Nhấn mạnh đất đai, quản lý đất đai là lĩnh vực lớn, quan trọng, phức tạp, liên quan đến mọi mặt đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, an ninh quốc phòng và là mối quan tâm của người dân, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Đến nay, Luật Đất đai (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ 5 vừa qua với tỷ lệ rất cao và là sự kiện pháp lý trung tâm của nhiệm kỳ.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng khẳng định vấn đề tiếp theo là làm sao để triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách trong Luật vào cuộc sống, đưa đất đai thật sự là nguồn lực quan trọng, đẩy mạnh thương mại hóa đất đai, đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, bảo đảm quốc phòng-an ninh…
Phó Thủ tướng nhấn mạnh việc xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành là nhiệm vụ hàng đầu của kế hoạch thực hiện Luật Đất đai (sửa đổi). Trên tinh thần đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp Bộ Tư pháp rà soát, trình Thủ tướng Chính phủ kế hoạch ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai (sửa đổi): Nghị định chung hướng dẫn các điều, khoản chung; các lĩnh vực chuyên sâu (quản lý đất lúa; thu tiền sử dụng đất; định giá đất; thu hồi, bồi thường, tái định cư; điều tra cơ bản thông tin dữ liệu đất đai…); đất đai cho hạ tầng giao thông, đô thị, năng lượng, công nghiệp…
Cùng với đó là đề án truyền thông chính sách, tuyên truyền phổ biến về Luật, đưa các điều khoản, quy định của Luật Đất đai (sửa đổi) được thực thi, áp dụng hiệu quả trong thực tiễn.
Phó Thủ tướng yêu cầu phân công trách nhiệm cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương trong xây dựng, hoàn thiện và ban hành theo thẩm quyền các văn bản hướng dẫn Luật Đất đai (sửa đổi), bảo đảm hiệu lực đồng thời, đồng bộ, thống nhất; rà soát kỹ lưỡng những điều, khoản của Luật Đất đai (sửa đổi) giao thẩm quyền cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng các bộ quy định, hướng dẫn thực hiện, để phối hợp triển khai xây dựng 1 nghị định hướng dẫn chung và một số nghị định riêng có tính chuyên môn đặc thù. Tinh thần chung là số lượng nghị định phải là ít nhất; triển khai, áp dụng Luật một cách khoa học, chặt chẽ.
Các Nghị định, Thông tư hướng dẫn chi tiết phải được ban hành trước thời điểm có hiệu lực của các điều khoản trong Luật là ngày 1/4/2024 và ngày 1/1/2025 để có thời gian tập huấn, tuyên truyền, kiện toàn bộ máy tổ chức thực hiện.