“Đòn bẩy” cho nông nghiệp phát triển bền vững

Kỳ 2: Mở rộng mô hình hợp tác xã ứng dụng công nghệ thông minh

Theo ước tính, khoa học công nghệ đã đóng góp khoảng hơn 35% vào thành công trong sản xuất nông nghiệp ở nước ta thời gian qua. Con số này cho thấy, phát triển nông nghiệp công nghệ cao được xem là xu thế tất yếu trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, để việc ứng dụng công nghệ thông minh trở nên phổ biến hơn cần phải có sự hỗ trợ của các cơ quan nhà nước, cũng như sự nỗ lực của người dân…

0:00 / 0:00
0:00
Hệ thống tưới nước tự động tại Hợp tác xã Bưởi da xanh Giồng Trôm (Bến Tre).
Hệ thống tưới nước tự động tại Hợp tác xã Bưởi da xanh Giồng Trôm (Bến Tre).

Làm chủ công nghệ, nắm bắt thị trường

Những mô hình sản xuất nông nghiệp thông minh giờ đã không còn xa lạ với người nông dân trên cả nước. Nhờ sự chủ động nắm bắt khoa học công nghệ, gia đình anh Nguyễn Đình Huy và nhiều hộ dân khác tại bản Là Ngà 2, xã Mường Sang, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La vươn lên làm giàu. Sau khi được tỉnh hỗ trợ xây dựng mô hình sản xuất rau, quả ứng dụng công nghệ nông nghiệp thông minh từ tháng 11/2022, đến nay gia đình anh Nguyễn Đình Huy đã thay đổi hoàn toàn hoạt động sản xuất nông nghiệp của gia đình.

Giờ đây, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh, dù ở bất cứ đâu, anh Huy cũng có thể kiểm tra được hoạt động trong vườn, điều khiển tưới nước, thời gian tưới, cập nhật dữ liệu về thời tiết, độ ẩm, nhiệt độ, sinh trưởng của cây trồng để có hướng chăm sóc hợp lý.

Ban đầu nhiều hộ băn khoăn khi tiếp cận với công nghệ thông minh trong sản xuất nông nghiệp, bởi đều đã quen với việc sản xuất truyền thống. Nhưng sau khi được hướng dẫn, tập huấn, các hộ dân đã bắt tay vào triển khai. Như gia đình anh Huy với vườn dâu tây hơn 1 ha, trước đây phải mất tới 3 giờ đồng hồ để pha phân bón và tưới. Bây giờ, chỉ cần 30 phút đã thực hiện xong các phần việc đó.

Anh Nguyễn Đình Huy

Bắt nhịp với tiến bộ của khoa học công nghệ, khoảng 3 năm nay, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Bưởi da xanh Giồng Trôm, xã Lương Quới, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre Nguyễn Văn Bảy, trở thành người am hiểu công nghệ. Ông Bảy cho biết, HTX được đầu tư hệ thống quản lý sâu rầy và hệ thống quan trắc kiểm soát hạn mặn tự động với kinh phí hơn 500 triệu đồng và đang mang lại hiệu quả rất cao.

Ngoài ra, hệ thống đường dây, vòi tưới tự động được đầu tư gần 1 tỷ đồng cũng giúp tiết kiệm được rất nhiều chi phí nhân công so với trước đây. Giờ chỉ cần mở điện thoại, ông Bảy cũng có thể nắm chắc số liệu mật độ sâu rầy gây hại của khu vườn mình. Các số liệu sau đó được chia sẻ lên nhóm Zalo của 63 thành viên trong HTX để có giải pháp xử lý thích hợp. Nhờ các số liệu về sâu hại, độ mặn được cập nhật thường xuyên đã giúp xã viên giảm hơn 95% thiệt hại so với canh tác truyền thống.

Theo Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân, xu hướng chuyển đổi số, sản xuất hữu cơ, phát triển các mô hình gắn với kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế chia sẻ đã và đang thu được những kết quả khả quan. Hiện cả nước có 83,5% số hợp tác xã được khảo sát cho rằng, việc chuyển đổi số là cần thiết, 18,9% hợp tác xã đã có kế hoạch chuyển đổi số, 68% hợp tác xã sử dụng ít nhất một trong các phương thức giới thiệu và bán hàng trực tuyến.

Nhờ đó, doanh thu của HTX tăng bình quân 5,1% so với năm 2022; thu nhập của thành viên HTX nông nghiệp tăng 3 đến 7%; HTX phi nông nghiệp tăng 2,1 đến 7,5% so với cùng kỳ năm 2022. Đây chính là đòn bẩy để người nông dân, các HTX làm chủ quy trình sản xuất và chủ động nguồn cung ra thị trường, góp phần gia tăng thu nhập.

Đổi mới chính sách, tăng cường đầu tư

Thực tế đã chứng minh những ưu điểm của việc ứng dụng công nghệ thông minh vào tất cả công đoạn trong sản xuất đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên để nhân nhanh ra diện rộng, các chuyên gia kinh tế cho rằng, ngoài mạnh dạn thay đổi nhận thức, chuyển từ cách làm theo thói quen, kinh nghiệm sang cách làm theo hướng dẫn của các chuyên gia thì việc đầu tư về cơ sở hạ tầng, vùng sản xuất, hệ thống đường giao thông, điện, viễn thông và cả kỹ năng thực hành tin học của các chủ trang trại, cơ sở sản xuất được xem là cần thiết...

Để thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, tỉnh Sơn La đang tập trung triển khai nhiệm vụ xây dựng Đề án thành lập khu nông nghiệp công nghệ cao Sơn La. Dự kiến năm 2023-2024 hoàn thành để trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định, sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đồng thời, tỉnh cũng đã tiến hành công nhận 5 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gồm vùng chè; vùng chăn nuôi bò sữa tại huyện Mộc Châu; hai vùng cà-phê và một vùng quả na tại huyện Mai Sơn... nhằm hỗ trợ tối đa cho các HTX và người nông dân phát triển sản xuất.

Số liệu từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La cũng cho thấy, hiện tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch của tỉnh chiếm 5 đến 10% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của cả tỉnh. Giá trị thu nhập trên 1 ha đất canh tác ứng dụng công nghệ cao nhiều hơn 1,5 đến 2 lần so với canh tác truyền thống.

Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm cũng là mục tiêu hướng đến trong lộ trình thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới của tỉnh Hà Tĩnh.

Với mục tiêu xây dựng Hà Tĩnh phát triển xanh, nhanh và bền vững, gắn với cuộc cách mạng trong nông nghiệp, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Ngọc Hùng cho biết, trong thời gian tới các cơ quan chức năng của tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chuyển đổi nhận thức về quá trình chuyển đổi số trong phát triển HTX cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về kinh tế hợp tác các cấp; cán bộ chủ chốt, thành viên của HTX, trong đó chú trọng tuyên truyền, hỗ trợ các HTX tiếp cận, thụ hưởng 8 nhóm chính sách theo Nghị quyết 20 của Ban Chấp hành Trung ương...

Tháo gỡ những khó khăn và xây dựng cơ chế khuyến khích người dân, xã viên HTX trong ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre, Huỳnh Quang Đức cho biết, ngành nông nghiệp đã tập trung hỗ trợ các HTX ứng dụng công nghệ cao, sản xuất quy trình thực hành nông nghiệp tốt.

Trong đó, tập trung hỗ trợ, đào tạo phát triển nguồn nhân lực cho HTX đủ năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu triển khai ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Minh Cảnh khẳng định, trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ có cơ chế, chính sách hỗ trợ tài chính để thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp triển khai các mô hình nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, từ đó tích cực thu hút các doanh nghiệp số đầu tư vào địa phương.

Đối với HTX, việc được nhận hỗ trợ về chính sách không chỉ giúp hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn mà còn giúp ngành nông nghiệp sớm thực hiện mục tiêu số hóa các hoạt động sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững. Sự bền vững không chỉ trong kinh doanh mà bền vững ngay từ khâu quản lý tài nguyên thiên nhiên, sản xuất và tiêu thụ nông sản. Đây không chỉ là hướng đi mà còn là đích đến của ngành nông nghiệp Việt Nam.