Làm rõ tác động của sân bay Long Thành đến hệ thống cảng biển và kinh tế của Bà Rịa-Vũng Tàu

NDO - Cho ý kiến về Quy hoạch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đề nghị cần làm rõ sân bay Long Thành dự kiến đi vào hoạt động năm 2025 sẽ tác động thế nào đến hệ thống cảng biển, logistics và kinh tế của tỉnh.
0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh phát biểu tại hội nghị.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh phát biểu tại hội nghị.

Sáng 16/2, tại Hà Nội, Hội đồng thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh tổ chức Hội nghị thẩm định Quy hoạch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng chí Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Hội đồng chủ trì hội nghị.

Cùng dự có các đồng chí: Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu; Nguyễn Văn Thọ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; các thành viên Hội đồng thẩm định; các chuyên gia quy hoạch tham gia Hội đồng thẩm định với tư cách ủy viên phản biện; đại diện các Bộ, ngành…

Bà Rịa-Vũng Tàu phải là trụ cột của vùng động lực phía nam

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng hoan nghênh và đánh giá cao các đồng chí lãnh đạo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã rất quan tâm, chỉ đạo sát sao công tác lập quy hoạch theo tinh thần đổi mới, cầu thị để có thể hoàn thiện cơ bản dự thảo quy hoạch.

Bộ trưởng cho biết công tác quy hoạch là công tác hết sức quan trọng, luôn đi đầu trong sự phát triển mỗi địa phương, mỗi vùng và mỗi quốc gia. Trong quá trình phát triển, phải bắt đầu từ định hướng phát triển, có định hướng đúng rồi thì sẽ phân bổ, tổ chức không gian phát triển, cũng như cơ cấu lại các ngành kinh tế của tỉnh và huy động nguồn lực một cách hiệu quả.

Làm rõ tác động của sân bay Long Thành đến hệ thống cảng biển và kinh tế của Bà Rịa-Vũng Tàu ảnh 1

Quang cảnh hội nghị.

“Nếu chúng ta chọn được một con đường đi đúng thì chúng ta sẽ đi nhanh và bền vững; nếu chúng ta chọn sai chúng ta sẽ lãng phí cả về thời gian và nguồn lực, quan trọng nhất là mất đi cơ hội cho phát triển của đất nước cũng như của vùng và địa phương” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Bộ trưởng nhấn mạnh phải đổi mới cách tiếp cận trong công tác lập quy hoạch, đó là dựa trên tiềm năng, thế mạnh về cả mặt tự nhiên và do chính địa phương tạo ra để tạo ra cơ hội, đồng thời phải chủ động kiến tạo để có bước phát triển nhanh nhất, mang lại hiệu quả cao nhất. Đây cũng là cơ hội để sắp xếp lại nội tại của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Theo Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư, Bà Rịa-Vũng Tàu phát triển mạnh mẽ trong những năm qua, tuy nhiên dư địa Bà Rịa-Vũng Tàu còn rất lớn, từ vị trí địa lý đến vai trò của tỉnh trong vùng Đông Nam Bộ.

Bà Rịa-Vũng Tàu là cửa ngõ quốc tế ra biển của cả vùng Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, có hệ thống cảng biển lớn vào bậc nhất của phía nam, nhưng tiềm năng của hệ thống cảng biển này đến nay chưa được khai thác tương xứng, giao thông kết nối kém. Các ngành kinh tế của Bà Rịa-Vũng Tàu vẫn đang phụ thuộc lớn vào dầu khí, chưa có các sản phẩm mới, ngành kinh tế mới…

Bộ trưởng cho biết Quốc hội đã thông qua Quy hoạch tổng thể quốc gia, xác định Bà Rịa-Vũng Tàu là một trong những vùng động lực của phía nam, bên cạnh TP Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai. Tuyến đường sắt đi Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đang được hình thành, kỳ vọng mở ra cơ hội mới và không gian mới cho tỉnh.

Bà Rịa-Vũng Tàu cần phải xác định rõ vai trò, vị trí, sứ mệnh của mình trong thời kỳ tới, chắc chắn phải là trụ cột của vùng động lực phía nam và phải là bệ đỡ hỗ trợ tăng trưởng của cả vùng Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Do đó, Bà Rịa-Vũng Tàu cần phải xác định rõ vai trò, vị trí, sứ mệnh của mình trong thời kỳ tới, chắc chắn phải là trụ cột của vùng động lực phía nam và phải là bệ đỡ hỗ trợ tăng trưởng của cả vùng Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ.

Bộ trưởng đề nghị các đại biểu tập trung cho ý kiến vào một số vấn đề, gồm: sự phù hợp của quy hoạch tỉnh với nhiệm vụ quy hoạch đã được điều chỉnh và pháp luật về quy hoạch; xử lý mâu thuẫn chồng chéo giữa các ngành, liên vùng liên huyện; các vấn đề liên quan đến môi trường…

Mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, bền vững

Phát biểu ý kiến, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Phạm Viết Thanh nhấn mạnh, Quy hoạch tỉnh là việc rất quan trọng không chỉ cho trước mắt mà còn định hướng đến 2030, tầm nhìn 2050.

