Tại Hội nghị, lãnh đạo thành phố Cần Thơ đã công bố Quyết định phê duyệt Quy hoạch thành phố Cần Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, ngày 2/12, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1519/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch thành phố Cần Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo Quy hoạch, phạm vi, ranh giới lập quy hoạch thành phố Cần Thơ bao gồm toàn bộ thành phố Cần Thơ với tổng diện tích tự nhiên là 1.440,4km2, gồm 9 đơn vị hành chính cấp huyện, trong đó có 5 quận (Ninh Kiều, Cái Răng, Bình Thủy, Ô Môn, Thốt Nốt) và 4 huyện (Phong Điền, Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh).
Mục tiêu phát triển đến năm 2030, thành phố Cần Thơ là cực tăng trưởng của vùng đồng bằng sông Cửu Long; thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại, mang đậm bản sắc văn hóa xứ Tây Đô; là trung tâm đô thị, trung tâm dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ, văn hóa, thể thao của vùng đồng bằng sông Cửu Long; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ thích ứng với biến đổi khí hậu, đáp ứng yêu cầu kết nối nội vùng, liên vùng và liên vận quốc tế.
Phê duyệt quy hoạch hai thành phố Hải Phòng và Cần Thơ tầm nhìn đến năm 2050
Cần Thơ phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân từ 7,5% đến 8%; GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt trên 220 triệu đồng. Tỷ trọng trong GRDP của khu vực: nông, lâm, thủy sản khoảng 5,9%, công nghiệp-xây dựng khoảng 35,9%, dịch vụ và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm khoảng 58,2%; tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đạt từ 11-15%/năm.
Đến năm 2050, Cần Thơ là thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc sông nước vùng đồng bằng sông Cửu Long; thuộc nhóm các thành phố phát triển khá ở châu Á, trở thành thành phố thông minh đáng sống của Việt Nam.
Theo hướng phát triển, Cần Thơ phát triển ngành công nghiệp hóa chất, cơ khí chế tạo, năng lượng, dược phẩm, điện tử, chế biến nông thủy sản, thực phẩm và công nghiệp hỗ trợ có tính nền tảng, hiện đại, bền vững, phù hợp với điều kiện, tự nhiên, lợi thế của địa phương.
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị công bố Quy hoạch và xúc tiến đầu tư thành phố Cần Thơ. |
Đẩy nhanh hoàn thành các khu công nghiệp Vĩnh Thạnh, Thới Lai-Cờ Đỏ; đô thị-công nghiệp-cảng-logistics Thốt Nốt; Trung tâm năng lượng, công nghiệp-công nghệ cao Ô Môn; thúc đẩy liên kết và hội nhập hành lang kinh tế đô thị-công nghiệp từ Cần Thơ đến Long An…
Phát biểu ý kiến khai mạc hội nghị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ Trần Việt Trường nhấn mạnh, Quy hoạch được xây dựng bảo đảm thành phố Cần Thơ phát triển đúng định hướng đã được xác định tại Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về Phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long; Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 5/8/2020 của Bộ Chính trị về Xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày 30/8/2021 của Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 59-NQ/TW; đồng thời phát huy tối đa những tiềm năng, thế mạnh, ưu thế mà thành phố Cần Thơ được Quốc hội ưu tiên phê duyệt tại Nghị quyết số 45/2022/QH15 ngày 11/1/2022 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ.
