Bà Rịa-Vũng Tàu đứng thứ 2 cả nước về bến cảng biển

NDO - Bộ trưởng Giao thông vận tải vừa ký Quyết định số 1490/QĐ-BGTVT công bố Danh mục bến cảng thuộc các cảng biển Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
Cụm cảng Cái Mép-Thị Vải nhìn từ trên cao.
Cụm cảng Cái Mép-Thị Vải nhìn từ trên cao.

Theo đó, khu vực phía bắc và miền trung có 150 bến cảng. Trong đó, thành phố Hải Phòng nhiều nhất với 50 bến cảng.

Tại khu vực phía nam, cảng biển Bà Rịa-Vũng Tàu nhiều nhất với 47 bến cảng, Thành phố Hồ Chí Minh 40 bến cảng, Đồng Nai 18 bến cảng, Cần Thơ 17 bến cảng, Kiên Giang 4 bến cảng; các tỉnh Long An, Đồng Tháp, Vĩnh Long có 3 bến cảng; Tiền Giang, Hậu Giang và Trà Vinh 2 bến cảng; Bến Tre, Sóc Trăng, Cà Mau và Bình Dương 1 bến cảng.

So với Quyết định số 522/QĐ-BGTVT ngày 20/4/2022 của Bộ Giao thông vận tải về việc Công bố Danh mục bến cảng thuộc các cảng biển Việt Nam, danh mục bến cảng biển Việt Nam được bổ sung 14 cảng dầu khí ngoài khơi thuộc cảng biển Việt Nam. Bên cạnh đó, Quyết định số 1490/QĐ-BGTVT còn chia các bến cảng theo từng địa phương thay vì từng khu vực như quy định cũ.

Quyết định mới bổ sung một số bến cảng mới, bao gồm: Bến cảng Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1 (Khánh Hòa), Bến cảng chuyên dùng Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 2 và Bến cảng thuộc Dự án Khu phát triển Gas & LNG và các loại hình phụ trợ lọc hoá dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa), Bến cảng Quốc tế Trung Nam Cà Ná (Ninh Thuận), Bến cảng tổng hợp-container Hòa Phát Dung Quất (Quảng Ngãi).

Bộ Giao thông vận tải giao Cục Hàng hải Việt Nam có trách nhiệm tổ chức hướng dẫn thực hiện quản lý, khai thác bến cảng thuộc các cảng biển Việt Nam theo quy định của pháp luật. Hằng năm tổ chức cập nhật, trình Bộ Giao thông vận tải công bố Danh mục bến cảng thuộc các cảng biển Việt Nam theo quy định.