Áp dụng trí tuệ nhân tạo trong chuyển đổi số để nâng cao chất lượng xét xử của tòa án

NDO - Theo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình, việc tăng cường áp dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là đưa vào phần mềm trợ lý ảo đã giúp nâng cao chất lượng xét xử của tòa án. Đây cũng là một trong những điểm sáng trong chuyển đổi số được ghi nhận trong ngành tòa án.
0:00 / 0:00
0:00
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Nhờ trợ lý ảo, 1 giờ đưa được 10 vụ án lên mạng

Sáng 7/11, đặt câu hỏi chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân tối cao tại phiên chất vấn của Quốc hội, đại biểu Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) nêu rõ, với xu thế người dân ngày càng lựa chọn giải quyết tranh chấp tại tòa, theo báo cáo công tác của Chánh án, vụ việc hàng năm thụ lý, giải quyết đều tăng, tính chất ngày càng phức tạp, với nguồn lực về nhân sự và điều kiện bảo đảm như hiện nay thì rất khó khăn.

Do đó, đại biểu đề nghị Chánh án cho biết giải pháp để chỉ đạo thực hiện tốt các chỉ tiêu theo nghị quyết của Quốc hội và đáp ứng yêu cầu về cải cách tư pháp.

Trả lời chất vấn của đại biểu, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, ngành tòa án đã đề ra 17 giải pháp nâng cao chất lượng xét xử. Trong đó, đáng chú ý là tăng cường công tác hòa giải.

“Từ khi Luật Hòa giải đi vào hoạt động, các vụ án được hòa giải chiếm hơn 20%, giảm áp lực đáng kể”, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao nêu rõ.

Bên cạnh đó, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cũng nhấn mạnh việc tăng cường công nghệ thông tin, đặc biệt là đưa vào phần mềm trợ lý ảo.

Theo đó, hiện đã có hơn 3 triệu lượt sử dụng phần mềm trợ lý ảo, giúp 1 giờ đưa lên 10 vụ án. Theo Chánh án, đây cũng là một trong những điểm sáng về áp dụng trí tuệ nhân tạo trong chuyển đổi số được ghi nhận trong ngành tòa án.

Áp dụng trí tuệ nhân tạo trong chuyển đổi số để nâng cao chất lượng xét xử của tòa án ảnh 1

Quang cảnh phiên chất vấn của Quốc hội sáng 7/11. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

“Tại hội nghị về chuyển đổi số quốc gia, Chính phủ nhấn mạnh trợ lý ảo của tòa án là một trong những điểm sáng ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong chuyển đổi số quốc gia. Với sự hỗ trợ của phần mềm trợ lý ảo, đến nay có hơn 3,4 triệu lượt thẩm phán, thư ký sử dụng phần mềm trợ lý ảo. Năng suất lao động đã tăng lên, trước đây để mã hóa và đưa lên mạng 1 vụ án phải mất 1 buổi, hiện nay 1 giờ đưa lên 10 vụ án”, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nêu dẫn chứng.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cũng nhấn mạnh việc tăng cường đổi mới đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ thẩm phán, đề cao trách nhiệm cũng như động viên cán bộ hoàn thành nhiệm vụ.

“Hiện áp lực công việc hiện diện ở tất cả các tòa án, không có cách nào khác chúng tôi phải động viên anh em”, Chánh án Nguyễn Hòa Bình chia sẻ.

Về giải pháp căn cơ sắp tới, Tòa án nhân dân tối cao đã đề xuất và được Quốc hội đồng ý, đó là việc sửa đổi Luật Tổ chức tòa án.

Việc sửa đổi sẽ giúp hệ thống tòa án chủ động bố trí bộ máy hợp lý hơn, hình thành các tòa chuyên biệt để nâng cao chất lượng, giải quyết các vụ án có tính chuyên môn sâu, thay đổi một cách hợp lý các nhiệm vụ, quyền hạn của thẩm phán, có chế độ phù hợp hơn cho thẩm phán.

Theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, số lượng công việc tăng lên hằng năm, mỗi năm tăng 8-9%, tòa phải giải quyết hơn 600 nghìn vụ/năm, trong khi tương lai số vụ này có xu hướng tăng đều.

Do đó, theo Chánh án, về lâu dài, ngành tòa án đề xuất các cấp có thẩm quyền tăng biên chế một cách hợp lý cho hệ thống tòa án.

Thúc đẩy các phương thức trọng tài trong giải quyết các tranh chấp

Áp dụng trí tuệ nhân tạo trong chuyển đổi số để nâng cao chất lượng xét xử của tòa án ảnh 2

Đại biểu Vũ Tiến Lộc - Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội tranh luận. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Trao đổi lại với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc giảm tải công tác tại tòa án, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Hà Nội) cho biết, tại các nước trên thế giới, bên cạnh công tác xét xử tại tòa án thì xét xử bằng hòa giải của trọng tài thương mại là một phương pháp rất quan trọng để giảm tải cho công tác tại các tòa án.

Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, trong các giao dịch xuyên biên giới hiện nay, đến trên 90% các tranh chấp xuyên biên giới về mặt kinh tế được giải quyết thông qua tòa án.

Trong thời gian qua, Tòa án nhân dân tối cao đã phối hợp Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam để tăng cường sự ủng hộ và thúc đẩy các phương thức trọng tài trong nền kinh tế nước ta, trong giải quyết các tranh chấp, đặc biệt là tranh chấp kinh tế xuyên biên giới.

Đại biểu đề nghị bổ sung biện pháp phối hợp giữa Tòa án nhân dân tối cao với Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam trong báo cáo công tác của tòa án để góp phần giảm tải cho công tác tại tòa án.

Áp dụng trí tuệ nhân tạo trong chuyển đổi số để nâng cao chất lượng xét xử của tòa án ảnh 3

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Trao đổi với đại biểu Vũ Tiến Lộc về vấn đề hòa giải thương mại, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cho biết, về tăng cường các biện pháp thay thế tòa án, đã thông qua Luật Hòa giải ngoài tòa án, hiện đang phát huy tác dụng tốt, tỷ lệ hòa giải thành theo luật rất cao, giảm tải cho tòa án.

Một kênh nữa đại biểu đã nêu là tăng cường sử dụng trọng tài để giải quyết các vụ tranh chấp thương mại, đây cũng là ưu tiên của tòa án. Trên thực tế, tòa án đã làm việc cùng tập thể lãnh đạo trọng tài quốc tế, phòng thương mại, thống nhất về kế hoạch tăng cường hoạt động này.

Đồng tình với đề xuất của đại biểu, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, ngành tòa án sẽ tiếp thu và thực hiện việc đưa nội dung này vào báo cáo của Chánh án hằng năm trình Quốc hội.