Đây cũng là cơ sở, là tiền đề vững chắc để thành phố Cần Thơ tiếp tục mở rộng tầm nhìn, tăng tốc bứt phá, thể hiện sự khát khao mong muốn đưa thành phố Cần Thơ phát triển vươn tầm cao mới, khẳng định vai trò là đô thị hạt nhân của vùng đồng bằng sông Cửu Long, phát triển thích ứng trong tình hình mới, xứng tầm với vị thế tiềm năng của vùng đất Tây Đô.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ Trần Việt Trường phát biểu khai mạc hội nghị. |
Bên cạnh đó, Quy hoạch thành phố Cần Thơ với tầm nhìn dài hạn nhằm phát huy hiệu quả các lợi thế của thành phố, làm căn cứ khoa học và thực tiễn cho việc tổ chức không gian lãnh thổ kinh tế-xã hội và xây dựng các kế hoạch phát triển 5 năm và hằng năm, đáp ứng yêu cầu phát triển chung của vùng đồng bằng sông Cửu Long và của cả nước, sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng, tạo hành lang vững chắc cho sự phát triển bền vững của thành phố trong tương lai; là nền tảng để tận dụng và khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, bảo đảm hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng theo đúng định hướng và đạt được hiệu quả cao nhất trong thời gian ngắn nhất…
Tại hội nghị, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính, lãnh đạo thành phố Cần Thơ đã trao Biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ, Việt Nam tập trung thực hiện 3 trụ cột là dân chủ xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; thực hiện 3 đột phá chiến lược là hoàn thiện thể chế, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và xây dựng kết cấu hạ tầng.
Xuyên suốt quá trình này, chúng ta lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực của sự phát triển, không hy sinh công bằng xã hội, tiến bộ xã hội, môi trường cho tăng trưởng đơn thuần (phát triển hài hòa, bền vững).
Việt Nam xây dựng đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Chúng ta đang xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả, thực hiện nhất quán mục tiêu chiến lược phát triển nhanh và bền vững; tích cực tìm cách đa dạng hoá chuỗi cung ứng, sản xuất, giảm thiểu tác động tiêu cực của tình hình thế giới.
Thủ tướng cho biết, Việt Nam coi trọng phát triển văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc theo hướng “dân tộc, khoa học, đại chúng”; xác định “Văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất”, “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, chú trọng phát triển công nghiệp văn hóa; Việt Nam luôn phát huy tinh thần "tương thân, tương ái", đề cao đạo đức kinh doanh, giúp đỡ lẫn nhau.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến tại Hội nghị công bố Quy hoạch và xúc tiến đầu tư thành phố Cần Thơ. |
Đất nước phát triển được thì phải có ổn định chính trị, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững biên giới hoà bình, hợp tác và phát triển. Muốn vậy, Việt Nam thực hiện chính sách quốc phòng “bốn không”: không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.
Thủ tướng khẳng định, đạt được thành tựu trên là nhờ sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng ta, của Bộ Chính trị, Ban Bí thư mà trực tiếp là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự đồng hành của Quốc hội, sự vào cuộc của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, sự ủng hộ của bạn bè quốc tế; đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Về tổng thể của công tác quy hoạch, Thủ tướng nhấn mạnh, quy hoạch có vai trò rất quan trọng trong phát triển đất nước nói chung cũng như của từng địa phương nói riêng; được xác định như là một trong những động lực cho tăng trưởng; quy hoạch phải có tầm nhìn chiến lược, tư duy đột phá, đổi mới; tư duy phải đi trước một bước, sát thực tế, khả thi, phát huy được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của từng vùng, miền và địa phương.
Quy hoạch có vai trò rất quan trọng trong phát triển đất nước nói chung cũng như của từng địa phương nói riêng; được xác định như là một trong những động lực cho tăng trưởng; quy hoạch phải có tầm nhìn chiến lược, tư duy đột phá, đổi mới; tư duy phải đi trước một bước, sát thực tế, khả thi, phát huy được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của từng vùng, miền và địa phương.
Thủ tướng Phạm Minh Chính
Quy hoạch tỉnh, thành phố phải gắn với quy hoạch vùng, quy hoạch quốc gia. Lần đầu tiên, đất nước ta có hệ thống quy hoạch từ cấp quốc gia đến cấp tỉnh, thành phố, huyện.
Công tác quy hoạch phải giải quyết các vấn đề lớn, tìm ra các tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của vùng, tỉnh, từ đó phát huy tối đa thế mạnh của từng địa phương; phải tìm ra và nhận biết những khó khăn, thách thức, hạn chế, yếu kém của quốc gia, của vùng, của tỉnh, từ đó đề ra nhiệm vụ, giải pháp hoá giải, “biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể”.
