Các đại biểu đã thảo luận, nêu giải pháp nhằm hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi sang sử dụng phương tiện giao thông điện; chia sẻ kinh nghiệm, xu thế của quốc tế và đề xuất cơ chế, chính sách đột phá nhằm phát triển loại hình phương tiện này ở Việt Nam.
Xu thế tất yếu
Phát biểu ý kiến khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn nhấn mạnh, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường từ khí thải của các phương tiện giao thông đang là vấn đề cấp bách mang tính toàn cầu. Ở nhiều quốc gia trên thế giới, các dòng ô-tô điện được coi là giải pháp giảm phát thải khí nhà kính, hạn chế tình trạng ô nhiễm không khí.
Tùy điều kiện thực tế mỗi quốc gia, việc áp dụng lộ trình phát triển ô-tô điện khác nhau. Ở nước ta, việc chuyển đổi phát triển kinh tế xanh là xu thế tất yếu và là mục tiêu hướng đến, nhằm thực hiện định hướng phát triển theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 5 năm, 10 năm đã đề ra.
Tương tự các nước trong khu vực, vừa qua, Việt Nam đã ban hành một loạt chính sách ưu đãi, hỗ trợ ngành sản xuất, lắp ráp ô-tô điện và các chính sách khuyến khích sử dụng ô-tô điện. Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu chuyển đổi năng lượng xanh, đã nảy sinh nhiều khó khăn, thách thức, như: nhận thức của cơ quan, doanh nghiệp về việc chuyển đổi năng lượng xanh chưa đầy đủ; thiếu hạ tầng trạm sạc; thiếu cơ chế khuyến khích tiêu dùng và sử dụng xe điện,…
Thứ trưởng Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn. |
“Đây là diễn đàn để các cơ quan quản lý, doanh nghiệp cùng bàn thảo về các quy định, chính sách và định hướng quản lý, thúc đẩy việc chuyển đổi năng lượng xanh. Bộ Giao thông vận tải luôn trân trọng đón nhận các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp vào định hướng cũng như giải pháp góp phần thực hiện việc chuyển đổi năng lượng xanh đối với các loại hình phương tiện vận tải, hướng tới mục tiêu bảo vệ môi trường, an toàn và thuận lợi nhất cho người tham gia giao thông”, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn khẳng định.
Theo Phó Viện trưởng phụ trách Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải Phạm Hoài Chung, ở Việt Nam hiện có 5 triệu ô-tô, tốc độ tăng trưởng trung bình 13,3%/năm, điểm đáng lưu ý là số lượng ô-tô điện tăng nhanh chóng trong vài năm trở lại đây. Đến nay, đã có hơn 20 nghìn xe ô-tô điện sản xuất lắp ráp và nhập khẩu được kiểm tra, cấp giấy chứng nhận.
Ngoài 2 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô-tô điện trong nước là VinFast và Công ty cổ phần ô-tô TMT, một số doanh nghiệp cũng giới thiệu một số mẫu xe ô-tô điện để tìm hiểu thị trường và tiến tới sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, cả nước cũng có 72 triệu xe máy đã đăng ký với tốc độ tăng trưởng 9,3%/năm; riêng xe máy điện có khoảng 2 triệu chiếc đã đăng ký (chiếm 2,7%). Hệ thống trạm sạc điện có độ bao phủ cao nhất hiện nay tại Việt Nam là hệ thống của VinFast đặt tại các bãi đỗ xe, bến xe, trung tâm thương mại, trạm xăng dầu,... với hơn 150 nghìn cổng sạc cho xe máy điện và ô-tô điện.
Trong khi đó, công ty Evida cũng đang cung cấp thiết kế, lắp đặt và vận hành hệ thống trạm sạc xe điện Eboost dự kiến phủ khắp toàn quốc và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng đã nghiên cứu, sản xuất thành công trạm sạc nhanh cho ô-tô điện.
Loại hình taxi điện cũng đã xuất hiện, đến tháng 7/2023 vừa qua có khoảng 2.700 taxi điện đang hoạt động. Đây được coi là cú hích thúc đẩy các doanh nghiệp taxi trên cả nước tích cực tham gia triển khai lộ trình chuyển đổi sang phương tiện điện. Việt Nam hiện đã xây dựng chính sách ưu đãi, hỗ trợ sản xuất, lắp ráp ô-tô điện tương đương hoặc thậm chí cao hơn một số nước trong khu vực.
Ô-tô điện mini sẽ là xu hướng di chuyển trong tương lai ở Việt Nam
Các chính sách để khuyến khích sử dụng ô-tô điện của Việt Nam đang tập trung vào dòng xe điện chạy pin thông qua các ưu đãi về thuế dành cho cả doanh nghiệp sản xuất xe điện (thuế nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp...) cũng như trong việc hỗ trợ cho người sử dụng xe điện được sử dụng xe điện với chi phí thấp hơn (thuế tiêu thụ đặc biệt, lệ phí trước bạ).
Chính sách đột phá phát triển xe điện
Viện trưởng Nghiên cứu chiến lược chính sách Công thương Nguyễn Văn Hội nhận định, không chỉ liên quan vấn đề môi trường ở COP26 mà còn nhiều hiệp định thương mại Việt Nam là thành viên, đều có nội dung liên quan đến xe điện. Đi kèm theo đó là công nghiệp chế tạo pin, công nghiệp phụ trợ và hạ tầng lưới điện.