Mặc dù thời gian tổ chức lập Quy hoạch tỉnh có khoảng 8 tháng trùng với thời gian cả nước thực hiện giãn cách xã hội do đại dịch Covid-19, song các tổ chức tư vấn cùng các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã tích cực, chủ động, phối hợp triển khai công việc, khắc phục khó khăn, thực hiện các nội dung lập quy hoạch bảo đảm chất lượng, hiệu quả. Tiến độ lập quy hoạch cơ bản bảo đảm hoàn thành trong thời hạn.

Làm rõ tác động của sân bay Long Thành đến hệ thống cảng biển và kinh tế của Bà Rịa-Vũng Tàu ảnh 2

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Phạm Viết Thanh phát biểu tại hội nghị.

Đồng chí Phạm Viết Thanh cho biết, Bà Rịa-Vũng Tàu là nền kinh tế có 5 phương thức giao thông, trong đó 4 phương thức đã hình thành là giao thông biển, giao thông thủy, giao thông đường không, giao thông đường bộ. Trong tương lại sẽ phát triển thêm giao thông đường sắt.

“Trong công tác lập quy hoạch, Bà Rịa-Vũng Tàu ý thức được nguyên tắc phải làm đúng ngay từ đầu, nếu không tạo được quy hoạch tốt thì sẽ đánh mất cơ hội, không khai thác được tiềm năng, thế mạnh” - Bí thư Tỉnh ủy nói.

Đồng chí nêu rõ, mục tiêu xây dựng chiến lược Quy hoạch tỉnh là hướng đến cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, bền vững, trong khuôn khổ tư vấn và khả năng của tỉnh.

Tiếp tục phát triển Côn Đảo trở thành đô thị du lịch sinh thái biển đảo

Điểm nổi bật của Quy hoạch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là đã kịp thời cụ thể hóa chủ trương, định hướng mới tại Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 154/NQ-CP của Chính phủ về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Quy hoạch đã xác định được các định hướng, tư duy đột phá để phát triển tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu xứng đáng là một cực tăng trưởng quan trọng của vùng và của cả nước.

Thực hiện phương châm phát triển “Đột phá - Năng động - Sáng tạo - Bền vững”, Quy hoạch đặt mục tiêu xây dựng Bà Rịa-Vũng Tàu phát triển toàn diện, là cửa ngõ ra biển của vùng Đông Nam Bộ và của quốc gia, đến năm 2030 trở thành đô thị loại I trực thuộc Trung ương, cơ cấu đô thị đa trung tâm, có kết cấu hạ tầng giao thông đa phương thức, phát triển tỉnh trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia, trung tâm dịch vụ hàng hải của khu vực Đông Nam Á; trung tâm du lịch chất lượng cao đẳng cấp quốc tế; đồng thời là trung tâm công nghiệp của vùng Đông Nam Bộ.

Làm rõ tác động của sân bay Long Thành đến hệ thống cảng biển và kinh tế của Bà Rịa-Vũng Tàu ảnh 3

Vụ trưởng Quản lý quy hoạch (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Đinh Trọng Thắng trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến của Cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định.

Trong đó, các điểm nhấn phát triển chủ yếu là: Hiện đại hóa Cảng cửa ngõ quốc tế Cái Mép-Thị Vải thành cảng quốc tế trung chuyển lớn nhất cả nước, có tầm cỡ khu vực châu Á và quốc tế; hình thành Khu thương mại tự do và trung tâm logistics Cái Mép Hạ; phát triển thành phố Vũng Tàu trở thành trung tâm du lịch chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế.

Đồng thời, tiếp tục phát triển Côn Đảo hoàn thiện mô hình khu du lịch quốc gia, trở thành đô thị du lịch sinh thái biển đảo; kinh tế phát triển hiệu quả theo hướng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, trung hoà carbon; phát triển các tổ hợp công nghiệp - đô thị - dịch vụ quy mô lớn tại thành phố mới Phú Mỹ, thu hút đầu tư các dự án hóa dầu, hạ nguồn hóa dầu, điện-điện tử, sản xuất robot, thiết bị tích hợp vận hành tự động, điều khiển từ xa, internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo…

Quy hoạch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu hướng tới sự phát triển năng động và bền vững, trên cơ sở bảo đảm các yếu tố then chốt: “Hạ tầng tốt, môi trường tốt, nhân lực tốt”. Trong thời kỳ 2021-2030, tỉnh tập trung thực hiện 4 đột phá phát triển, gồm: Hoàn thành các tuyến giao thông kết nối vùng và liên vùng, phát triển mạnh mẽ hệ thống cảng biển để kết nối thuận lợi với quốc tế, bảo đảm cho Bà Rịa-Vũng Tàu thực sự trở thành cửa ngõ của vùng và của quốc gia; hình thành trung tâm logistics cấp quốc gia, thành lập khu thương mại tự do tại Cái Mép Hạ, thu hút nhà đầu tư chiến lược và thiết kế hệ sinh thái hoàn chỉnh và đồng bộ, áp dụng các chuẩn mực hàng đầu quốc tế.

