Phát huy thế mạnh xây dựng kinh tế nông thôn

NDO - Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã thay đổi nhanh chóng đời sống bà con, diện mạo các làng quê của huyện Gia Lâm thêm khang trang, hiện đại với những giá trị văn hóa riêng biệt, đặc trưng...Trong đó, có nhiều xã như: Bát Tràng, Kiêu Kỵ, Ninh Hiệp, Dương Xá… đã trở thành miền quê đáng sống, nơi lưu giữ những người con gắn bó với mảnh đất quê hương.
0:00 / 0:00
0:00
Xã Kiêu Kỵ (Bát Tràng) nổi tiếng với làng nghề dát vàng độc nhất vô nhị cả nước. Từ nghề nhiều hộ gia đình vươn lên có cuộc sống sung túc.
Xã Kiêu Kỵ (Bát Tràng) nổi tiếng với làng nghề dát vàng độc nhất vô nhị cả nước. Từ nghề nhiều hộ gia đình vươn lên có cuộc sống sung túc.

Diện mạo nông thôn khởi sắc

Thôn Thuận Quang, xã Dương Xá là một trong những địa bàn đầu tiên được huyện Gia Lâm lựa chọn làm mô hình điểm thôn thông minh. Theo Trưởng thôn Thuận Quang, xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, Hoàng Đình Hoan chia sẻ, ngay sau khi được Đảng ủy, UBND xã giao cho thôn xây dựng mô hình “Thôn thông minh”, thôn Thuận Quang đã quán triệt trong nhân dân, tất cả mọi người, mọi gia đình cùng tham gia. Thôn huy động xã hội hóa để lắp đặt hệ thống wifi tốc độ cao miễn phí, lắp 16 camera an ninh giám sát tại các khu vực công cộng, tuyến đường trục chính, thành lập trang thông tin thôn, xóm, các đoàn thể trên nền tảng mạng xã hội Zalo, giúp người dân nhanh chóng tiếp cận thông tin chính xác, thuận tiện.

Theo Chủ tịch UBND xã Dương Xá Tô Hữu Vịnh, để hoàn thành xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu đòi hỏi địa phương cần phải có một thôn thông minh bao hàm đủ các điều kiện, có hạ tầng mạng Internet băng rộng, cáp quang phủ sóng, hơn 80% hộ gia đình phổ cập dịch vụ mạng di động 4G, 5G có mạng wifi miễn phí tại nhà văn hóa thôn hơn 90 %. Người dân trưởng thành sử dụng điện thoại thông minh hơn 70 %. Người dân trưởng thành có tài khoản thanh toán điện tử. Đến nay, thôn Thuận Quang của Dương Xá đã hoàn thành các tiêu chí này.

Cuối năm 2022 UBND Thành phố đã ký Quyết định công nhận “Điểm du lịch Dương Xá”. Đây là cơ hội, điều kiện thuận lợi để Dương Xá tiếp tục gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống quý báu, phát huy có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của địa phương tuyên truyền, quảng bá đến du khách.

Hiện xã Dương Xá có 6 hợp tác xã hoạt động có hiệu quả và thực hiện theo chuỗi khép kín. Toàn xã có 18 sản phẩm công nhận sản phẩm OCOP. Thu nhập bình quân chung của xã là 73,21 triệu đồng/người/năm, mức thu nhập bình quân của các hộ năm 2022 tăng 5,76 triệu đồng so với cùng kỳ năm 2021. Giá trị sản xuất đạt 132,54 (tỷ đồng) chiếm 57,11% tổng giá trị sản xuất của làng, tăng 13,04% so với năm 2021, thu hút hàng trăm lao động tại các địa phương khác đến làm nghề. Hằng năm sản xuất chế biến và cung cấp ra thị trường hàng trăm tấn sản phẩm.

Tương tự, tại xã Bát Tràng, người dân tích cực xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu nhờ vào sự đồng lòng và quyết tâm của cả hệ thống chính trị. Bát Tràng là một trong những xã đầu tiên của Hà Nội hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Theo đó, Bát Tràng tập trung xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu trên hai lĩnh vực nổi trội là du lịch và an ninh trật tự.

Chính vì nghề đã tồn tại hàng trăm năm mà nhiều người dân nơi đây giữ nghề để phát triển, định hướng của bà con trong tương lai là phát triển nghề gắn với du lịch. Hiện nay đã có rất nhiều đơn vị, đoàn thể, khách du lịch trong và ngoài nước đến với làng gốm Bát Tràng để tham quan, trải nghiệm, đặc biệt là học sinh, sinh viên...

Giám đốc Hợp tác xã Công nghiệp sứ Hợp Lực, Phùng Văn Hữu

Bên cạnh việc áp dụng các ứng dụng công nghệ để phát triển du lịch theo đúng xu hướng du lịch hiện đại, Bát Tràng đã và đang thực hiện việc chỉnh trang đường phố, xây dựng nhà tiếp đón, hướng dẫn du khách, tạo những không gian đậm chất văn hóa để làm nơi “check in” thu hút giới trẻ.

