Tại sao lại phải phân biệt tiêu chuẩn giữa hàng xuất nhập khẩu và hàng nội địa?

Vừa qua, nhiều doanh nghiệp Việt có sản phẩm bị tuýt còi vì vi phạm luật an toàn thực phẩm của nước sở tại nhưng vẫn đạt tiêu chuẩn trong nước khiến người tiêu dùng hoang mang. Các doanh nghiệp cho biết, sản phẩm đó là hàng nội địa không dành cho thị trường này khiến nhiều người nghĩ phải chăng tiêu chuẩn hàng nội địa thấp hơn hàng xuất khẩu? Người tiêu dùng cần hiểu vấn đề này thế nào cho đúng để tránh hoang mang?
0:00 / 0:00
0:00
Tại sao lại phải phân biệt tiêu chuẩn giữa hàng xuất nhập khẩu và hàng nội địa?

Sự khác nhau giữa hàng nội địa, hàng xuất khẩu và hàng xách tay

Hiện nay, hàng hóa của nhà sản xuất thường được chia thành 2 dạng hàng nội địa và hàng xuất khẩu. Vậy hai loại hàng hóa này phân biệt thế nào? Có khác nhau về tiêu chuẩn?

Hàng nội địa là những hàng hóa được sản xuất để tiêu thụ và phục vụ cho nhu cầu của người dân chỉ ở quốc gia đó. Những mặt hàng này được sản xuất trực tiếp ở trong nước đó, cũng có thể sản xuất ở nước khác (nhân công rẻ hơn, nguyên liệu nhiều hơn) nhưng vẫn được chuyển về quốc gia đó và thông qua khâu kiểm soát chất lượng chặt chẽ mà nước đó đặt ra.

Còn hàng xuất khẩu là những mặt hàng vẫn được kiểm soát chất lượng chặt chẽ, đạt tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm của nước đó; đồng thời, đạt những chỉ số đặc thù mà nước tiếp nhận hàng xuất khẩu đó yêu cầu. Những sản phẩm xuất khẩu được kiểm soát chất lượng của đất nước tiêu thụ, đáp ứng những yêu cầu của nước đó đặt ra.

Hàng xuất khẩu còn được chia thành hàng xuất khẩu tiểu ngạch và xuất khẩu chính ngạch. Hàng xuất khẩu tiểu ngạch là hình thức trao đổi, buôn bán hàng hóa giữa người dân sinh sống ở gần biên giới giữa hai nước có đường biên giới liền kề nhau. Khi tham gia vào hình thức kinh doanh này, các cá nhân vẫn phải đóng thuế và chịu sự kiểm tra nghiêm ngặt về chất lượng hàng hóa, kiểm dịch động thực vật, an toàn vệ sinh thực phẩm và tiêu chuẩn… bởi các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành trước khi thông quan.

Nhập khẩu chính ngạch là hình thức giao thương, mua bán quốc tế được tiến hành hợp pháp dựa theo quy định pháp luật của từng nước nhập khẩu, trong đó, nước nhập khẩu và nước xuất khẩu có chung đường biên giới với nhau. Toàn bộ những mặt hàng khi nhập khẩu chính ngạch đều phải đóng thuế theo quy định pháp luật và được kiểm tra kỹ lưỡng. Các khâu kiểm tra đều được thực hiện và cấp phép bởi các cơ quan chuyên ngành và phải công khai xuất xứ, nguồn gốc đến cơ quan hải quan cùng với chứng từ của hàng hóa.

Nhập khẩu chính ngạch là hình thức nhập khẩu phù hợp nhất đối với những công ty, doanh nghiệp có nhu cầu mua hàng hóa với số lượng lớn. Hình thức này sẽ đảm bảo được tính pháp lý đầy đủ, minh bạch cho hàng hóa nhập vào.

Đứng giữa hàng nội địa và hàng xuất khẩu thì còn có một loại hàng hóa vẫn lưu thông trên thị trường là hàng xách tay. Hàng xách tay là hàng được mua trực tiếp tại các siêu thị hay các cửa hàng tại quốc gia có sản phẩm ấy và vận chuyển theo hành lý của người bay hoặc gửi cargo. Những sản phẩm này cũng chịu sự kiểm tra gắt gao về chất lượng theo quy định của nước đó.

Như vậy có thể hiểu hàng nội địa hay hàng xuất khẩu đều được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng và phải bảo đảm an toàn. Tuy nhiên, mỗi nước lại có những quy định khác nhau về tiêu chuẩn nên hàng nhập khẩu và hàng nội địa sẽ có những tiêu chuẩn khác nhau.

Vì sao tiêu chuẩn hàng nội địa và hàng xuất khẩu lại khác nhau?

Như đã nói ở trên, hàng nội địa là những hàng hóa được sản xuất để tiêu thụ chỉ ở quốc gia đó, dành riêng cho người dân quốc gia đó còn hàng xuất khẩu vẫn là hàng được nước đó sản xuất, vẫn qua khâu kiểm soát chất lượng nhưng với tiêu chuẩn chất lượng của nước tiêu thụ, không dùng để tiêu thụ tại đó mà xuất khẩu qua các nước khác. Bao bì trên sản phẩm thường xuất hiện ngôn ngữ khác.

Tại sao lại phải phân biệt tiêu chuẩn giữa hàng xuất nhập khẩu và hàng nội địa? ảnh 1

Tương tự như các mặt hàng khác, ở mỗi quốc gia, mặt hàng thực phẩm cũng được kiểm soát bởi những tiêu chuẩn khác nhau nhưng đều phải bảo đảm chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Sở dĩ có điều này vì việc xây dựng quy chuẩn an toàn thực phẩm còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đặc thù của mỗi quốc gia như: thời tiết, khí hậu, môi trường, sức khỏe con người… nên rất khó so sánh để nói luật an toàn quốc gia này gắt hơn luật quốc gia kia. Do đó, trước khi sản xuất mặt hàng thực phẩm để xuất khẩu sang một quốc gia, các doanh nghiệp phải tìm hiểu và phân tích rất kỹ lưỡng quy chuẩn kỹ thuật an toàn thực phẩm của quốc gia mục tiêu để điều chỉnh sản phẩm của mình sao cho phù hợp.

Tương tự tiêu chuẩn giữa hàng nội địa và hàng xuất khẩu cũng vậy. Hàng nội địa không được chấp nhận ở một nước nào đó không có nghĩa tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm của hàng nội địa thấp hơn nước đó mà do không đáp ứng đúng những tiêu chí mà nước đó đặt ra.

Thực tế, nếu doanh nghiệp xuất khẩu chính ngạch vào nước đó thì đa số đều tìm hiểu trước tiêu chuẩn và sản xuất hàng theo tiêu chuẩn của nước đó. Vậy tại sao vẫn có những trường hợp sản phẩm bị “tuýt còi” ở nước sở tại phải thu hồi. Tìm hiểu từ các doanh nghiệp thì được biết đây nhiều khi là hàng sản xuất cho thị trường nội địa nhưng lại bị các công ty mang đi phân phối ở nước ngoài hoặc thông qua con đường xách tay dẫn đến không hợp quy với tiêu chuẩn của nước sở tại.

Tóm lại, không thể so sánh tiêu chuẩn kỹ thuật về an toàn thực phẩm của hàng xuất khẩu cao hơn hàng nội địa vì chung quy lại, các quy chuẩn kỹ thuật an toàn thực phẩm của các nước đều có điểm chung là ban hành để phù hợp đặc thù của quốc gia đó và bảo đảm tối ưu nhất sức khỏe của người tiêu dùng.