Hội thảo nhằm mục đích thảo luận về các công nghệ năng lượng sạch hỗ trợ sự phát triển bền vững của Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất, tập trung vào các công nghệ tiết kiệm năng lượng và các giải pháp khử carbon; trao đổi ý tưởng giữa các chuyên gia Hoa Kỳ, Việt Nam và các nhà lãnh đạo ngành năng lượng; đồng thời, quảng bá các sản phẩm, dịch vụ, chuyên môn và kinh nghiệm của các đơn vị trong các lĩnh vực hiệu quả năng lượng, triển khai năng lượng tái tạo và khử carbon trong lĩnh vực sản xuất, góp phần nâng cao năng suất và tăng cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam.
Các đại biểu dự hội thảo. |
Dự hội thảo có hơn 200 đại biểu là lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương; các sở, ban ngành; Tổng Lãnh sự quán, Thương vụ, USAID (Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ); lãnh đạo Tổng công ty Becamex IDC và các doanh nghiệp Hoa Kỳ; đại diện các tỉnh, thành phố Vùng kinh tế trọng điểm phía nam; các công ty tư vấn năng lượng và môi trường, các tổ chức hỗ trợ quốc tế...
Tại hội thảo, các chuyên gia đã chia sẻ về khu công nghiệp sinh thái, nghiên cứu về cơ hội phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam; sáng kiến của IFC trong thúc đẩy các công trình xanh và có khả năng chống chịu tại các thị trường mới nổi; các vấn đề về khử carbon công nghiệp, hiệu quả năng lượng công nghiệp và các chương trình hỗ trợ tài chính quốc tế và cơ hội tài trợ xanh nhằm thúc đẩy tính bền vững trong ngành sản xuất.
Bà Susan Burns, Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu ý kiến tại hội thảo. |
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng thảo luận về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là giải pháp giúp cải thiện hiệu quả nền kinh tế, bảo tồn nguồn năng lượng quốc gia, bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính; đóng góp giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu; vai trò của việc tiết kiệm năng lượng cũng như khả năng hiện thực hoá các mục tiêu này, đặc biệt trong bối cảnh các cam kết của Việt Nam đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Tại hội thảo, bà Susan Burns, Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, biến đổi khí hậu đang là vấn đề thách thức toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Thời gian qua Việt Nam nổi lên là trung tâm sản xuất công nghiệp của khu vực và ngành logistics cũng phát triển mạnh đang đặt ra nhiều thách thức trong vấn đề môi trường.
Vì vậy, hội thảo được tổ chức rất có ý nghĩa và sẽ giúp có các giải pháp tốt hơn về tiết kiệm năng lượng, tạo ra hiệu quả cho các khu công nghiệp áp dụng công nghệ mới, công nghệ sản xuất xanh sẽ góp phần giảm diện tích xây dựng và giảm chi phí sản xuất cho các doanh nghiệp…
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng phát biểu ý kiến tại hội thảo. |
Phát biểu ý kiến tại hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng cho biết, Bình Dương đã và đang phát triển một hệ sinh thái kiểu mới, mô hình phát triển mới nhằm bổ sung cho mô hình công nghiệp-đô thị-dịch vụ.
Đó là hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ, xây dựng các khu công nghiệp thông minh, đô thị thông minh sinh thái, bền vững, phát triển lấy bền vững làm trọng tâm, đưa nền công nghiệp Bình Dương đi lên phân khúc cao hơn, từng bước xây dựng động lực phát triển kinh tế mới thay thế cho thâm dụng lao động và thâm dụng đất đai, tham gia tích cực vào quá trình hướng tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 mà chính phủ Việt Nam đã cam kết.
“Trên nền tảng triết lý phát triển “Môi trường đầu tư hiệu quả-Xã hội nhân văn hài hòa-Chính quyền năng động kiến tạo”, bài toán mà tỉnh Bình Dương hướng tới phát thải ròng bằng 0 vừa là bài toán giải quyết vấn đề về môi trường và phát triển bền vững, vừa là một bài kiểm tra về năng lực quản trị của địa phương.
Với vai trò là một trung tâm sản xuất lớn của Việt Nam, tỉnh Bình Dương cam kết sẽ tham gia sâu rộng vào quá trình đưa phát thải ròng về bằng 0, với mong muốn góp sức mình xây dựng một tương lai bền vững cho Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung”, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng nhấn mạnh.