Hướng đi mới cho du lịch cộng đồng

Du lịch Quảng Ninh những năm gần đây không chỉ được biết đến là vùng đất của Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, mà còn hút khách du lịch bởi văn hoá truyền thống đặc sắc ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều địa phương đã mạnh dạn khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch cộng đồng dựa trên giá trị văn hóa truyền thống, tạo ra các sản phẩm độc đáo, đậm đà bản sắc dân tộc, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch, nâng cao đời sống của người dân.
0:00 / 0:00
0:00
Du khách trải nghiệm chèo thuyền ở khu du lịch cộng đồng Kỳ Thượng, xã Kỳ Thượng, thành phố Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh).
Du khách trải nghiệm chèo thuyền ở khu du lịch cộng đồng Kỳ Thượng, xã Kỳ Thượng, thành phố Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh).

Sự đa dạng, phong phú của nhiều đồng bào dân tộc cùng sinh sống đã tạo cho Bình Liêu một nét văn hóa truyền thống giàu bản sắc, với các phong tục, tập quán, lễ hội, dân gian đa sắc màu. Đây chính là thế mạnh, tiềm năng riêng có để Bình Liêu phát triển du lịch cộng đồng, khám phá, trải nghiệm với không gian văn hóa phong phú, đặc sắc.

Tận dụng tiềm năng, thế mạnh du lịch của địa phương, anh Lý Hồng Công ở xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu đã mạnh dạn cải tạo khu nhà ở của gia đình thành homestay đón khách du lịch với số vốn đầu tư hơn một tỷ đồng. Mặc dù còn đơn sơ, nhưng từ khi đi vào hoạt động, cứ vào dịp cuối tuần, homestay của gia đình anh đều kín khách. Anh Công chia sẻ: Ngoài lưu trú, gia đình cũng cung cấp dịch vụ ăn uống cho du khách với thực đơn là những sản vật của bà con tự chăn nuôi, trồng cấy được. Nhờ chuyển hướng làm du lịch, lợi nhuận thu được cũng đủ cho gia đình trang trải cuộc sống và một phần tiết kiệm để có thể mở rộng hoạt động kinh doanh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương.

Từ làm du lịch đã tạo cho gia đình anh Công cùng nhiều hộ dân trên địa bàn xã Lục Hồn có nguồn thu nhập cao, ổn định và mở ra cơ hội cho người dân ở đây có điều kiện giao lưu văn hóa với du khách và từ đó vươn lên làm giàu. Hiện nay trên địa bàn huyện Bình Liêu có ba khách sạn và hàng chục homestay với hơn 300 buồng, phòng, đáp ứng nhu cầu lưu trú cho hơn 1.200 du khách.

Nhằm khai thác tối đa giá trị cảnh quan, gắn với việc tạo ra các sản phẩm du lịch mới thu hút du khách, hằng năm huyện Bình Liêu đều tổ chức nhiều chương trình hấp dẫn như Hội mùa vàng, Hội hoa sở, các hoạt động văn hóa, thể thao, trò chơi dân gian... Qua đó, quảng bá những nét đẹp văn hóa truyền thống của các dân tộc, từng bước khẳng định dấu ấn đặc sắc của du lịch Bình Liêu trên bản đồ du lịch trong nước. Bên cạnh đó, huyện chú trọng phát triển các sản phẩm OCOP, đồng thời đầu tư nguồn lực phát triển mạnh mẽ về hạ tầng giao thông kết nối các tuyến, điểm du lịch trên địa bàn giúp tạo thuận tiện cho du khách tham quan.

Bí thư Huyện ủy Bình Liêu Nguyễn Thị Tuyết Hạnh cho biết: Để phát triển du lịch trên địa bàn nhanh, bền vững, huyện đã xây dựng Đề án phát triển du lịch bền vững gắn với giảm nghèo và phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2030; ban hành Nghị quyết về phát triển du lịch huyện Bình Liêu đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó nhấn mạnh giải pháp phát triển du lịch cộng đồng dựa trên nền tảng bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc gắn với bảo vệ môi trường cảnh quan tự nhiên; tập trung xây dựng, hình thành các bản văn hóa của dân tộc Tày, Dao và Sán Chỉ, tạo nên điểm nhấn, gia tăng thêm các trải nghiệm của du khách.

Có thể thấy, du lịch cộng đồng được đánh giá là mô hình phát triển du lịch đã tạo ra những trải nghiệm thú vị cho du khách, trên cơ sở khai thác những giá trị tài nguyên du lịch tại cộng đồng, từng bước thúc đẩy vai trò của người dân địa phương trong việc tham gia và hoạch định phát triển du lịch. Thực tế, một số địa phương như Hạ Long, Đông Triều, Vân Đồn, Bình Liêu, Ba Chẽ, Cô Tô... đã có những mô hình du lịch cộng đồng, tuy nhiên vẫn chưa bền vững và chưa được đầu tư, định hướng để phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương.

Cuối năm 2020, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành quyết định phê duyệt Đề án phát triển du lịch cộng đồng bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Mục tiêu của đề án hướng đến phát triển du lịch cộng đồng bền vững, có trọng tâm, trọng điểm, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống, nhất là bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số... góp phần nâng cao chất lượng đời sống văn hóa, tinh thần, vật chất của người dân, đồng thời thay đổi nhận thức về sinh kế để giảm nghèo bền vững.

Việc phát triển các sản phẩm du lịch cộng đồng là nhằm đáp ứng nhu cầu khám phá của đông đảo du khách muốn tìm hiểu văn hóa dân tộc đặc sắc. Tuy nhiên, các chuyên gia du lịch cũng đưa ra lời khuyến cáo, muốn du lịch cộng đồng phát triển cần giữ nguyên gốc, nguyên sơ, chất phác chân thực của văn hóa bản địa, đó là giá trị cốt lõi của cộng đồng. Phát triển du lịch thì phải gắn với trách nhiệm xã hội. Du lịch có trách nhiệm sẽ là giải pháp để phát triển du lịch cộng đồng đúng hướng và bền vững, người dân được hưởng lợi từ sự phát triển du lịch của địa phương.