“Giải mã” xu hướng xe điện tại Việt Nam

Sản xuất xe điện đang từng bước trở thành xu hướng tất yếu của ngành công nghiệp ô-tô trên thế giới. Tại Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP), Chính phủ Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Để nắm bắt cơ hội, thực hiện tốt các mục tiêu, Việt Nam cần một chiến lược tổng thể với tầm nhìn dài hạn, xây dựng chính sách đồng bộ và khả thi để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp ô-tô Việt Nam theo hướng “xanh”.
0:00 / 0:00
0:00
Kiểm tra sản phẩm ô-tô điện trước khi xuất xưởng tại nhà máy sản xuất ô tô Baojun, thành phố Liễu Châu, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.
Kiểm tra sản phẩm ô-tô điện trước khi xuất xưởng tại nhà máy sản xuất ô tô Baojun, thành phố Liễu Châu, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.

Với mục tiêu của Đảng và Nhà nước đến năm 2045, Việt Nam là nước công nghiệp phát triển có thu nhập cao, việc người dân sử dụng phương tiện di chuyển bằng xe máy sẽ ít còn phù hợp trong các đô thị lớn. Như vậy, ô-tô điện mini sẽ trở thành sản phẩm thay thế phương tiện xe máy hết niên hạn sử dụng.

Bước nhảy vọt của thị trường xe điện

Mới đây, chúng tôi đã có dịp “thực mục sở thị” nhà máy sản xuất xe điện du lịch Baojun tại thành phố Liễu Châu (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc), được đầu tư 4 tỷ nhân dân tệ, quy mô 133 ha, dây chuyền công nghệ sản xuất rất hiện đại, với 14 phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn quốc tế về thử nghiệm xe. Nếu tính công suất, bình quân mỗi phút, nhà máy này xuất xưởng 1 ô-tô điện mini.

Đây là một nhà máy sản xuất của SGMW, một liên doanh giữa General Motors (GM-Mỹ), SAIC Motor và Liuzhou Wuling Motors (Trung Quốc). Liên doanh SGMW là một điển hình về thành công của hợp tác Mỹ-Trung Quốc, đã xuất khẩu hơn 800 nghìn chiếc xe tới 96 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Theo ông Ritch Schaafssma, Phó Chủ tịch điều hành liên doanh SGMW tại Liễu Châu, liên doanh được thành lập năm 2002. Khi mới thành lập, SGMW chỉ có một cơ sở tại Liễu Châu, với 200 nhân viên nghiên cứu và phát triển (R&D). Trong liên doanh SGMW, sau vài lần điều chỉnh tỷ lệ vốn góp, hiện GM nắm 44%, SAIC chiếm 50,1%, còn Wuling Motors chiếm 5,9%. GM giữ vai trò phát triển sản phẩm, chuyển giao công nghệ sản xuất cũng như kiểm soát chất lượng, còn Công ty Công nghiệp ô-tô Thượng Hải (SAIC) - tập đoàn ô-tô lớn nhất Trung Quốc đảm nhận việc bán hàng, dịch vụ bảo hành, marketing và chăm sóc khách hàng.

Sau hơn 20 năm, SGMW đã phát triển rất nhanh cả về quy mô sản xuất lẫn sản lượng tiêu thụ. Đến nay, SGMW có tổng cộng 6 nhà máy sản xuất đặt tại Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia, với hơn 20 nghìn nhân viên, trong đó đội ngũ R&D hơn 5.000 người, trở thành một doanh nghiệp sản xuất ô-tô mini hiện đại hóa và quốc tế hóa.

Để đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng GM toàn cầu, các mẫu xe của SGMW đều sử dụng vật liệu thép cường độ cao 1.500 MPA, kết cấu thân dạng lồng, trang bị các tính năng an toàn cao, được kiểm tra nghiêm ngặt trước khi xuất xưởng. Hiện tại, sản phẩm xe điện của SGMW liên tục được cập nhật các mẫu xe đáp ứng thị hiếu đa dạng của người tiêu dùng. Tính đến tháng 6/2023, tổng doanh số bán hàng tích lũy của liên doanh SGMW đã vượt con số 27 triệu xe.

Ông Tăng Chiết Hoa, Giám đốc Marketing của SGMW cho hay, SGMW bắt đầu nghiên cứu và phát triển xe điện mini vào đầu năm 2014. Dựa trên kết quả thu thập hồ sơ dữ liệu lớn về xe và nghiên cứu, khảo sát thực tế người tiêu dùng, SGMW đã phát hiện ra nhu cầu của thị trường về xe điện cỡ nhỏ sử dụng năng lượng sạch.

Wuling HongGuang MiniEV được đánh giá là mẫu ô-tô điện mini bán chạy nhất thế giới trong 3 năm liền vừa qua (2020-2022). Năm 2022, dòng xe này đã tiêu thụ hơn 554 nghìn chiếc tại Trung Quốc, nếu tính từ khi ra mắt vào cuối tháng 7/2020 cho đến nay, hãng đã bán được hơn 1,3 triệu chiếc trên toàn thế giới.

