Nghị viện thúc đẩy hợp tác toàn diện Việt Nam-Campuchia-Lào

Trong tổng thể quan hệ tốt đẹp trên các kênh Đảng và Nhà nước, quan hệ giữa Quốc hội Việt Nam với các cơ quan lập pháp của Lào và Campuchia tiếp tục có những bước tiến mới. Hợp tác kênh nghị viện góp phần quan trọng vào việc củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa ba nước.
0:00 / 0:00
0:00
Các cơ chế hợp tác giữa Quốc hội ba nước được duy trì hiệu quả. (Ảnh TTXVN)
Các cơ chế hợp tác giữa Quốc hội ba nước được duy trì hiệu quả. (Ảnh TTXVN)

Quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài Việt Nam-Campuchia và quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào ngày càng đi vào chiều sâu và thiết thực hơn. Hợp tác giữa Việt Nam với Lào và Campuchia phát triển tốt đẹp, trong đó hợp tác kinh tế đạt được nhiều thành quả, góp phần tiếp tục thúc đẩy hợp tác toàn diện giữa ba nước, không ngừng được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân ba nước vun đắp, tình hữu nghị, đoàn kết giữa ba nước ngày càng gắn bó, sâu sắc hơn.

Năm 2022, Việt Nam đã phối hợp Lào và Campuchia tổ chức thành công nhiều hoạt động kỷ niệm các sự kiện quan trọng trong Năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam-Lào, Năm Hữu nghị Việt Nam-Campuchia với nhiều hình thức phong phú. Những hoạt động ý nghĩa này tạo sự lan tỏa, giúp nhân dân ba nước, nhất là thế hệ trẻ, hiểu sâu sắc hơn về các mối quan hệ Việt Nam-Lào và Việt Nam-Campuchia.

Trên cơ sở mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp và những thành quả hợp tác, những năm qua, quan hệ giữa ba Đảng, ba nước tiếp tục được củng cố trên các lĩnh vực. Trên kênh đảng, mối quan hệ này tiếp tục được tăng cường thông qua việc tổ chức thành công các cuộc gặp hằng năm giữa Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam với Bộ Chính trị Đảng Nhân dân Cách mạng Lào và Ban Thường vụ Đảng Nhân dân Campuchia (CPP). Tháng 9 vừa qua, tại Hà Nội, ba nhà lãnh đạo đứng đầu ba đảng đã có Cuộc gặp cấp cao Việt Nam-Campuchia-Lào để thống nhất những định hướng lớn cho hợp tác giữa ba đảng, ba nước trên các lĩnh vực vì lợi ích chung của người dân.

Theo cơ chế họp luân phiên hai năm một lần, cũng như các cuộc gặp bên lề các hội nghị khu vực, Thủ tướng Chính phủ ba nước thảo luận các biện pháp thúc đẩy hợp tác, phát triển tại khu vực Tam giác phát triển và kết nối ba nền kinh tế. Theo đó, ba nước nhất trí cùng nhau đẩy mạnh xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn liền với hội nhập quốc tế toàn diện; tăng cường kết nối hiệu quả ba nền kinh tế, coi đây là những ưu tiên chiến lược.

Ba nước cũng tiếp tục triển khai các cơ chế hợp tác ba bên của chính phủ, quốc hội, bộ, ngành và đoàn thể góp phần thúc đẩy hợp tác, cũng như thiết lập một số cơ chế hợp tác mới, trong đó có Chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ ba nước tại Việt Nam. Các cơ chế hợp tác cấp ủy ban ba bên giữa ba Quốc hội đã được hình thành và tổ chức định kỳ hai năm một lần theo hình thức luân phiên.

Hội nghị giữa ba Ủy ban Đối ngoại giám sát, thúc đẩy các thỏa thuận hợp tác giữa ba nước; tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác vì sự phát triển chung của khu vực Tam giác phát triển. Hội nghị giữa ba Ủy ban Quốc phòng-An ninh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, xây dựng đường biên giới hòa bình, hợp tác và phát triển trong khu vực Tam giác phát triển. Trong lĩnh vực tài chính, ngân sách, Hội nghị giữa ba Ủy ban Tài chính, Ngân sách trao đổi thông tin, kinh nghiệm, hỗ trợ lẫn nhau.

Trong khuôn khổ Đại hội đồng lần thứ 43 Hội đồng liên Nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AIPA-43), Chủ tịch Quốc hội ba nước đã ký Tuyên bố chung chính thức thiết lập cơ chế Hội nghị cấp cao Quốc hội ba nước Campuchia-Lào-Việt Nam.

Hội nghị được thiết lập để đồng bộ với các cơ chế hợp tác cấp cao giữa ba nước nhằm triển khai hiệu quả các chủ trương hợp tác đã được ba Đảng thống nhất; giám sát, thúc đẩy việc triển khai thực hiện các thỏa thuận hợp tác đã ký kết giữa ba nước. Là cơ chế hợp tác ba bên mới, Hội nghị sẽ tạo động lực đưa mối quan hệ ba nước nói chung, ba Quốc hội nói riêng, đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả hơn nữa.