Lao động nghề biển vừa thiếu vừa yếu
Khác với các nghề khác, hầu hết lao động nghề biển trước đây đều xuất xứ từ các vùng ven biển và đều là cha truyền con nối. Ông Nguyễn Hữu Bíu vốn là ngư dân rất giỏi ở làng biển Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới (Quảng Bình). Sau khi ông đến tuổi nghỉ ngơi, ba người con trai thay cha đảm đương nhiệm vụ thuyền trưởng của ba tàu cá đánh bắt xa bờ. Họ đều có chứng chỉ nghiệp vụ thuyền trưởng do Chi cục Thủy sản tỉnh cấp.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, hoạt động đánh bắt thủy sản của tổ hợp tác gia đình ông Bíu cũng như nhiều chủ tàu cá khác ở Quảng Bình gặp khó khăn do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc thiếu lao động nghề biển. Không ít thanh niên các làng biển giờ đây không còn hào hứng với nghề biển truyền thống, họ chuyển sang làm nghề khác hoặc đi xuất khẩu lao động để có thu nhập cao hơn.
Xã Ðức Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) có 240 tàu đánh bắt xa bờ, lực lượng lao động cần có là 1.700 người. Tuy nhiên, tại địa bàn chỉ đáp ứng khoảng 1.000 người và đang giảm dần, do nhiều thanh niên lựa chọn con đường xuất khẩu lao động để mưu sinh. Không để tàu neo bờ, nhiều chủ tàu phải tìm đến các xã đồng bằng, thậm chí vùng miền núi để tìm lao động đi biển. Nhiều chủ tàu đã lớn tuổi nhưng cũng phải ra khơi.
Không riêng Quảng Bình mà tại một số tỉnh miền trung có đội tàu xa bờ hùng hậu như Quảng Ngãi, Khánh Hòa... đang đối mặt tình trạng thiếu bạn thuyền ra khơi. Cho nên nhiều chủ tàu cá phải thuê lao động từ các tỉnh không có biển hoặc không quen với nghề biển. Số lao động này gặp rất nhiều khó khăn khi phải đối mặt sóng gió và nghề khai thác hải sản xa bờ vốn nặng nhọc.
Ông Đinh Văn Nam, chủ tàu KH 91916 TS, ở thành phố Nha Trang (Khánh Hòa) cho biết, do nhân công đi biển khan hiếm, ông phải thuê một số người ngoại tỉnh nhưng việc sử dụng các lao động này gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do hầu hết lao động nông nghiệp không quen đi biển cho nên người thì bị say sóng, người chưa quen với công việc, thao tác trên tàu. Trong khi nghề câu cá ngừ đòi hỏi tay nghề kỹ thuật cao, lao động không chuyên thì không thể đáp ứng được.
Hằng năm, từ nguồn kinh phí đào tạo nghề, các Chi cục thủy sản tỉnh, thành phố miền trung tổ chức nhiều lớp đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng cho ngư dân. Tuy vậy vẫn chưa đáp ứng hết được nhu cầu học nghề khai thác, hoạt động trên biển một cách chuyên sâu. Trong khi đó, nghề biển ngày càng được hiện đại hóa với đội tàu có trang thiết bị hiện đại, ứng dụng nhiều công nghệ, kỹ thuật mới.
Bên cạnh khai thác, lĩnh vực nuôi trồng thủy sản ở miền trung cũng thiếu lao động có tay nghề và nhân lực có trình độ cao. Theo Chi cục Thủy sản Quảng Bình, nuôi thủy sản trên địa bàn mấy năm gần đây gặp nhiều thách thức do giá cả đầu ra luôn biến động theo chiều hướng giảm, dịch bệnh lại xảy ra nhiều. Nhiều chủ hồ nuôi tôm phải tạm thời dừng hoạt động trong thời gian dài. Người lao động làm việc ở các trang trại thủy sản vốn ít được đào tạo về kỹ thuật mà chủ yếu làm bằng kinh nghiệm cũng phải chuyển nghề để mưu sinh.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, những năm qua, cơ cấu lao động của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ có sự dịch chuyển theo hướng tăng ở các ngành công nghiệp, dịch vụ và giảm trong các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản. Hiện toàn vùng có hơn ba triệu lao động trong ngành nông nghiệp, riêng lĩnh vực thủy sản là 335 nghìn người. Chất lượng nguồn nhân lực của vùng khá thấp.