Ông Phan Lê Hoàng Linh, Trưởng phòng Chế tạo (Cục Công nghiệp, Bộ Công thương) cũng đánh giá, phát triển xe điện và xe thân thiện môi trường là một trong những nội dung được quan tâm nhất khi xây dựng chiến lược phát triển ngành ô-tô giai đoạn 2030-2045. Với vai trò quản lý nhà nước, Bộ Công thương mong muốn làm nổi bật hai nội dung chính trong chiến lược. Đầu tiên là có lộ trình và chọn dòng xe điện hóa thích hợp với Việt Nam trong từng giai đoạn phát triển, dựa trên thực tiễn. Trên cơ sở đó, xác định từng giai đoạn sẽ ưu tiên những chính sách nào, như ưu đãi thuế, ưu đãi đầu tư sản xuất hay hỗ trợ người dùng,...
Bà Trần Thị Bích Ngọc, Trưởng phòng Thuế xuất nhập khẩu (Cục Giám sát quản lý thuế, phí và lệ phí, Bộ Tài chính) cho biết, hiện nay các luật về thuế thuộc thẩm quyền ban hành của Quốc hội, trong đó có Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Trong chiến lược về thuế, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ, Quốc hội để sửa Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.
Đối với chiến lược phát triển năng lượng xanh cũng như phát triển ô-tô điện, các đề xuất của Bộ Tài chính sẽ không nằm ngoài định hướng phát triển của Chính phủ và các chiến lược ngành để trình ra phương án phù hợp nhất bảo đảm tính cạnh tranh cho Việt Nam cũng như phù hợp định hướng phát triển kinh tế trong thời kỳ tới. Ngoài ưu đãi thuế thu nhập về pin, các thuế nhập khẩu linh kiện để sản xuất pin cũng sẽ được điều chỉnh biểu thuế theo hướng đối với các mặt hàng trong nước chưa sản xuất được sẽ để mức 0%, các mặt hàng trong nước sản xuất nhưng chưa đáp ứng đủ nhu cầu cũng sẽ để ở mức thuế vừa phải.
"Hiện nay, các chính sách đang ưu đãi khá lớn cho cả nhà sản xuất lẫn người tiêu dùng, không thua kém gì các nước khác, thậm chí có phần ưu đãi tốt hơn", bà Ngọc nhận xét.
“Giải mã” xu hướng xe điện tại Việt Nam
Đại diện Hiệp hội Các nhà sản xuất ô-tô Việt Nam (VAMA) nhận định, việc chuyển đổi sang xe điện hóa, xe thân thiện với môi trường là nhu cầu tất yếu và phù hợp với Quyết định 876/QĐ-TTg, cũng như cam kết của Chính phủ tại COP26. Để chuyển đổi sang xe điện hóa và xe dùng năng lượng xanh, cần tới cả nguồn lực của nhà nước và doanh nghiệp. Trong đó, nhà nước đóng vai trò định hướng, xây dựng chính sách và các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.
Theo số liệu VAMA tổng hợp, đến năm 2020, giá xe điện đang đắt hơn xe ICE khoảng 40%, chủ yếu bởi giá pin cao, kể cả giá pin giảm trong tương lai thì sự chênh lệch vẫn còn lớn. Do vậy, việc chuyển đổi cần được tiếp cận một cách cân bằng, phát triển hài hòa, tránh gây xáo trộn thị trường. Để phát triển xe điện, việc hỗ trợ thị trường tiêu thụ là yếu tố rất quan trọng, ngoài hỗ trợ cho sản xuất trong nước, VAMA đề xuất bổ sung chính sách hỗ trợ xe điện nhập khẩu theo lộ trình; đồng thời áp dụng phương pháp giới hạn mức tiêu thụ nhiên liệu trung bình chung (CAFE).
Trạm sạc của Vinfast. |
Chia sẻ về những khó khăn của các doanh nghiệp, đại diện Công ty phát triển trạm sạc Ever EV cho rằng, hiện có một số vấn đề đối với nhà phát triển trạm sạc. Nhà cung cấp điện là Tập đoàn EVN chưa tạo điều kiện thuận lợi, ở Việt Nam lắp trạm sạc nhanh rất khó. Ở Việt Nam, bên bán lẻ phân phối điện năng do Nhà nước độc quyền, trạm sạc bản chất là bán lẻ điện nhưng lại sử dụng khái niệm “dịch vụ sạc”. Hiện tại, các nhà phát triển trạm sạc độc lập không kỳ vọng ở nguồn tài chính nhà nước hoặc vay tín dụng, mà đều tìm kiếm nguồn vốn từ các quỹ đầu tư.
Các chuyên gia đánh giá, trong quá trình xây dựng dự thảo về giá điện bán lẻ mới của Bộ Công thương, đã từng nêu khung giá điện cho trạm sạc, nhưng trong quyết định ban hành mới đây lại không có. Bên cạnh đó, việc độc quyền trạm sạc sẽ gây khó khăn trong quá trình phát triển giao thông điện, vì vậy cần có quy định pháp lý phù hợp để giải quyết vấn đề này,...