Đổi mới phong cách lãnh đạo, phát huy vai trò công tác dân vận

Từ một tỉnh nông nghiệp, Hưng Yên đang hướng mạnh vào các mục tiêu, giải pháp để sớm trở thành tỉnh công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ hiện đại, phát triển nhanh và bền vững ở vùng đồng bằng sông Hồng. Thực tế ghi nhận đây là quá trình cấp ủy, chính quyền các cấp đổi mới phong cách lãnh đạo, phát huy vai trò công tác dân vận, vận hành đồng bộ, hiệu quả hệ thống chính trị từ cơ sở, tạo sự đồng thuận xã hội nhằm tăng cường nguồn lực cho các mục tiêu phát triển…
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh: Phạm Hà
Ảnh: Phạm Hà

Phát huy nội lực từ cơ sở

Hưng Yên đang trong lộ trình chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế gắn liền bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Quá trình nêu trên đặt ra nhiều thách thức, vấn đề "nóng" cần giải quyết. Tỉnh tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cải thiện chỉ số CPI; tháo gỡ khó khăn, khai thông các "điểm nghẽn" trong triển khai các dự án phát triển các khu cụm công nghiệp, đường giao thông nội bộ, vùng và quốc gia, công tác giải phóng mặt bằng…

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết, với các mục tiêu phát triển, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tập trung đổi mới phương thức, tăng cường lãnh đạo công tác dân vận trong tình hình mới. Tỉnh triển khai, thực hiện "Ðề án nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện công tác dân vận của cơ quan hành chính nhà nước, giai đoạn 2021-2025", nhân rộng mô hình "Dân vận khéo" trong toàn tỉnh.

Bài học thực tiễn cho thấy, cấp xã, phường là nơi phát huy nguồn lực trong nhân dân, đưa nghị quyết vào cuộc sống, khẳng định tính hiệu quả của các chủ trương, chính sách trong phát triển. Tuy nhiên, ở nhiều địa phương, vai trò lãnh đạo chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền chưa ngang tầm với nhiệm vụ cả về năng lực, trách nhiệm và phương pháp công tác. Việc phát huy nội lực từ cơ sở, giải quyết những "điểm nghẽn" trước các mục tiêu phát triển còn hạn chế.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo cấp ủy viên các cấp (tỉnh, huyện và xã), mục tiêu là hướng mạnh về cơ sở, sinh hoạt với các tổ chức cơ sở đảng, chỉ đạo giải quyết các vấn đề tại cơ sở.

Mới đây, Chủ tịch UBND huyện Ân Thi Dương Tuấn Kiệt, khi về sinh hoạt cùng Chi bộ thôn Đan Tràng, xã Hồng Vân đã tổng kết kinh nghiệm, bài học về vai trò của đảng viên trong công tác dân vận, tham gia các phong trào của địa phương; tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, các địa phương cùng cơ quan chức năng bám sát nhiệm vụ, địa bàn tháo gỡ "điểm nghẽn" trong quá trình đầu tư, đặc biệt trong giải phóng mặt bằng, các dự án trọng điểm quốc gia và của tỉnh; tập trung nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo các cấp ủy tập trung vận hành đồng bộ, hiệu quả hệ thống chính trị từ cơ sở, tạo sự đồng thuận xã hội cao, tăng cường nguồn lực cho các mục tiêu phát triển. Trong đó, gắn kết giữa cấp ủy, chính quyền và Mặt trận Tổ quốc trong phát huy, tăng cường, giám sát thực hiện các công trình, dự án trọng điểm; phát triển kinh tế- xã hội.

Hưng Yên đặt mục tiêu đến năm 2030 có 29 khu công nghiệp trên địa bàn với diện tích 9.240 ha và 43 cụm công nghiệp với tổng diện tích 2.191 ha; đồng thời triển khai dự án đường Vành đai 4-vùng Thủ đô Hà Nội, là dự án quan trọng quốc gia, dài hơn 19km qua địa phận 4 huyện của tỉnh. Tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo Các dự án trọng điểm của tỉnh do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp làm Trưởng ban.

Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị-xã hội các cấp trong tỉnh có chương trình công tác hướng mạnh vào việc phát huy vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.

Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Quách Thị Hương cho biết, hệ thống dân vận phối hợp Mặt trận Tổ quốc các cấp đổi mới tuyên truyền vận động; bảo đảm vận hành hiệu quả các cơ chế, giải pháp đẩy nhanh việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho nhân dân, dành đất cho các công trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội.

Để triển khai các dự án, chương trình đầu tư trọng điểm, giai đoạn từ năm 2021 đến tháng 6/2023, tỉnh Hưng Yên quyết liệt giải phóng mặt bằng được gần 2.000 ha đất. Khảo sát tại các huyện Văn Lâm, Yên Mỹ, Ân Thi cùng nhiều địa phương cho thấy, hệ thống dân vận toàn tỉnh phát triển các mô hình, điển hình "Dân vận khéo"; thường xuyên nắm chắc tình hình nhân dân, tham mưu với cấp ủy, chính quyền triển khai thực hiện hiệu quả Quy chế dân chủ ở cơ sở; giải quyết dứt điểm, kịp thời các vấn đề bức xúc liên quan trực tiếp đến đời sống của nhân dân, trên các lĩnh vực của đời sống xã hội…

Sự phối hợp hiệu quả giữa hệ thống dân vận và MTTQ các cấp trong công tác vận động nhân dân, các vướng mắc, điểm nghẽn đều được khai thông, tạo đồng thuận xã hội, bảo đảm giải phóng mặt bằng cho các công trình dự án trọng điểm đúng tiến độ. Việc thu hồi, đền bù đất không ảnh hưởng đến việc sản xuất nông nghiệp của các hộ gia đình, không ảnh hưởng đến an ninh trật tự trên địa bàn.

Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hưng Yên Trần Quốc Toản cho biết, nhằm bảo đảm các mục tiêu phát triển nhiệm kỳ 2020-2025, thu hút đầu tư, huy động nguồn lực phát triển, Hưng Yên hướng mạnh vào cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; coi trọng đầu tư phát triển hạ tầng nông thôn, đô thị, xây dựng nông thôn mới. Từ thực tiễn và yêu cầu đặt ra, việc nâng cao chất lượng, hiệu quả dân vận của cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trở thành vấn đề cấp bách.

Trong quá trình này, việc nâng cao năng lực lãnh đạo của Tổ chức đảng chất lượng hiệu quả hiệu lực hoạt động chính quyền các cấp, nhất là cấp xã, phường đặc biệt quan trọng.

Tỉnh ban hành đề án, xây dựng mô hình dân vận "chính quyền phục vụ người dân và doanh nghiệp", đồng thời chỉ đạo thành lập ban chỉ đạo mô hình từ cấp tỉnh đến xã. Nội dung triển khai mô hình nhằm đổi mới nội dung, phương thức thực hiện công tác dân vận, nhất là công tác dân vận của chính quyền. Trước hết là nâng cao đạo đức công vụ, ý thức trách nhiệm và phong cách phục vụ nhân dân của đội ngũ "công bộc".

Đối với hoạt động của chính quyền, bảo đảm công khai, dân chủ, hướng tới chính quyền điện tử; bảo đảm cơ sở vật chất, môi trường công sở văn minh… Tựu trung bảo đảm chính quyền cơ sở chuyển mạnh từ "quản lý sang phục vụ".

Từ mô hình này, các xã toàn tỉnh đã đặc biệt coi trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, nhân viên thực hiện nghiêm túc pháp luật, chuẩn mực đạo đức công vụ, có trách nhiệm, tinh thần phục vụ cao đối với người dân và doanh nghiệp.

Huyện Văn Lâm nhiều năm liền thuộc "top" đầu của tỉnh về cải cách hành chính. Khi bước vào thực hiện, các xã trong toàn huyện đã đầu tư cơ sở vật chất trang bị tại "Bộ phận một cửa", đồng thời rà soát kiện toàn nhân sự phù hợp đáp ứng yêu cầu mới. Đây cũng là quá trình huyện đẩy mạnh sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Qua triển khai mô hình huyện đã tiếp tục rút ngắn từ 30 đến 40% thời gian giải quyết thủ tục hành chính của một số lĩnh vực; từ đó đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và tập trung triển khai một số công trình hạ tầng kinh tế-xã hội của huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Văn Lâm Trần Chu Đức cho biết.

Yên Mỹ là địa phương có nhiều khu công nghiệp, yêu cầu giải phóng mặt bằng phục vụ chuyển dịch cơ cấu kinh tế là yêu cầu vừa thường xuyên vừa cấp bách. Huyện đã chỉ đạo, đầu tư cơ sở vật chất, triển khai ra mắt mô hình tại 17 xã, thị trấn theo hướng đầu tư cải cách hành chính đồng bộ, toàn diện. "Bộ phận một cửa" từ huyện đến xã đã niêm yết công khai gần 300 thủ tục hành chính; thực hiện trên phần mềm thuộc 15 lĩnh vực, bảo đảm xử lý đúng, nhanh, kịp thời thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp.

Từ đầu năm đến nay, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tiếp nhận hơn 25 nghìn hồ sơ thuộc các lĩnh vực, giải quyết hơn 23 nghìn hồ sơ đạt 93,4%. Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 tiếp tục duy trì tốp đầu của tỉnh…

Bí thư Huyện ủy Nguyễn Văn Đoan cho biết, cùng với cải cách hành chính, mô hình nêu trên đã góp phần thúc đẩy, hỗ trợ góp phần hiện đại hóa nền hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành từ huyện đến xã, dịch vụ hành chính công, dịch vụ sự nghiệp công ích. Trong đó có lộ trình để xây dựng phương án, kịch bản giải phóng mặt bằng huy động nguồn lực đầu tư vùng lõi, vùng trung tâm đô thị và xây dựng nông thôn mới nâng cao trên địa bàn huyện.

Kinh nghiệm được tổng kết từ quá trình nêu trên ở Hưng Yên cho thấy vai trò quan trọng của công tác dân vận, luôn chú trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, gắn liền với bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng từ cơ sở. Đồng thời, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội các cấp trong tỉnh hướng mạnh vào phát huy vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tăng cường sự đồng thuận của nhân dân, đồng hành của doanh nghiệp trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh của địa phương.