Một tiết mục văn nghệ biểu diễn tại hội nghị. |
Xây dựng quy hoạch là một bước, nhưng thực hiện quy hoạch để ra của cải, vật chất cụ thể lại là một bước khác; muốn làm được phải trăn trở, lăn lộn, tìm nguồn lực để thực hiện. Chúng ta dựa vào nguồn lực bên trong là con người, thiên nhiên, truyền thống văn hóa, lịch sử; đây là những nguồn lực cơ bản, quyết định, lâu dài; phải dựa cả vào nguồn lực bên ngoài là chiến lược, đó là công nghệ, quản trị, nguồn vốn. Trong quá trình phát triển, chúng ta không thể thiếu nguồn lực, sức mạnh của bạn bè quốc tế, các nhà đầu tư nước ngoài.
Thủ tướng nêu lại 5 bài học kinh nghiệm quý báu trong phát triển, đó là 5 bài học kinh nghiệm: Nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; sự nghiệp cách mạng của dân, do dân và vì dân; tăng cường đoàn kết trong Đảng, đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết quốc tế; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh trong và ngoài nước; vai trò lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định.
Thủ tướng nêu rõ, hiện thế giới cũng như Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều vấn đề mang tính toàn cầu, toàn dân; đối mặt với các vấn đề lớn như cạn kiệt tài nguyên, biến đổi khí hậu, già hoá dân số… đòi hỏi phải chuyển đổi khai thác tài nguyên thiên nhiên sang tài nguyên trí tuệ con người, chuyển từ năng lượng hoá thạch sang năng lượng tái tạo; chuyển từ chống đỡ bệnh tật sang chăm sóc, phòng ngừa bệnh tật từ sớm, từ xa, tích cực chăm sóc sức khoẻ, bảo vệ tính mạng cho nhân dân.
Về quy hoạch của thành phố Cần Thơ, Thủ tướng khẳng định, Cần Thơ là một trong những địa phương nhận được sự quan tâm, đầu tư lớn của Đảng, Nhà nước; có hệ thống cơ chế chính sách ưu đãi đầy đủ, đồng bộ, thuận lợi; có hệ thống quy hoạch hoàn chỉnh.
Cần Thơ là thành phố trực thuộc Trung ương, vị trí trung tâm vùng đồng bằng sông Cửu Long, mang những đặc trưng cơ bản của một trung tâm đa chức năng, có sức lan tỏa về kinh tế, văn hóa, xã hội và là cửa ngõ của cả vùng hạ lưu sông Mekong; có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển nông nghiệp và nuôi trồng, chế biến thuỷ sản; đồng thời, với vị trí là giao điểm của hai trục kinh tế-đô thị năng động nhất của vùng đồng bằng sông Cửu Long…
Bên cạnh đó, Cần Thơ còn nhiều khó khăn như hạn chế về hạ tầng giao thông, chịu tác động của biến đổi khí hậu như sụt lún, sạt lở, hạn hán… là những vấn đề rất lớn, không thể giải quyết một sớm một chiều. Theo Thủ tướng, cứ đà này, nếu chúng ta không chuyển đổi xanh thì càng ngày sẽ càng khó khăn; do đó đồng bằng sông Cửu Long có 3 việc lớn phải giải quyết là hạ tầng chiến lược, chống biến đổi khí hậu và nguồn nhân lực.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, phát triển hạ tầng giao thông luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, trong đó có việc đầu tư phát triển tuyến cao tốc từ Thành phố Hồ Chí Minh đến tận Cà Mau là tuyến bắc-nam cơ bản phải hoàn thành năm 2025; tuyến cao tốc trục đông-tây, nghiên cứu cảng Trần Đề, cảng Hòn Khoai; nghiên cứu đoạn đường sắt cao tốc từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Cần Thơ; phải phát triển hạ tầng hàng không, củng cố các sân bay trong vùng…
Theo Thủ tướng, muốn phát triển nguồn nhân lực phải có hạ tầng văn hóa, y tế. Do đó, Cần Thơ nằm trong đồng bằng sông Cửu Long thì cũng phải thực hiện những quy hoạch lớn, theo đó phải thực hiện các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ liên quan phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long và thành phố Cần Thơ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chụp ảnh với các nhà đầu tư tại hội nghị. |
Về nguồn lực, chúng ta phải tập trung huy động trên tinh thần tự lực, tự cường, từ nguồn lực nội sinh của Cần Thơ là chính, không trông chờ, ỷ lại; Cần Thơ phải đi lên bằng chính nội lực của mình, là từ bàn tay, khối óc, khung trời, mảnh đất; đi lên bằng con người, thiên nhiên, truyền thống lịch sử, văn hóa, bằng trí tuệ, khoa học công nghệ; tập trung phát triển chuyển đổi số, năng lượng tái tạo, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi xanh, kinh tế chia sẻ; lấy trí tuệ con người, đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ làm động lực chính.