Hiện nay, tỷ lệ lao động ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản của toàn vùng chưa qua đào tạo lên đến 94%, thấp hơn tỷ lệ chung của cả nước. Không chỉ đào tạo nghề ngắn hạn gặp khó mà công tác tuyển sinh, đào tạo bậc cao đẳng, đại học ngành thủy sản ở khu vực miền trung cũng không mấy khả quan, do không tuyển được sinh viên.
Theo một báo cáo tại hội nghị đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn khu vực miền trung và Tây Nguyên do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tại Quảng Bình cuối tháng 8 vừa qua, toàn vùng có 27 trường đại học, 36 trường cao đẳng, 21 trường trung cấp chuyên nghiệp, 242 trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề và trung tâm dạy nghề đào tạo ngành nông nghiệp, trong đó có chuyên ngành thủy sản.
Thời gian qua, công tác tuyển sinh và đào tạo nhân lực ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp của các trường đại học, cao đẳng gặp khó khăn do sự suy giảm nhanh về số lượng sinh viên theo học; trong đó có một số chuyên ngành thủy sản truyền thống có rất ít hoặc thậm chí không có sinh viên đăng ký theo học. Nguyên nhân của thực trạng nêu trên là do thu nhập của người lao động trong ngành thủy sản còn thấp, điều kiện làm việc vất vả. Một số trường chưa chủ động đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy để đáp ứng yêu cầu người học và thị trường lao động...
Gỡ khó cho đào tạo nguồn nhân lực thủy sản
Dù được ví là nghề cha truyền con nối, nhưng chia sẻ của nhiều chủ tàu và thuyền trưởng cho thấy, nghề biển bây giờ đã đổi khác, lớp ngư dân hiện nay không chỉ cần được trang bị kiến thức và thuần thục những thao tác máy móc, thiết bị kỹ thuật tiên tiến để khai thác thủy sản hiệu quả. Điều đó càng làm rõ, đào tạo nghề cho lao động làm nghề biển là nhu cầu cần thiết để giúp ngư dân chuyển dần từ tư duy “làm lâu thành quen” sang tư duy khoa học, chính xác để bảo đảm cho tàu cá hoạt động hiệu quả và tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về chống khai thác IUU.
Mặt khác, các tình huống đột xuất, cứu hộ, cứu nạn giả định thông qua các lớp tập huấn sẽ giúp cho thuyền trưởng có thêm kiến thức, kỹ năng để xử lý các tình huống bất ngờ trên biển, bảo đảm cho người và phương tiện an toàn trong những chuyến đi biển dài ngày.
Trong một hội thảo về kinh tế biển gần đây tại tỉnh Quảng Bình, nhiều đại biểu nhấn mạnh, trước thực trạng chuyển dịch lao động nghề biển hiện nay, các bộ, ngành liên quan và địa phương ven biển cần xây dựng chính sách để thu hút, đào tạo lao động nghề biển, bảo đảm thu nhập và đời sống cho ngư dân, có như vậy mới giúp họ gắn bó lâu dài với nghề biển.
Theo Tiến sĩ Võ Khắc Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Quảng Bình, để giải bài toán nhân lực lao động trong lĩnh vực ngư nghiệp, trước hết cần sự quan tâm tạo điều kiện của Nhà nước và sự liên kết, hợp tác giữa các trường đại học, cao đẳng và dạy nghề với người tuyển dụng như doanh nghiệp, hợp tác xã. Cụ thể, cần tạo các mối liên kết chặt chẽ giữa trường đại học và doanh nghiệp trong việc đặt hàng đào tạo, giới thiệu việc làm cho sinh viên ngành thủy sản. Chính quyền và ngành nông nghiệp cần quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn cho các chương trình khởi nghiệp trong lĩnh vực này. Ngoài ra, cần có chủ trương, kế hoạch để các trường đại học, cơ sở dạy nghề cùng tham gia công tác giảng dạy môn học công nghệ ở các trường THPT nhằm nâng cao nhận thức và định hướng nghề nghiệp cho học sinh.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, định hướng trong thời gian tới sẽ đào tạo nghề nhằm tri thức hóa người nông dân, ngư dân. Bên cạnh việc đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, người lao động cần được bồi dưỡng, tập huấn thêm kiến thức về quản lý, sản xuất, kinh doanh và hiểu biết về các vấn đề kinh tế-xã hội, bởi đây là những yếu tố có tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của họ. Cùng với đó, các địa phương cần gắn công tác đào tạo, dạy nghề cho người lao động gắn với thực hiện chương trình tái cơ cấu ngành thủy sản để nâng cao giá trị các sản phẩm chủ lực, phát triển sản phẩm OCOP, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới trong sản xuất, chế biến và xuất khẩu sản phẩm thủy sản.