cập, hạn chế trong quá trình phát triển, quản lý hệ thống các khu công nghiệp hiện nay cũng đã được nhận diện. Đó là mô hình phát triển khu công nghiệp còn chậm đổi mới; vẫn thiếu vắng các khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp đô thị-dịch vụ...

Quy hoạch phát triển khu công nghiệp thiếu tầm nhìn tổng thể và dài hạn trong mối tương quan với các ngành kinh tế-xã hội khác. Hạ tầng xã hội, nhà ở công nhân còn thiếu, chưa gắn kết, đồng bộ với phát triển khu công nghiệp. Tuy Nhà nước đang tập trung giải quyết các bài toán về nhà ở cho người lao động trong các khu công nghiệp và nhà ở xã hội nói chung, nhưng bài toán này vẫn chưa thể giải xong một sớm một chiều.

Thể chế, chính sách về khu công nghiệp thiếu tính ổn định, chưa thống nhất, đồng bộ và chưa có sự đột phá để phát huy vai trò và đóng góp của khu công nghiệp. Các quy định và định hướng phát triển khu công nghiệp đã được ban hành nhưng nằm rải rác trong rất nhiều văn bản pháp quy khác trong các bộ luật liên quan, rất khó cho công tác thực hiện.

Cùng với đó, thủ tục hành chính cần được hoàn thiện hơn nữa mới có thể thúc đẩy nhanh việc phát triển các loại hình khu công nghiệp có hiệu quả cao theo đúng định hướng phát triển kinh tế xanh và công nghệ cao đặt ra cho giai đoạn tới.

Những bất cập đó đang gây không ít khó khăn trong quá trình đầu tư, xây dựng và phát triển khu công nghiệp, nhất là việc phát triển khu công nghiệp theo mô hình mới.

Nhà nước là “bà đỡ” để doanh nghiệp rót vốn đầu tư

Phóng viên: Theo ông, cần điều kiện gì để thúc đẩy việc xây dựng hình thành các khu công nghiệp mới cũng như phát huy hiệu quả hoạt động của các khu công nghiệp trong thời gian tới?

Tiến sĩ Phan Hữu Thắng: Việt Nam đang bước vào một giai đoạn mới, đòi hỏi phải đổi mới toàn diện và mạnh mẽ để trở thành một đất nước phát triển và hiện đại, vượt qua bẫy thu nhập trung bình, tránh tụt hậu so với các quốc gia trong khu vực.

Điều này đặt ra yêu cầu phải tiếp tục đổi mới và hoàn thiện hơn nữa thể chế, chính sách và điều chỉnh mục tiêu, định hướng phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế để thích ứng với bối cảnh mới, góp phần thực hiện chiến lược phát triển đất nước.

Có rất nhiều các yếu tố cần và đủ để phát triển khu công nghiệp bền vững, đóng góp nhiều hơn nữa cho quá trình phát triển kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng. Nhưng theo tôi, để phát triển được một khu công nghiệp hoàn chỉnh, hiện đại theo đúng định hướng cần có 4 yếu tố: Chế, tâm, tầm, tài.

Theo tôi, để phát triển được một khu công nghiệp hoàn chỉnh, hiện đại theo đúng định hướng cần có 4 yếu tố: Chế, tâm, tầm, tài.

Tiến sĩ Phan Hữu Thắng

Chế là cơ chế quản lý nhà nước, bao gồm cả định hướng phát triển, hệ thống luật pháp chính sách và các quy định về quản lý hành chính đối với các thủ tục hành chính cần thực hiện;

Tâm là bên cạnh lợi ích của mình, doanh nghiệp, nhà đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp cần thực hiện tốt nhất các nghĩa vụ đối với nhà nước, đối với người lao động với trách nhiệm xã hội cao;

Tầm là tầm nhìn của người lãnh đạo doanh nghiệp khi đánh giá và bao quát, nhận diện được xu hướng phát triển chung và tìm ra được cách tiếp cận xử lý phù hợp, hiệu quả nhất.

Tài là nguồn tài chính, là nguồn vốn đầu tư;

Phóng viên: Trong 4 yếu tố đó, điều gì là quan trọng nhất, thưa ông?

Tiến sĩ Phan Hữu Thắng: Trong 4 yếu tố cần có để đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp, về phía Nhà nước chỉ có một chữ “chế”. Đó là yêu cầu phải hoàn thiện cơ chế quản lý và phát triển khu công nghiệp, điều này rất quan trọng và có ý nghĩa như “bà đỡ” cho sự phát triển của cả hệ thống khu công nghiệp.

3 yếu tố còn lại, đều ở phía doanh nghiệp. Như vậy có thể nói về cơ bản, phát triển một khu công nghiệp có thành công hay không phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp, doanh nhân, chủ đầu tư là chính.

Sự phát triển hệ thống khu công nghiệp Việt Nam phụ thuộc chủ yếu vào sự phát triển và đóng góp của doanh nghiệp, trên nguyên tắc tận dụng tối đa nguồn vốn bên ngoài hướng đến chất lượng đầu tư và bảo vệ quốc phòng, an ninh quốc gia.

Xin trân trọng cảm ơn ông!