Cùng với đó, hình thành các đô thị du lịch với hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại, môi trường sống an toàn, trong lành, chất lượng vượt trội; định vị Bà Rịa-Vũng Tàu là trung tâm vui chơi giải trí và nghỉ dưỡng xứng tầm quốc tế. Ngoài ra, tỉnh cũng hướng tới hình thành các khu công nghiệp công nghệ cao để thu hút các nhà đầu tư và nguồn nhân lực trong các ngành sản xuất tiên tiến, sử dụng công nghệ hiện đại.

Tầm nhìn đến năm 2050, Bà Rịa-Vũng Tàu tiếp tục hoàn thiện đồng bộ và hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng: Hoàn thành hệ thống đường sắt Biên Hòa-Vũng Tàu; hệ thống Metro kết nối các trung tâm đô thị (Bà Rịa, Vũng Tàu, Phú Mỹ, Long Điền, Long Hải), hệ thống MonoRail kết nối các đô thị du lịch ven biển từ Vũng Tàu đến Bình Châu; sân bay chuyên dùng Gò Găng (thay thế sân bay Vũng Tàu) và sân bay chuyên dùng Đất Đỏ…

Nhằm sắp xếp, bố trí không gian hợp lý, bảo đảm tính khoa học, phù hợp với điều kiện tự nhiên, tiềm năng, lợi thế của từng khu vực, khắc phục xung đột phát triển giữa các ngành kinh tế trụ cột, Quy hoạch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu bố trí không gian phát triển tỉnh theo 4 vùng chức năng: Công nghiệp - cảng biển; Du lịch; Nông nghiệp cân bằng sinh thái; Vùng biển - hải đảo.


Trên cơ sở phân vùng chức năng, tập trung phát triển theo 3 trục động lực: Trục động lực phát triển dọc sông Thị Vải gắn với hệ thống giao thông liên cảng và Quốc lộ 51; Trục động lực phát triển mới dọc cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu và đường Vành đai 4 TP Hồ Chí Minh; Trục động lực kinh tế du lịch ven biển, dọc đường Tỉnh lộ 994, trục kết nối cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu.

Cho ý kiến vào Quy hoạch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đề nghị cần làm rõ sân bay Long Thành dự kiến đi vào hoạt động năm 2025 sẽ tác động thế nào đến hệ thống cảng biển, logistics và kinh tế của tỉnh.

Các chuyên gia thẩm định cho rằng, báo cáo quy hoạch cần đánh giá thêm về vai trò của kinh tế biển, lượng hóa tỷ trọng dịch vụ-du lịch trong nền kinh tế, phân tích sâu vai trò và đóng góp của đô thị hóa trong quá trình phát triển của địa phương, cũng như đánh giá kỹ hơn thực trạng, các kịch bản phát triển.

Đồng thời, quy hoạch cũng cần xem xét vấn đề môi trường biển, làm rõ tác động của quy hoạch đối với biến đổi khí hậu và ngược lại.

Phát biểu kết luận, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị tổng rà soát nội dung của Quy hoạch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, bảo đảm phù hợp với các nghị quyết mới của Trung ương, Bộ Chính trị, Chính phủ, Quốc hội, cũng như Quy hoạch tổng thể quốc gia đã được thông qua, và định hướng phát triển đối với quy hoạch vùng Đông Nam Bộ.

Làm rõ tác động của sân bay Long Thành đến hệ thống cảng biển và kinh tế của Bà Rịa-Vũng Tàu ảnh 4

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu ý kiến tại hội nghị.

Quy hoạch cần tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, giải trình để hoàn thiện hồ sơ dựa trên ý kiến thẩm định của các bộ, ngành, chuyên gia, trong đó bổ sung, làm rõ quy trình lập quy hoạch; định hình cụ thể vai trò, vị trí, sứ mệnh của tỉnh với vùng Đông Nam Bộ và quốc gia; xác định rõ các giá trị khác biệt, lợi thế cạnh tranh, cơ hội nổi trội mới để biết được đâu là động lực, đột phá cho tăng trưởng.

Đồng thời, cần làm rõ định hướng phát triển, mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, từ đó có định hướng phân bổ không gian, nguồn lực cho các dự án mang tính đột phá, lưu ý việc gắn kết với sân bay Long Thành và các vùng Nam Trung Bộ, Tây Nguyên…

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng gợi mở một số ngành kinh tế lớn để Bà Rịa-Vũng Tàu tập trung phát triển, gồm công nghiệp, cảng-logistics, du lịch, đô thị; nhấn mạnh việc rà soát lại phương án phát triển khu công nghiệp, phương án phát triển các trục động lực, các vùng chức năng trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh; xác định các khu vực động lực chính để ưu tiên đầu tư; rà soát nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực…