Khẩn trương đưa Luật Đất đai (sửa đổi) đi vào cuộc sống

Luật Đất đai (sửa đổi) đã được thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ năm, Quốc hội Khóa XV gồm 16 chương và 260 điều có nhiều điểm mới so với Luật Đất đai năm 2013. Để đưa Luật Đất đai (sửa đổi) đi vào cuộc sống, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố cần tập trung xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật.
0:00 / 0:00
0:00
Một góc Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: KHÁNH TRÌNH.
Một góc Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: KHÁNH TRÌNH.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: Luật Đất đai (sửa đổi) tháo gỡ được vướng mắc, bất cập đã chỉ ra trong quá trình tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2013 và có một số điểm mới nổi bật.

Những đổi mới trong các quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất sẽ là nền tảng đưa nguồn lực đất đai làm đầu vào cho quá trình phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao trong thời gian tới.

Về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các quy định của Luật đã được hoàn thiện theo hướng đổi mới quy trình, nội dung, phương pháp lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; tăng cường công khai, minh bạch, sự tham gia của người dân trong công tác lập quy hoạch sử dụng đất thông qua việc tổ chức lấy ý kiến; phân cấp cho các địa phương trong xác định các chỉ tiêu quy hoạch để các địa phương chủ động phát triển kinh tế-xã hội.

Những đổi mới trong các quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất sẽ là nền tảng đưa nguồn lực đất đai làm đầu vào cho quá trình phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao trong thời gian tới.

Về thu hồi, bồi thường hỗ trợ tái định cư, Luật quy định cụ thể các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, các dự án mà Nhà nước thu hồi trong trường hợp này phải là các dự án như: Xây dựng công trình công cộng; xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước, công trình sự nghiệp. Các trường hợp khác, bao gồm nhiều nhóm tiêu chí như nhà ở, khu sản xuất, phát triển quỹ đất, khoáng sản, công trình ngầm và các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để đấu giá, đấu thầu nhằm tăng thu ngân sách.

Ngoài ra, Luật cũng đã quy định cụ thể về trình tự, thủ tục thu hồi đất để phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng với nhiều điểm mới, bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, minh bạch, kịp thời và đúng quy định của pháp luật.

Về chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số, Luật quy định các chính sách bảo đảm đất sinh hoạt cộng đồng; giao đất, cho thuê đất đối với đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất ở, đất sản xuất; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc xây dựng và thực hiện chính sách hỗ trợ đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số; nguồn lực để thực hiện chính sách; bảo đảm quỹ đất để thực hiện chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số...

Bên cạnh đó, Luật Đất đai (sửa đổi) đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai, thống nhất quản lý theo hướng nâng cao trách nhiệm của địa phương và kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ của Trung ương; giảm đầu mối, giảm trung gian, gắn với cải cách hành chính, giảm phiền hà, tiêu cực, phân cấp trong chuyển mục đích sử dụng đất, trong quyết định giá đất cụ thể, thu hồi đất...; tập trung cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa, minh bạch thủ tục hành chính để người dân thuận tiện trong quá trình thực hiện thủ tục.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho biết: Việc thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) đã đáp ứng yêu cầu hoàn thiện đồng bộ chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, để nguồn lực đất đai được quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, bền vững, hiệu quả cao nhất; đồng thời, đáp ứng được yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, công bằng và ổn định xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, nhất là tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Do vậy, để Luật Đất đai (sửa đổi) sớm đi vào cuộc sống, Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu Tổ biên tập Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và các đơn vị có liên quan tiến hành rà soát các quy định, đề xuất xây dựng các nghị định, nghị quyết, quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thông tư hướng dẫn thi hành Luật; mặt khác, tiến hành rà soát các luật, quy định có liên quan, tham mưu Chính phủ chỉ đạo sửa đổi để bảo đảm đồng bộ với Luật Đất đai (sửa đổi).

Theo dự kiến, sẽ xây dựng các dự thảo Nghị định về các vấn đề liên quan như: Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai; Quy định về giá đất; Quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; Quy định về điều tra cơ bản đất đai; Về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai... để lấy ý kiến các địa phương.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố và các sở, ngành có liên quan tập trung nghiên cứu ngay và có lộ trình, kế hoạch tổ chức thực hiện Luật Đất đai (sửa đổi) trên địa bàn tỉnh, thành phố; trong đó, quan trọng nhất là phải tổ chức xây dựng hệ thống văn bản pháp luật thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương để đến ngày 1/1/2025, khi Luật Đất đai (sửa đổi) chính thức có hiệu lực thì phải có sự đồng bộ giữa Nghị định của Chính phủ, Thông tư của các bộ, ngành và Quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố, bảo đảm thống nhất trong quá trình tổ chức thực hiện Luật...

Mới đây, tại cuộc họp với lãnh đạo một số bộ, ngành hữu quan về Kế hoạch triển khai thực hiện Luật Đất đai (sửa đổi), Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã yêu cầu các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Tư pháp rà soát, trình Thủ tướng Chính phủ kế hoạch ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai (sửa đổi); Nghị định chung hướng dẫn các điều, khoản chung; các lĩnh vực chuyên sâu (quản lý đất lúa; thu tiền sử dụng đất; định giá đất; thu hồi, bồi thường, tái định cư; điều tra cơ bản thông tin dữ liệu đất đai...); đất đai cho hạ tầng giao thông, đô thị, năng lượng, công nghiệp; phân công trách nhiệm cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương trong xây dựng, hoàn thiện và ban hành theo thẩm quyền các văn bản hướng dẫn Luật Đất đai (sửa đổi), bảo đảm hiệu lực đồng thời, đồng bộ, thống nhất; chú trọng tập huấn, quán triệt đến những người làm công tác lãnh đạo, quản lý đất đai từ Trung ương tới các địa phương; kiện toàn, sắp xếp bộ máy, xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin về đất đai phục vụ công tác định giá vào năm 2025... nhằm bảo đảm điều kiện tổ chức thi hành Luật Đất đai (sửa đổi) ■