Cần coi thể chế là nguồn lực và có biện pháp mạnh mẽ cải cách thể chế
Sáng 1/11, thảo luận về tình hình phát triển kinh tế-xã hội, đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) bày tỏ tâm đắc và tán thành với nhiều giải pháp trong kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 của Chính phủ.
Đại biểu nhấn mạnh, phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Chính phủ cần tập trung thu hút, trọng dụng nhân tài và xây dựng, phát triển đội ngũ doanh nhân dân tộc.
Về thu hút, trọng dụng nhân tài, đại biểu Lê Thanh Vân đánh giá cao Chính phủ đang chuẩn bị xây dựng dự thảo về vấn đề này, đồng thời mong sớm có đạo luật để có quy tắc chung cho toàn xã hội trong triển khai thực hiện.
Về doanh nhân dân tộc, vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 41, đại biểu đề nghị Quốc hội đưa ra một đoạn có “hồn cốt” tinh thần nghị quyết này trong nghị quyết chung của kỳ họp, đề nghị Chính phủ sớm có giải pháp thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị.
Trong đó, các cơ quan Nhà nước, cấp ủy chính quyền các cấp cần thường xuyên có đối thoại với doanh nhân; hỗ trợ doanh nhân khởi nghiệp. Đặc biệt, cần bảo vệ tài sản hợp pháp của doanh nghiệp, bổ sung các chế tài về kinh tế để xử lý vi phạm và không hình sự hóa các quan hệ kinh tế.
Các đại biểu dự phiên thảo luận ở hội trường sáng 1/11. (Ảnh: THỦY NGUYÊN) |
Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị cần có các biện pháp mạnh mẽ trong cải cách thể chế. Cần coi thể chế như một nguồn lực, cần sớm thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách thể chế, xem đây là một điểm đột phá quan trọng.
Trong thể chế cần đặc biệt quan tâm 3 nhóm thể chế về kinh tế: xác lập bình đẳng trong phân phối nguồn lực xã hội, không kể công và tư; bảo vệ chế độ hợp đồng, bảo vệ tài sản; giải quyết tốt quan hệ Nhà nước - thị trường.
Đại biểu cho rằng cần tiếp cận, làm chủ khoa học, công nghệ tiên tiến, tập trung vào 3 ngành công nghệ mũi nhọn: khoa học dữ liệu, công nghệ sinh học, công nghệ môi trường. Đồng thời, sử dụng hiệu quả đồng vốn để giải quyết các vấn đề khúc mắc, giảm chi thường xuyên để chi cho đầu tư, phát triển; dùng toàn bộ tăng thu của các năm để tăng chi hoàn thiện cơ sở hạ tầng.
Ngoài ra, cần chấn hưng văn hóa và đạo đức dân tộc. Theo đại biểu, có ba nhóm người cần tiên phong trong vấn đề này gồm: Đội ngũ lãnh đạo và quản lý phải đi đầu về trách nhiệm dẫn dắt; thầy cô giáo trong nhà trường; cha mẹ trong gia đình.
“Ba nhóm người này mà dẫn đầu về văn hóa, đạo đức thì tôi tin thế hệ thanh niên sẽ có ứng xử với đạo đức văn hóa tốt hơn”, đại biểu khẳng định.
Sớm khắc phục tình trạng chồng chéo của văn bản quy phạm pháp luật
Cùng nói về vấn đề rà soát, xử lý các văn bản quy phạm pháp luật chồng chéo, đại biểu Lê Xuân Thân (đoàn Khánh Hòa) cho biết, tháng 6/2023, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 101, đây là nghị quyết chung của kỳ họp, trong đó có nội dung rà soát để xem xét nguyên nhân vì sao xảy ra tình trạng trì trệ, không dám làm của các cán bộ.
Bên cạnh việc sợ trách nhiệm không dám làm, đại biểu Lê Xuân Thân cho rằng, còn có nguyên nhân khác là quy định không rõ ràng, mâu thuẫn, chồng chéo của văn bản quy phạm pháp luật.
Do đó, trong khoảng thời gian rất ngắn (từ tháng 7-9), các cơ quan chức năng đã tích cực triển khai và rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, chủ yếu ở lĩnh vực luật, nghị định, thông tư và chưa có văn bản của các địa phương. Qua kết quả rà soát, tỷ lệ chồng chéo có nhưng không cao.
Đại biểu cho rằng, nếu dừng lại ở tỷ lệ chưa cao và để lửng ở đó thì chưa nhìn nhận được nguyên nhân dẫn đến tình trạng cán bộ không dám làm và pháp luật chồng chéo, mâu thuẫn.
Điều này dẫn đến tình trạng “địa phương phải hỏi Trung ương, tỉnh phải hỏi bộ trưởng, rất nhiều vấn đề chưa rõ vì văn bản”. Do đó, đại biểu Lê Xuân Thân đề nghị cần rà soát kỹ các nội dung cụ thể.
Đại biểu Tao Văn Giót (đoàn Lai Châu) phát biểu ý kiến. (Ảnh: THỦY NGUYÊN) |
Có chung mối quan tâm, đại biểu Tao Văn Giót (đoàn Lai Châu) nhấn mạnh sự cần thiết nghiên cứu sửa đổi văn bản có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo.
Đại biểu đề nghị đối với các dự án luật được thông qua tại Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp thứ 7 như Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi)…, Chính phủ cần tập trung chỉ đạo việc dự thảo các nghị định ngay từ bây giờ, bởi luật sau khi được thông qua còn thời gian chờ để có hiệu lực và ban hành các hệ thống văn bản hướng dẫn rất nhiều, nhất là đối với Luật Đất đai.
Đại biểu Tao Văn Giót cũng nhấn mạnh, nâng cao chất lượng công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và ban hành các chính sách là yêu cầu tất yếu của sự phát triển. Trong đó, cần quan tâm sự xây dựng đội ngũ làm công tác pháp chế, nhất là các cơ quan ở Trung ương đủ tầm tham mưu.
Đại biểu đề nghị bổ sung đội ngũ làm công tác pháp chế được hưởng phụ cấp nghề công tác kiểm tra như công tác kiểm tra, thanh tra. Đồng thời, để nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ tham mưu xây dựng chính sách, đề nghị Chính phủ nghiên cứu quy định chế độ biệt phái công chức, viên chức những người có trình độ, năng lực, trẻ tuổi và được quy hoạch hoặc đang giữ chức vụ phó phòng đến công tác tại cơ sở ít nhất 12 tháng và quy định bắt buộc thực hiện thống nhất trong cả nước để cán bộ trẻ có cơ hội để thâm nhập và am hiểu thực tế.