Gia đình xã viên Bế Văn Chiến được Hợp tác xã Thịnh Phát lựa chọn trồng thí điểm mô hình cải thảo VietGAP do Trung tâm Khuyến nông tỉnh Ðắk Nông hỗ trợ. Ban đầu, ông Chiến được hỗ trợ về vốn, phân bón, hạt giống để trồng cải thảo VietGAP trên diện tích 5.000 m2, được cán bộ kỹ thuật đến trực tiếp tại vườn hướng dẫn quy trình sản xuất, Hợp tác xã Thịnh Phát cũng cử người hướng dẫn và giám sát quy trình...
Nhờ sự hỗ trợ, hướng dẫn, phối hợp chặt chẽ từ các bên cho nên mô hình thí điểm cải thảo của ông Chiến đã đạt chuẩn VietGAP ngay từ vụ đầu sản xuất. Ông Chiến cho biết, do quen lối canh tác truyền thống nên khi mới triển khai gia đình cũng rất lúng túng, chưa quen với quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, vẫn còn lo lắng vấn đề giá cả đầu ra.
Tuy nhiên, được sự hỗ trợ, hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông và hợp tác xã, gia đình đã nhanh chóng nắm được quy trình sản xuất, làm ra sản phẩm tốt, chất lượng. Sản phẩm sản xuất ra đến đâu được hợp tác xã ký kết với đối tác bao tiêu hết, giá cả ổn định, thu nhập cao, xã viên rất phấn khởi.
Mô hình chuỗi liên kết sản xuất cải thảo theo tiêu chuẩn VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm được Trung tâm Khuyến nông tỉnh Ðắk Nông triển khai từ tháng 5/2022, lúc đầu có 36 xã viên Hợp tác xã Thịnh Phát tham gia, quy mô 18 ha. Kinh phí thực hiện mô hình hơn 470 triệu đồng; trong đó, Nhà nước hỗ trợ gần 360 triệu đồng, người thực hiện mô hình đối ứng gần 115 triệu đồng. Hợp tác xã Thịnh Phát là đơn vị đại diện trực tiếp đàm phán, ký kết bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp nước ngoài là Công ty TNHH CJ Foods, không qua các doanh nghiệp trung gian trong nước cho nên giá bán sản phẩm đạt cao, đầu ra ổn định, góp phần nâng cao đời sống cho các nông hộ... Ðến nay, diện tích cải thảo VietGAP được mở rộng lên khoảng 50 ha và nhân rộng ra một số địa phương khác.
Giám đốc Hợp tác xã Thịnh Phát Nguyễn Thị Toản cho biết, thông qua mô hình, xã viên đã biết áp dụng các biện pháp khoa học, kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất cải thảo theo hướng liên kết chuỗi, tạo ra sản phẩm hàng hóa lớn, đạt tiêu chuẩn. Sản phẩm từ mô hình đạt các tiêu chuẩn rất cao, tỷ lệ sản phẩm đồng đều đạt hơn 90%, trọng lượng cải thảo trung bình 700gr/cây, năng suất trung bình hơn 40 tấn/ha/vụ. Với giá bán hơn 8.000 đồng/kg, trừ chi phí, nông hộ có lợi nhuận khoảng 140 triệu đồng/ha/vụ. Thời gian tới, hợp tác xã sẽ mở rộng diện tích, áp dụng mô hình với một số rau, củ khác trên địa bàn huyện và các địa phương trong tỉnh để bảo đảm nguồn cung thường xuyên cho đối tác.
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Ðắk Nông Nguyễn Văn Chương cho biết, chuỗi liên kết sản xuất cải thảo được cấp Giấy chứng nhận VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm tại xã Quảng Sơn là mô hình được triển khai với phương thức mới, khá hiệu quả, thành công vượt kế hoạch mong đợi ban đầu, giải quyết được song song hai vấn đề quan trọng nhất, đó là chất lượng và đầu ra sản phẩm.
Mặt khác, vai trò của hợp tác xã trong mô hình này cũng được đặt ở một mức độ cao hơn, là chủ thể trực tiếp và chịu trách nhiệm tìm đối tác bao tiêu đầu ra sản phẩm tới tận nhà máy chế biến của doanh nghiệp nước ngoài, không thông qua doanh nghiệp trung gian trong nước. Do đó giá sản phẩm cũng cao hơn, hợp đồng ký kết được bảo lãnh thầu theo quy định pháp luật cho nên không có rủi ro. Từ kết quả này, trung tâm đang nhân rộng mô hình đối với cây bắp cải và cà rốt tại xã Thuận Hà, huyện Ðăk Song.