Gia Lâm hoàn tất các bước cuối để trở thành quận

Nhờ sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ đầu tư cơ sở hạ tầng, hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế đến việc nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, huyện Gia Lâm đang hoàn thiện những thủ tục cuối cùng để trở thành quận. Đây không chỉ là đích đến, mà còn là tiền đề quan trọng cho địa bàn phát triển nhanh hơn, bền vững hơn trong giai đoạn tới.
0:00 / 0:00
0:00
Tuyến đường Dương Xá-Đông Dư được đầu tư đồng bộ với hệ thống cây xanh, chiếu sáng và rãnh thoát nước, hệ thống viễn thông. (Ảnh MẠNH KHÁNH)
Tuyến đường Dương Xá-Đông Dư được đầu tư đồng bộ với hệ thống cây xanh, chiếu sáng và rãnh thoát nước, hệ thống viễn thông. (Ảnh MẠNH KHÁNH)

Về xã Dương Xá (huyện Gia Lâm) những ngày này, mọi người đều cảm nhận được không khí phấn khởi của người dân, nhất là vào buổi chiều ở các nhà văn hóa, nơi người dân tập trung để tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao.

Niềm vui nhân đôi khi xã không chỉ đạt nông thôn mới kiểu mẫu mà đã hoàn thiện xong các tiêu chí lên phường. Hạ tầng được nâng cấp với những con đường, thiết chế văn hóa khang trang, hiện đại, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) xã Tô Hữu Vịnh cho biết: “Xã đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ nhiều năm trước. Đến nay tất cả 18 tiêu chuẩn thành phường của Dương Xá đã hoàn thành”. Nhiều tuyến đường trên địa bàn vốn là đường liên xã, liên thôn đã được nâng cấp thành tuyến phố văn minh đô thị, kết nối các di tích, làng nghề để Dương Xá trở thành điểm du lịch của thành phố.

Bên cạnh việc thúc đẩy thương mại, dịch vụ, xã Dương Xá đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên tổng diện tích gần 100 ha, đạt hiệu quả kinh tế cao và thêm 50,12 ha đang được lập phương án chuyển đổi. “Việc chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây cho giá trị kinh tế cao vừa mang lại doanh thu từ 100 đến 200 triệu đồng/sào/năm, thu nhập của người dân bình quân đạt 73,21 triệu đồng/người/năm”, Chủ tịch UBND xã thông tin thêm.

Từ định hướng này, huyện Gia Lâm tập trung phát triển kinh tế bằng nhiều giải pháp, vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp về thủ tục, vừa đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Huyện chú trọng thu hút các nguồn lực phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân, nhưng chọn lựa kỹ các nhà đầu tư vừa có năng lực, vừa phù hợp với sự phát triển của địa bàn, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế. Ngay cả lĩnh vực nông nghiệp, huyện cũng chú trọng thúc đẩy nông nghiệp sạch, sinh thái để không chỉ nâng cao năng suất, mà còn giữ được những vùng xanh cho đô thị.

Chủ tịch UBND huyện Đặng Thị Huyền

Các dự án đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 được huyện triển khai tích cực, có trọng tâm, trọng điểm, cơ bản bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình. Huyện đã đưa vào sử dụng 223/333 dự án, tổng kinh phí đã thực hiện 3.226 tỷ đồng, góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng xây dựng nông thôn mới, từng bước đầu tư xây dựng theo hướng đô thị.

Huyện cũng tập trung khai thác hiệu quả các cụm công nghiệp, cụm sản xuất làng nghề hiện có, tiếp tục nghiên cứu, đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư và triển khai các cụm công nghiệp: Đình Xuyên, Lệ Chi, Lâm Giang, mở rộng cụm công nghiệp Phú Thị giai đoạn 2; xây dựng kế hoạch định hướng phát triển nông nghiệp tập trung tại sáu xã có vùng phát triển nông nghiệp ổn định (Kim Sơn, Văn Đức, Lệ Chi, Dương Quang, Trung Mầu, Phù Đổng)...

Nhờ các giải pháp hiệu quả này, đời sống người dân đã được nâng cao. Thu nhập bình quân đạt 71,7 triệu đồng/người/năm, tăng 9,2 triệu đồng/người so với năm đầu thực hiện Nghị quyết nhiệm kỳ 2020-2025. Ngoài ra, bình quân giai đoạn 2020-2022, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 3.981 tỷ đồng, bằng 124,4% kế hoạch.

Riêng năm 2022, thu ngân sách cao gấp 1,6 lần năm trước đó, cũng là năm đầu tiên huyện tự bảo đảm cân đối thu-chi ngân sách, trong khi nghị quyết đề ra đến năm 2025 đạt mục tiêu này. Sáu tháng đầu năm 2023, huyện có thêm tám xã được thành phố quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, ba xã được quyết định công nhận đạt nông thôn mới kiểu mẫu.

Đến nay, UBND huyện Gia Lâm đã có tờ trình gửi UBND thành phố Hà Nội về đề án thành lập quận và 16 phường thuộc quận. Theo đó, địa phương đã hoàn thành 31/31 tiêu chí thành lập quận, 16 khu vực dự kiến thành lập phường đều bảo đảm đạt hơn 10/13 tiêu chí.

Khi trở thành quận, Gia Lâm có 16 phường trên cơ sở sáp nhập 22 đơn vị hành chính cấp xã, thị trấn hiện nay. Trong đó, một số xã không đạt chỉ tiêu về diện tích tự nhiên và dân số để thành lập phường theo quy định, sẽ được sáp nhập. Ngày 28/8, huyện sẽ tổ chức lấy ý kiến cử tri về chủ trương thành lập quận Gia Lâm và các phường thuộc quận.

Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Đặng Thị Huyền cho biết, song song với việc hoàn thiện các thủ tục, huyện cũng đang quyết liệt nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, tập trung vào các lĩnh vực cải cách hành chính, quản lý đất đai, xây dựng, quản lý đô thị, để khi thành quận có thể bắt nhịp ngay với công việc.

Công tác bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn thời gian qua đã được thực hiện tốt, nay càng được chú trọng hơn nữa để các nhà đầu tư yên tâm, tạo động lực phát triển hiệu quả hơn. Đồng thời huyện cũng tập trung đầu tư, khơi dậy cho được nguồn lực văn hóa, nhất là bảo tồn, phát huy hơn 300 di tích trên địa bàn, các lễ hội, nhất là những di tích, lễ hội đặc sắc để xây dựng Gia Lâm là quận văn hiến, văn minh và hiện đại.