Bát Tràng cũng chủ trương xây dựng mô hình thôn thông minh tại thôn 2 Bát Tràng dựa trên 3 trụ cột: Chính quyền điện tử (chính quyền số) - Xã hội số - Kinh tế số. Qua đó, thu hẹp dần khoảng cách nông thôn và thành thị, từng bước cải thiện các điều kiện kinh tế, xã hội và môi trường của khu vực nông thôn.

Phát huy thế mạnh xây dựng kinh tế nông thôn ảnh 1

Với 100% số hộ làm nghề gốm, Bát Tràng là một trong những xã đầu tiên của Thành phố Hà Nội hoàn thành mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Giám đốc Hợp tác xã Công nghiệp sứ Hợp Lực (Thôn 1 Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội) Phùng Văn Hữu chia sẻ, chính vì nghề đã tồn tại hàng trăm năm mà nhiều người dân nơi đây giữ nghề để phát triển, định hướng của bà con trong tương lai là phát triển nghề gắn với du lịch. Hiện nay đã có rất nhiều đơn vị, đoàn thể, khách du lịch trong và ngoài nước đến với làng gốm Bát Tràng để tham quan, trải nghiệm, đặc biệt là học sinh, sinh viên...

Chủ tịch UBND xã Bát Tràng, Phạm Huy Khôi cho biết: Đến nay, qua rà soát sơ bộ kết quả thực hiện bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025, Bát Tràng đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới nâng cao, đáp ứng 1 mô hình thôn thông minh. Thu nhập bình quân đầu người đến hết năm 2022 đạt 75 triệu/người/năm. Mô hình du lịch thông minh được kỳ vọng sẽ tạo sức bật đưa Bát Tràng về đích nông thôn mới kiểu mẫu năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới bứt tốc thành lập quận

Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Gia Lâm, Nguyễn Tiến Hoàng, tính đến hết năm 2022, huyện Gia Lâm có 15 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (đạt 75%). Năm 2023, huyện tập trung xây dựng nông thôn mới nâng cao tại 5 xã còn lại là: Kim Sơn, Trung Mầu, Yên Thường, Dương Quang, Đông Dư; đồng thời phấn đấu thêm 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu là Ninh Hiệp, Bát Tràng, nâng số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu lên 5 xã.

Phát huy thế mạnh xây dựng kinh tế nông thôn ảnh 2

Những ngôi nhà khang trang tại xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm.

Để triển khai kế hoạch xây dựng nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu, đồng thời xây dựng huyện Gia Lâm thành quận, giai đoạn 2021 - 2025, Đảng bộ và nhân dân Gia Lâm đã đoàn kết, phát huy thế mạnh đạt được, hướng tới thực hiện nhiều chương trình trọng điểm cố gắng đạt tiến độ đề ra.

Theo Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội, thời gian qua, huyện đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ có trọng tâm, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương để xây dựng nông thôn mới.

Trong đó, nhấn mạnh là công tác xây dựng nông thôn mới được thực hiện thực chất, thiết thực, hiệu quả và bền vững gắn liền với quá trình đô thị hóa, hướng đến nông thôn mới phồn vinh, văn minh và hiện đại. Xây dựng nông thôn mới gắn với bảo tồn và phát huy giá trị các làng nghề truyền thống.

Theo Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội, thời gian qua, huyện đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ có trọng tâm, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương để xây dựng nông thôn mới. Phong trào đã thu hút sự tham gia, hưởng ứng của đông đảo các tầng lớp nhân dân.

Cùng với Gia Lâm, Hà Nội xác định rõ những địa phương vùng ngoại ô sẽ là hạt nhân phát triển kinh tế. Xây dựng bức tranh nông thôn mới có chiều sâu, gắn với bản sắc, giá trị nông thôn, phát huy được những giá trị vốn có, của thế mạnh đất trăm nghề.

Với các làng nghề truyền thống như: dát quỳ vàng, may da Kiêu Kỵ; thuốc nam, thuốc bắc Ninh Hiệp; gốm sứ Kim Lan, Bát Tràng…đã tạo ra các giá trị đặc trưng, các sản phẩm tiêu biểu mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm, Nguyễn Đức Hồng cho biết: Đích đến của nông thôn mới là xây dựng những miền quê đáng sống. Nhờ thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới đến nay kinh tế của huyện đã phát triển tích cực, đời sống người dân được nâng cao. Các vùng quê đã thay da đổi thịt với nếp sống văn minh hiện đại.

Cùng với đẩy mạnh công tác xây dựng nông thôn mới nâng cao, huyện Gia Lâm cũng tăng cường cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Phấn đấu đến hết năm 2023, huyện tập trung duy trì các chỉ tiêu đã đạt và hoàn thành sớm chỉ tiêu xây dựng mô hình thôn thông minh để đạt chỉ tiêu xã nông thôn mới kiểu mẫu đối với hai xã Ninh Hiệp, Bát Tràng. Với 100% số xã đủ tiêu chuẩn công nhận xã nông thôn mới nâng cao và huyện Gia Lâm đủ điều kiện đạt huyện nông thôn mới nâng cao, công tác đầu tư, xây dựng huyện Gia Lâm trở thành quận đã gần về tới đích.