Thủ tướng nêu rõ, Cần Thơ phải phát huy từ hệ thống giao thông kết nối đi các địa phương trong vùng, tạo ra không gian phát triển mới, tạo các khu công nghiệp, khu đô thị, dịch vụ mới, nâng cao giá trị gia tăng của đất đai, tạo động lực phát triển mới; giảm chi phí đầu vào, nhất là logistics, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa, trong đó có hàng hóa nông sản, tươi sống cần vận chuyển nhanh.
Cần Thơ phải phát huy từ hệ thống giao thông kết nối đi các địa phương trong vùng, tạo ra không gian phát triển mới, tạo các khu công nghiệp, khu đô thị, dịch vụ mới, nâng cao giá trị gia tăng của đất đai, tạo động lực phát triển mới; giảm chi phí đầu vào, nhất là logistics, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa, trong đó có hàng hóa nông sản, tươi sống cần vận chuyển nhanh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính
Thủ tướng cũng cho rằng, phải kết hợp nguồn lực hợp tác công tư, đầu tư nước ngoài, đầu tư trong nước, muốn vậy phải có môi trường đầu tư tốt, phải giảm bớt các thủ tục đầu tư, giảm các chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp; mạnh dạn vay các quỹ đầu tư để có thêm nguồn lực; nguồn lực từ cơ chế, chính sách là phải từ thực tiễn Cần Thơ để đề xuất, thay vì trông chờ, đi xin ngân sách thì xin cơ chế, chính sách.
Thủ tướng đề nghị Cần Thơ hướng đến xây dựng cơ chế, chính sách ưu tiên, ưu đãi, đặc thù; phải tích cực trong công tác giải phóng mặt bằng, phải vận động nhân dân, chăm lo đời sống tái định cư của nhân dân di dời đến nơi ở mới bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.
Thủ tướng yêu cầu khi huy động nguồn lực thì không nên kéo dài dự án vừa mất thời gian, tốn kém, đội vốn; khẳng định nguồn lực lớn nhất là con người; tiếp đó là các nguồn lực phát triển hạ tầng để tạo ra giá trị mới; hợp tác công tư; cơ chế, chính sách; có sự hỗ trợ, kết nối, phối hợp giữa các bộ, ngành, các tỉnh thành phố, thu hút đầu tư của khu vực FDI, đầu tư tư nhân, xã hội.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành phải thực sự chung tay hỗ trợ Cần Thơ; kêu gọi các nhà đầu tư, vì Cần Thơ là trung tâm của đồng bằng sông Cửu Long, có truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời, do đó phải đầu tư nghiêm túc, lâu dài, gắn với chiến lược, quy hoạch của vùng, trên nguyên tắc lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.
Các nhà đầu tư “đã nói là phải làm; đã cam kết phải thực hiện hiệu quả", tạo ra của cải, vật chất cụ thể, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân; hài hòa lợi ích, hài hòa phát triển kinh tế-xã hội với văn hóa, chính trị và an ninh quốc phòng.
Nhân hội nghị, thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam, Thủ tướng trân trọng cảm ơn và mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, hợp tác, giúp đỡ của các đối tác phát triển, các tổ chức quốc tế, Chính phủ, nhân dân các nước, cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài trên các lĩnh vực.