Men kết tinh nở hoa Bát Tràng

Nổi tiếng với tài nghệ vẽ tranh trên sứ, lần đầu họa sĩ Hồng Đức Thanh đưa thủ pháp vẽ tranh lên dòng men kết tinh của làng nghề gốm Bát Tràng. Sự kết hợp đã mang đến những tác phẩm gốm sứ nghệ thuật vừa truyền thống, vừa hiện đại.
0:00 / 0:00
0:00
Họa sĩ Hồng Đức Thanh trình diễn thủ pháp vẽ tranh trên gốm Bát Tràng.
Họa sĩ Hồng Đức Thanh trình diễn thủ pháp vẽ tranh trên gốm Bát Tràng.

Họa sĩ Hồng Đức Thanh, có nhiều năm sinh sống và làm việc ở Na Uy và kỹ sư gốm sứ Lê Ngọc Thạch, đời thứ 16 dòng họ Lê ở làng gốm sứ Bát Tràng (Hà Nội) có nhân duyên gặp gỡ, đồng điệu trong tâm hồn và mến mộ tài năng của nhau. Cả hai đã kết hợp tổ chức một buổi trình diễn vẽ gốm sứ nghệ thuật ngay tại Trung tâm tinh hoa làng nghề Việt (Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội). Đúng như tên gọi của buổi trình diễn: “Hoa trên hoa kết tinh”, thủ pháp vẽ trên men kết tinh mang đến những tác phẩm đẹp tôn vinh cho gốm sứ Bát Tràng.

Hồng Đức Thanh là người nổi tiếng với thủ pháp vẽ tranh trên men sứ. Ông đã từng tổ chức nhiều cuộc triển lãm ở Mỹ, Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc... Vốn là người học kỹ thuật thiết kế máy, nhưng ông đã tự nghiên cứu, học hỏi loại hình nghệ thuật này. Kỹ thuật vẽ tranh sứ của ông được đặt tên là Brumunddal, tên thị trấn ở Na Uy nơi ông đang sinh sống. Đam mê mỹ thuật, ông sang Đài Loan (Trung Quốc) nghiên cứu, học hỏi kỹ thuật bút pháp.

Tác phẩm tiêu biểu của Hồng Đức Thanh là kết hợp, trình diễn vẽ trên một trong những chiếc bát sứ mỏng nhất thế giới của đại sư Huỳnh Chánh Nam tại Đài Loan. Chiếc bát này hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng gốm sứ Thượng Hải, Trung Quốc. Hiện nay, Hồng Đức Thanh đang giảng dạy sáng tác tranh sứ rộng khắp thế giới với mong muốn đào tạo được những lứa học trò kế tục phong cách nghệ thuật này.

Còn với kỹ sư gốm sứ Lê Ngọc Thạch, sinh ra và lớn lên ở Bát Tràng, gắn bó với nghệ thuật gốm sứ từ nhỏ, tình yêu gốm sứ đã ngấm vào máu thịt của anh. Đam mê gốm sứ, anh lựa chọn du học và tốt nghiệp chuyên ngành hóa sillicat của Học viện Gốm sứ Cảnh Đức Trấn, nay là Đại học Gốm sứ Trung Quốc.

Chứng kiến sự phát triển lớn mạnh nhanh chóng của ngành gốm sứ thế giới, anh khao khát tạo nên những sản phẩm của riêng mình, ngay tại ngôi làng hơn 700 năm tuổi bên bờ sông Hồng. Anh không ngừng tìm tòi, sáng tạo, thử nghiệm những sản phẩm mới, vừa kế thừa những giá trị truyền thống của làng nghề vừa mang hơi thở, tinh thần của thế giới. Đang là giám đốc kỹ thuật và phụ trách phát triển sản phẩm Công ty TNHH gốm sứ Quang Vinh, các sản phẩm của công ty đã có mặt tại gần 30 quốc gia, Lê Ngọc Thạch thường xuyên tiếp xúc, làm việc với nhiều nhà thiết kế gốm, thương hiệu gốm lớn. Với hoài bão sáng tạo một dòng gốm sứ của riêng mình, anh vẫn đang nỗ lực nghiên cứu, sáng tạo và ứng dụng các dòng gốm trong đời sống.