Chính sách ưu đãi phát triển xe điện

Theo thống kê, đến tháng 8/2022, cả nước có gần 3.000 ô-tô điện được sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu, gấp hơn 20 lần so với năm 2019 và đến tháng 7/2023, con số này đã “nhảy vọt” lên tới hơn 12 nghìn xe. Trong tương lai gần, Việt Nam được đánh giá là thị trường ô-tô điện đầy tiềm năng.

Nhanh chóng nhìn ra cơ hội và xu hướng phát triển trong tương lai, Công ty cổ phần ô-tô TMT (TMT Motors) đã ký hợp tác chiến lược với SGMW, lắp ráp dòng xe ô-tô điện mini Wuling HongGuang MiniEV tại nhà máy ô-tô của TMT Motors (Văn Lâm, Hưng Yên), công suất 30 nghìn chiếc/năm và phân phối độc quyền tại Việt Nam. Đây là sản phẩm nhỏ gọn nhưng vẫn đủ 4 chỗ ngồi, chất lượng ổn định, giá cả hợp lý, sạc điện tiện lợi với nguồn điện 220V (không cần trạm sạc), chi phí sử dụng hằng ngày thấp hơn đổ xăng xe máy.

Đến tháng 8/2022, cả nước có gần 3.000 ô-tô điện được sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu, gấp hơn 20 lần so với năm 2019 và đến tháng 7/2023, con số này đã “nhảy vọt” lên tới hơn 12 nghìn xe. Trong tương lai gần, Việt Nam được đánh giá là thị trường ô-tô điện đầy tiềm năng.

Ông Hồ Hải An, Tổng Giám đốc Xe điện (TMT Motors) cho hay, Wuling HongGuang MiniEV được xem là mẫu xe khai mở phân khúc ô-tô điện mini, hướng đến nhóm khách hàng cần phương tiện ô-tô đi lại trong đô thị, di chuyển ở khoảng cách vừa phải, có giá thành và chi phí sử dụng tương đối thấp.

Với chiều dài chưa đến 3 mét, rộng chưa đến 1,5 mét, xe dễ dàng cơ động trên đường phố đông đúc, dễ dàng tìm được chỗ đỗ, tiêu tốn gần 9,5 kW giờ cho 100 km di chuyển, nếu tính giá điện ở bậc cao nhất, chi phí sạc điện cho mẫu xe này chưa đến 300 đồng/km.

Mặc dù thị trường xe điện có tiềm năng lớn, nhưng nếu không có chính sách khuyến khích đủ mạnh và kịp thời, sẽ bỏ lỡ cơ hội phát triển trong bối cảnh hội nhập sâu rộng. Đại diện lãnh đạo Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) nhận định: Việc phát triển xe điện phụ thuộc vào các trụ cột chính là khung khổ pháp lý, chính sách hỗ trợ của Chính phủ và cơ chế khuyến khích bổ sung nhằm gia tăng doanh số; trong đó, chính sách hỗ trợ đóng vai trò quyết định.

Mặc dù thị trường xe điện có tiềm năng lớn, nhưng nếu không có chính sách khuyến khích đủ mạnh và kịp thời, sẽ bỏ lỡ cơ hội phát triển trong bối cảnh hội nhập sâu rộng.

Chính phủ và các bộ, ngành cũng đã và đang nỗ lực xây dựng hành lang pháp lý, chính sách ưu đãi để đón đầu xu thế phát triển xe xanh tại Việt Nam.

Đơn cử, lệ phí trước bạ của xe ô-tô điện chạy pin hiện là 0% trong vòng 3 năm (kể từ ngày 1/3/2022) và 2 năm tiếp theo bằng 50% xe xăng có cùng chỗ ngồi; thuế tiêu thụ đặc biệt cũng giảm chỉ còn 1 đến 3%, có hiệu lực từ tháng 3/2022 đến hết tháng 2/2027.

Bên cạnh đó, xem xét miễn thuế nhập khẩu linh kiện, thiết bị để lắp đặt trạm sạc điện và miễn thuế đất trong 5 năm đầu, giảm 50% trong 5 năm tiếp theo; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 5 năm đầu và giảm 50% cho 5 năm tiếp theo,…

Đồng tình quan điểm cần có chính sách hỗ trợ chuyển đổi sử dụng xe điện, song đại diện Bộ Tài chính cho rằng, Chính phủ đã có những ưu đãi ở mức cao đối với hoạt động sản xuất, lắp ráp xe ô-tô điện trong nước và pin xe điện. Trong bối cảnh Việt Nam tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do, việc xây dựng và thực hiện chính sách thúc đẩy phát triển xe ô-tô điện cần được nghiên cứu thận trọng và kỹ lưỡng, phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tiễn Việt Nam.