Nghiên cứu về men kết tinh từ khi còn học đại học, anh Thạch cho biết: “Men kết tinh hút hồn những người yêu thích gốm sứ ngay từ ánh nhìn đầu tiên. Đây là tên gọi chung của những loại men độc đáo, với công thức men và nhiệt độ nung tạo ra những tinh thể có hình dáng bông hoa, mầu sắc tự nhiên như khảm trai, xà cừ, vỏ ốc… tạo nên sự hấp dẫn và hiệu ứng thẩm mỹ. Bản thân tôi rất hứng thú “đi tìm” men kết tinh. Làm về dòng men này từ năm 2004, hiểu được bí quyết nằm ở phối liệu của men và quy trình nung, nhưng chưa khi nào tôi nắm bắt hoàn toàn được kỹ thuật bởi mỗi sản phẩm ra lò lại là một tác phẩm độc đáo, không tuân theo sự sắp đặt hay ý đồ nào”…

Họa sĩ Hồng Đức Thanh và kỹ sư Lê Ngọc Thạch gặp nhau trong một buổi giao lưu do Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức vào tháng 10/2022. Tìm thấy sự đồng điệu trong ý tưởng, họ bắt tay nhau kết hợp tổ chức triển lãm “Hoa trên hoa kết tinh”. Nhưng để ra mắt được công chúng yêu nghệ thuật gốm sứ, họa sĩ Hồng Đức Thanh và kỹ sư Lê Ngọc Thạch đã dành rất nhiều thời gian làm việc, thử nghiệm tại xưởng sản xuất gốm để đạt được sự hài lòng trong kỹ thuật và mỹ thuật.

Cái khó đối với họa sĩ Hồng Đức Thanh chính là tôn vinh vẻ đẹp sẵn có của dòng men kết tinh này, bởi những chiếc bình, chiếc đĩa từ men kết tinh tự thân đã là một tác phẩm nghệ thuật. Trên những bông hoa gốm, với bút pháp điêu luyện, linh hoạt, ông đã tạo nên những bức tranh với bố cục hài hòa, chặt chẽ. Trên bàn làm việc của ông là chiếc túi đồ nghề với hàng trăm cây bút lông các loại, mầu, dầu pha, bảng pha mầu, đây là những dụng cụ để ông nhấn nhá, tô vẽ, phối hợp tạo nên những bông hoa nở hoa. Người ta tặng ông biệt danh nghệ sĩ “bút pháp tại tâm sinh” bởi ông không bao giờ vẽ phác thảo mà thường sẽ tùy cảm hứng lúc đó, để sáng tạo nên tác phẩm.

Cầm chiếc đĩa trên tay, họa sĩ Hồng Đức Thanh quan sát sự sắp xếp của các bông hoa gốm, ngắm nghía tỉ mỉ rồi đặt bút vẽ trực tiếp lên sản phẩm. Chấm mầu, phẩy bút nhẹ nhàng, những cánh hoa, gân lá, vân hoa hiện lên uyển chuyển, mềm mại với những chi tiết tinh xảo. Chỉ trong thời gian ngắn, những chiếc bình quan âm, bình tỳ bà, đĩa, chén… khoác một lớp áo mới rực rỡ và sinh động.

Đối với thủ pháp vẽ hoa trên gốm, công đoạn nung mầu sau khi vẽ cũng quyết định sản phẩm có thành công, hoàn hảo hay không. Công đoạn này đòi hỏi sự cẩn trọng cũng như kinh nghiệm căn nhiệt độ để mầu vẽ không bị chảy, gốm không bị giãn nở và nhiệt độ không làm thay đổi, biến dạng hoặc vỡ tác phẩm.

Thủ pháp vẽ hoa trên men kết tinh của họa sĩ Hồng Đức Thanh đã mang đến những tác phẩm gốm sứ nghệ thuật độc đáo. Chiêm ngưỡng những tác phẩm của triển lãm “Hoa trên hoa kết tinh”, bà Mai Thị Ngọc Oanh, Phó Chủ tịch thường trực Hội Mỹ thuật Việt Nam chia sẻ: Với kinh nghiệm của họa sĩ Hồng Đức Thanh và sự kết nối của kỹ sư Lê Ngọc Thạch, làng nghề gốm Bát Tràng có thêm hương vị mới trong nghệ thuật gốm.

Làng nghề gốm sứ Bát Tràng đang trở mình bắt nhịp mạnh mẽ với sự phát triển chung của thế giới với những sản phẩm mang hơi thở của cuộc sống đương đại. Những tác phẩm họa tranh trên gốm sứ nghệ thuật trưng bày ngay tại Trung tâm tinh hoa làng nghề Việt không chỉ là thành quả của quá trình làm việc nghiêm túc, mà còn khích lệ những người sáng tác, trình diễn nghệ thuật có thêm nhiều sự kết hợp, cho ra đời nhiều tác phẩm giá trị, góp phần đưa làng gốm Bát Tràng không chỉ là xưởng sản xuất, mà trở thành trung tâm trình diễn nghệ thuật của Hà Nội, của Việt Nam.